Rạng sáng 24/2, hàng loạt tiếng rít gió kinh sợ của tên lửa chống radar Kh-31P vang trên bầu trời nhiều thành phố của Ukraine, đã báo hiệu cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Giới quan sát gọi loại tên lửa này là "sứ giả chiến tranh", mục tiêu đầu tiên mà tên lửa Nga nhắm tới là các trạm radar của hệ thống phòng không Ukraine.
Việc phá hủy các trạm radar này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổ bộ đường không của Nga đã diễn ra liền sau đó (Hình ảnh trạm radar Ukraine trúng tên lửa Kh-31P của Nga).
Nhiều mảnh vỡ của tên lửa Kh-31P do quân Nga bắn ra đã rơi xuống thủ đô Kiev (Hình ảnh cảnh sát Ukraine kiểm tra xác tên lửa Kh-31P trên đường phố Kiev hôm 24/2).
Tuy vậy, sau khi bị bất ngờ và việc Nga lấn át cả về quân số lẫn khí tài, quân đội Ukraine dần hồi phục và chuyển sang chống trả quyết liệt.
Lực lượng phòng không Ukraine đã liên tục gây thiệt hại nhất định cho phía Nga, họ đã bắn hạ cả máy bay chiến đấu lẫn tên lửa hành trình, tên lửa chống radar, tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Mới nhất là việc một tên lửa hành trình chống radar Kh-31P của Nga đã bị bắn hạ gần sân bay quân sự Kramatorsk, phía Đông Ukraine (Hình ảnh những mảnh vỡ còn lại của tên lửa Kh-31P bị đánh chặn).
Nguồn thông tin từ trang Avia của Nga cho biết, tên lửa đã được đánh chặn ngay khi nó bắt đầu tấn công hệ thống radar của sân bay.
Hiện cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang rất căng thẳng, dù Nga chiếm ưu thế về khí tài và quân số, nhưng họ cũng đang gặp khó khăn về hậu cần và sức chống trả quyết liệt của quân đội và lực lượng tình nguyện viên Ukraine.
Tên lửa Kh-31 được Liên Xô phát triển từ cuối thập niên 1970 với mục tiêu cho ra đời vũ khí diệt radar có thể đối phó với những khí tài tối tân của Mỹ khi đó như tổ hợp phòng không Patriot và lá chắn Aegis.
Nguyên mẫu tên lửa chống radar Kh-31 đầu tiên được phóng thử năm 1982 và đưa vào biên chế vào năm 1988.
Phiên bản hoàn chỉnh đầu tiên mang đầu dò thụ động chuyên diệt radar mang định danh Kh-31P.
Tiếp đó là biến thể chống hạm với đầu dò radar chủ động được gọi là Kh-31A. Cả hai phiên bản được công khai năm 1991, không lâu trước khi Liên Xô tan rã.
Mọi biến thể Kh-31 đều dùng tầng đẩy sơ cấp để đạt tốc độ vượt âm, sau đó kích hoạt động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) để duy trì vận tốc siêu thanh trên toàn hành trình.
Kh-31P bay ở độ cao lớn để bám theo tín hiệu radar đối phương, cho phép nó đạt tốc độ hơn 4.300 km/h và tầm bắn 110 km.
Các phiên bản hiện đại hóa Kh-31P của Nga hiện nay có thể đánh trúng đích từ khoảng cách 160-250 km.
Dòng Kh-31P được coi là một trong những vũ khí chiến thuật nguy hiểm nhất đối với các khẩu đội tên lửa phòng không, bao gồm cả S-300 của Ukraine.
Việt Hùng