Sử dụng vỉa hè có thu phí tại TPHCM: Người dân đồng tình và chấp hành nghiêm
Nhiều người bày tỏ sự yên tâm khi đăng ký sử dụng vỉa hè trên phần mềm tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố.
Từ ngày 09/5, UBND Q1 tổ chức hội nghị triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức kinh doanh, mua bán hàng hóa theo Quyết định 32 ngày 26/7/2023 của UBND TPHCM quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần hè phố Q1.
Theo quyết định 32 của UBND TPHCM, các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng tiền gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ xe ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ - mua bán hàng hóa, giữ xe có thu tiền dịch vụ…
Vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ… Mức phí được TP áp dụng dựa trên giá đất bình quân 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất là 350.000 đồng/m2 mỗi tháng, các hoạt động khác mức phí áp dụng từ 20.000 - 100.000 đồng/m2 mỗi tháng.
Ghi nhận của phóng viên, kể từ khi triển khai thí điểm đến nay, tại các tuyến đường như: Hoàng Sa, Mạc Đĩnh Chi, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo… người dân vô cùng phấn khởi.
Cô Lê Thị Nga - kinh doanh trên đường Lê Thánh Tôn, P.Bến Thành, Q1 chia sẻ: “Gia đình tôi mưu sinh bằng việc bán trái cây ở đây đã nhiều năm, thu nhập trông chờ cả vào gánh hàng. Trước kia vừa buôn bán vừa nơm nớp lo sợ vì vi phạm lấn chiếm vỉa hè, ngay khi thí điểm cho sử dụng vỉa hè có thu phí, vợ chồng tôi rất háo hức và tiên phong đi đăng ký sử dụng 3m2 vỉa hè với mức phí 100.000 đồng/m2 trong thời hạn 6 tháng. Từ đó, gia đình bày biện hàng hóa đúng theo vạch quy định của cơ quan chức năng nên công việc kinh doanh ổn định và yên tâm làm ăn”.
Không chỉ những gia đình kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, nhiều hộ kinh doanh quán ăn và các ngành nghề khác cũng đã đăng ký sử dụng vỉa hè làm nơi để xe cho khách. Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 21/6/2024, nhiều tuyến đường như Lê Thánh Tôn, Hải Triều, Phan Bội Châu… người dân dựng xe chấp hành nghiêm chỉnh, bày bán kinh doanh đúng vạch kẻ quy định, không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè lộn xộn như trước kia, tạo không gian sạch sẽ, thông thoáng ở khu vực trung tâm TP.
Ông Dương Thanh Bình – Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) Q1 cho biết, nhằm rút ngắn thời gian đi lại, thuận tiện cho người dân, Phòng QLĐT Q1 đã ứng dụng phần mền tra cứu để người dân đăng ký sử dụng tạm thời một phần vỉa hè có thu phí.
Sau hơn một tháng triển khai, đến ngày 19/06/2024 đã có 110 trường hợp đóng phí sử dụng tạm thời một phần hè phố trên địa bàn 10 phường của Q1. Từ các dữ liệu thống kê được cho thấy, người dân ủng hộ việc đóng phí, mức phí theo quy định.
Họ cũng đồng thuận việc đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố có thu phí vì như vậy sẽ chủ động hơn trong việc bố trí bàn ghế, mô hình, phương án kinh doanh một cách phù hợp. Bên cạnh đó, việc đăng ký qua phần mềm minh bạch và thuận lợi, người dân có thể thực hiện ở mọi lúc mọi nơi.
Qua ghi nhận, Phòng QLĐT Q1 nhận thấy có nhiều trường hợp người dân đăng ký sử dụng trong khung giờ từ 17 - 24 giờ, việc này giúp giảm tải công việc cho UBND 10 phường, đồng thời tăng sự tiện dụng, mở rộng khoảng thời gian tiếp cận các dịch vụ hành chính của người dân.
Ngoài ra, qua phần mềm đăng ký, giúp cán bộ quản lý có cái nhìn bao quát chung trên địa bàn mình quản lý. Đến nay, qua việc tiếp nhận phản ánh từ các địa phương, Phòng QLĐT Q1 chưa nhận bất kỳ ý kiến phản hồi nào về các khó khăn, khúc mắc trong việc tra cứu phần mềm.
Việc thí điểm nói trên được UBND Q1 áp dụng nhằm thận trọng trong việc tổ chức quản lý theo quy định do UBND TPHCM ban hành, từng bước tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Sau thời gian tổ chức thí điểm, Phòng QLĐT sẽ tham mưu UBND Q1 đánh giá kết quả, rà soát, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện và tiến đến tổ chức triển khai trên phạm vi toàn địa bàn Q1 - ông Dương Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Q1 chia sẻ thêm.