Sử dụng vắc xin bất hoạt phòng bệnh mù mắt ở cá bớp
Đề tài 'Đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc xin bất hoạt trong việc phòng bệnh mù mắt do liên cầu khuẩn gây ra ở cá bớp nuôi tại Khánh Hòa' vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Nha Trang nghiệm thu và đánh giá cao. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin phòng bệnh mù mắt do liên cầu khuẩn gây ra ở cá bớp.
Bệnh mù mắt ở cá bớp khá cao
Theo Tiến sĩ Trần Vĩ Hích - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, chủ nhiệm đề tài, ở Khánh Hòa, nghề nuôi cá bớp bắt đầu phát triển từ cuối năm 2000. Những năm gần đây, các trại giống chủ động được nguồn giống sinh sản nhân tạo đã thúc đẩy nghề nuôi cá bớp phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện bệnh mù mắt đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho nghề nuôi cá bớp thương phẩm ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Cụ thể, năm 2014 có khoảng 6.000 cá bớp nuôi tại các xã đảo ở tỉnh Kiên Giang chết có biểu hiện mù mắt; năm 2016 tại Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, 50% lượng cá nuôi bị chết với biểu hiện mắt cá xuất huyết và mù. Tại Khánh Hòa, theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, năm 2016 tại phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh, vi khuẩn Streptococcus iniae (vi khuẩn hình cầu có dạng chuỗi) gây chết trên cá bớp thương phẩm tại địa phương với dấu hiệu xuất huyết, lở loét, mù mắt, ước tính thiệt hại 16 tấn cá… Bệnh mù mắt không chỉ xuất hiện trên cá bớp mà còn trên nhiều đối tượng khác. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do vi khuẩn gây ra. Hiện tại, người dân chủ yếu sử dụng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, hiệu quả không cao do ngày càng xuất hiện nhiều chủng vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Vì thế, việc nghiên cứu vắc xin phòng bệnh cho cá là cần thiết.
Hướng đi an toàn
Thực hiện đề tài, Tiến sĩ Trần Vĩ Hích và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu xác định tác nhân vi khuẩn gây bệnh mù mắt ở cá bớp nuôi tại Khánh Hòa và đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc xin bất hoạt trong việc phòng bệnh mù mắt do liên cầu khuẩn gây ra ở cá bớp nuôi.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã thu và phân tích ngẫu nhiên 64 đàn cá bớp nuôi tại huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh, kết quả cho thấy tỷ lệ đàn cá bớp xuất hiện bệnh mù mắt chiếm 17,19%, trong đó tỷ lệ nhiễm liên cầu khuẩn lên đến 72,73%. Khi phân tích mẫu, nhóm nghiên cứu ghi nhận cá nhiễm liên cầu khuẩn có dấu hiệu bệnh lý bên ngoài như: bơi lờ đờ sát thành lồng, cơ thể sẫm màu, mắt đục… Để kiểm soát tốt bệnh mù mắt ở cá bớp do vi khuẩn gây ra, theo nhóm nghiên cứu, việc sử dụng vắc xin trong phòng bệnh trên cá là hướng đi an toàn, hiệu quả và bền vững nhất cho nghề nuôi thủy sản nói chung và cá bớp nói riêng.
Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chọn 40 con cá bớp có chiều dài thân trung bình từ 10 đến 12cm, chưa từng nhiễm liên cầu khuẩn đưa vào thí nghiệm để kiểm định tính an toàn của vắc xin. Trong đó, 20 con được tiêm vắc xin vào xoang bụng, 20 con đối chứng được tiêm dung dịch nước muối sinh lý. Sau 28 ngày khi tiêm vắc xin lần đầu tiên, cá bớp được tiêm nhắc lại một lần nữa. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, vắc xin thử nghiệm hoàn toàn an toàn với cá bớp, không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào được tìm thấy ở đàn cá tiêm vắc xin. Tỷ lệ sống của cá sau khi tiêm vắc xin 30 ngày đạt 100% và tốc độ tăng trưởng của cá cũng tương đương cá đối chứng. Ngoài ra, qua phân tích 20 mẫu huyết thanh của cá đối chứng và 20 mẫu huyết thanh của cá được tiêm vắc xin, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được 100% huyết thanh của cá tiêm vắc xin đều có kháng thể đặc hiệu kháng lại vi khuẩn Streptococcus iniae, trong khi ở nhóm đối chứng 90% mẫu huyết thanh không có kháng thể kháng vi khuẩn Streptococcus iniae.
“Vắc xin bất hoạt có tác dụng bảo vệ cá bớp kháng lại bệnh mù mắt do Streptococcus iniae gây ra với hệ số bảo vệ đạt 85,19%. Thực tế, hiện nay, hầu hết vắc xin sử dụng trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu nhập từ nước ngoài về. Do đó, chúng tôi nghiên cứu đề tài này với mong muốn có các nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin phòng bệnh mù mắt do liên cầu khuẩn gây ra ở cá bớp. Trước mắt, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được Trung tâm Nghiên cứu Giống và Dịch bệnh thủy sản sử dụng để sản xuất những đàn giống kháng bệnh cung cấp cho người nuôi tại địa phương”, Tiến sĩ Hích nói.
KHÁNH HÀ