Sử dụng vốn đầu tư nước ngoài và bài học kinh doanh chuỗi nhìn từ câu chuyện Món Huế
Lĩnh vực kinh doanh chuỗi cửa hàng ẩm thực (F&B) hiện đang rất phát triển, nhưng không hề dễ dàng. Từng được xem là điển hình gọi vốn nhanh và thành công trong giới khởi nghiệp, tạo dựng được làn sóng ẩm thực mới cho các món ăn Việt Nam, nhưng thất bại của Món Huế đặt ra một câu chuyện, việc gọi được vốn đầu tư từ nước ngoài đã khó, nhưng sử dụng nguồn vốn đó thế nào để tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh, thì đó còn là câu hỏi khó hơn.
Dennis Nguyễn và câu chuyện The KAfe trong quá khứ
Bên cạnh doanh nhân Huy Nhật, cái tên được nhắc tới nhiều nhất sau khi hàng loạt nhà hàng Món Huế đóng cửa thì còn cái tên đáng chú ý không kém đó là Dennis Nguyễn, Phó chủ tịch của Huy Việt Nam. Ông Dennis Nguyễn chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế.
Giữ vai trò chủ tịch của New Asia Partner, một quỹ đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc) chuyên tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi châu Á, ông Dennis Nguyễn đóng vai trò là người kết nối Huy Nhật với các quỹ đầu tư.
Các kỹ năng về huy động tài chính đã được Dennis Nguyễn sử dụng để giúp Huy Việt Nam huy động thêm các nguồn vốn tài trợ mới từ các quỹ đầu từ Hồng Kông, Malaysia, Hàn Quốc.
Cuối năm 2015, sau khi đầu tư vào Huy Việt Nam, Quỹ New Asia Partners của Dennis Nguyễn cùng với một quỹ khác đã đầu tư 5,5 triệu USD vào chuỗi café The KAfe và Dennis khi đó giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của The KAfe.
Thành lập năm 2013 ở Hà Nội, The KAfe từng tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ. Người ta nô nức đến The KAfe, chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á Âu, để thưởng thức, chụp ảnh và "check-in".
Vậy nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động và hơn 1 năm nhận vốn "khủng" từ nhà đầu tư nước ngoài, founder của The Kafe Đào Chi Anh đã ra đi. Và cũng chỉ nửa năm sau, chuỗi cửa hàng The KAfe tại Hà Nội, TP.HCM liên tục đóng cửa hoặc bị sang nhượng cho đơn vị khác.
Lịch sử của The KAfe đang lặp lại với Món Huế
Trước khi chuỗi Món Huế đóng cửa hàng loạt và bị tố nợ tiền nhà cung cấp, Công ty Huy Việt Nam từng được xem là điển hình gọi vốn nhanh và thành công trong giới khởi nghiệp, tạo dựng được làn sóng ẩm thực mới cho các món ăn Việt Nam.
Cũng nhận được vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài giống với The KAfe, Huy Việt Nam từng 3 lần được các quỹ đầu tư ngoại rót vốn, với tổng số tiền 65 triệu USD, trong đó lớn nhất là Quỹ Templeton Asset Management. Ngoài Templeton, các quỹ đầu tư khác như Fortress Capital, AIF Capital, New Asia Partners hay Welkin Capital đều đang là chủ sở hữu của Huy Việt Nam.
Cuối năm 2014, Công ty Huy Việt Nam gọi vốn thành công vòng Series B (thời điểm đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn phát triển bằng cách mở rộng thị trường) với số tiền 15 triệu USD từ các nhà đầu tư ở Malaysia, Hàn Quốc và Hồng Kông.
Tháng 4/2015, Huy Việt Nam đã gọi vốn thành công vòng series C (thời điểm đầu tư để thúc đẩy bán hàng và gia tăng lợi nhuận) với số tiền lên tới 15 triệu USD. Khoản tiền này được rót từ Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mỹ Mark Mobius quản lý.
Rủi ro từ nguồn vốn "khủng"
Thất bại The KAfe và Món Huế một lần nữa khẳng định việc gọi được vốn đầu tư không phải là con đường "trải đầy hoa hồng", mà luôn đi kèm với rủi ro.
Để nhận được vốn đầu tư, các start-up thường chấp nhận những chỉ tiêu liên quan đến doanh số, hiệu quả kinh doanh, số lượng chuỗi cửa hàng do nhà đầu tư đưa ra, mà không để ý đến tính khả thi. Kết quả là họ phải gồng mình lên để cố gắng nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu.
Nhà sáng lập Đào Chi Anh của The KAfe đã từng chia sẻ trong tiếc nuối: "Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình".
Với việc gọi thành không vốn “khủng” từ các quỹ đầu tư nước ngoài, mô hình tiếp tục mở rộng thành chuỗi với tốc độ phát triển quá nhanh, các khiếm khuyết ngày càng lộ rõ. Nếu không có một bộ máy quản trị tốt thì thất bại là điều có thể nhìn thấy.
Việc thành công tại một số địa điểm ban đầu và thời điểm đơn lẻ khiến dự án được tung hô quá mức, chủ nhân có thể không nhìn thấy những khiếm khuyết trong mô hình của mình và rới vào cái bấy “danh tiếng”.
Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, Món Huế cũng phải triển khá chậm như rất nhiều thương hiệu ẩm thực khác tại Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2013, sau hơn 6 năm hoạt động, Món Huế có 9 cửa hàng, tức trung bình mỗi năm họ mở 1,5 cửa hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được liên tiếp khoảng 30 triệu USD ở 2 vòng gọi vốn Serie B và C ở liên tiếp trong 2 năm 2014 - 2015 từ các quỹ đầu tư nước ngoài, Huy Việt Nam đã có một bước phát triển nhảy vọt ở mọi mặt.
Trong vòng hơn 4 năm từ 2013 đến 2017, số lượng cửa hàng Món Huế của Huy Việt Nam tăng đột biến lên 60 cửa hàng, tức là thêm 51 cửa hàng. Thậm chí, chỉ trong năm 2015 họ mở 31 cửa hàng, trung bình 1 tháng mở gần 3 cái.
Nhà sáng lập của The KAfe cũng từng chia sẻ, giai đoạn khởi nghiệp chỉ quản lý 2 cửa hàng, cho đến khi hoạt động được 20 cửa hàng, phải quản lý hàng trăm nhân viên, hàng chục cửa hàng khiến cho The KAfe gặp khó khăn về quản trị.
Khi quy mô cửa hàng đã nhân lên gấp 2, gấp 3 đến gấp chục lần, sẽ rất khó khăn để người quản lý có thể bao quát hết toàn bộ nhân sự. Nhưng không phải chủ doanh nghiệp nào cũng nhận ra điều đó, họ thích ôm đồm mọi thứ và kết cục dẫn đến ngày kết cho chính thương hiệu của mình.
Đến thời điểm thất bại của Món Huế vẫn còn nhiều ẩn số, nhưng đây, cùng với The KAfe, vẫn sẽ là một bài học đắt giá cho những startup muốn kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài.