Sự giao thoa văn hóa các dân tộc tạo nên vẻ đẹp bản sắc văn hóa Hòa Bình

Các dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông, Dao... chung sống tại mảnh đất Hòa Bình đã diễn ra sự gặp gỡ, trải nghiệm, chia sẻ và giao lưu với nhau qua hàng mấy thế kỷ. Bối cảnh đó đã tạo nên vẻ đẹp của sự hội tụ và tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc cùng cộng cư trên mảnh đất văn hóa Hòa Bình.

Thung lũng Mai Châu có con đường thông thương nối hai vùng đất sông Mã và sông Đà. Mai Châu cũng là nơi diễn ra những cuộc giao lưu của các luồng văn hóa khác nhau trong khu vực địa lý chung này, mà tiêu biểu hơn cả là sự lan tỏa của văn hóa Mường với văn hóa Thái.

Người Thái Mai Châu là một nhóm Thái tổ tiên của họ sống ở vùng Mường Hước (Pước Khà, nay thuộc vùng Bắc Hà - Lào Cai) thiên di xuôi theo sông Hồng rồi ngược sông Đà, đến suối Rút rẽ vào Bãi Sang khai phá đất đai dọc theo suối Mùn. Theo sử sách ghi lại, người Thái đến Mai Châu vào cuối thế kỷ XIV, lúc đó là đầu thời Lê. Ở thời điểm này sử, sách nhà Lê gọi vùng này là Mường Mùn, sau đổi là Mường Mai. Như vậy, người Thái đến Mai Châu và tiếp xúc với người Mường ở Mường Bi khoảng hơn 700 năm. Sống trong cùng một điều kiện cư trú đã tạo cho người Thái có mối giao lưu gần gũi với người Mường, đồng thời tạo nên những ảnh hưởng tiếp biến sâu sắc từ văn hóa Mường với văn hóa Thái ở khu vực này.

Hiện nay, trong việc thờ cúng tổ tiên, hình thức thờ cúng của người Thái Mai Châu đơn giản và gần giống với người Mường. Phần lớn bàn thờ trong các gia đình người Thái Mai Châu giống bàn thờ của người Mường Tân Lạc. Những năm gần đây, người Thái ở Mai Châu cúng tổ tiên vào ngày giỗ giống như người Mường. Cũng từ sự ảnh hưởng của văn hóa Mường, văn hóa Thái đa dạng hơn, phong phú và giàu có hơn.

Văn hóa tinh thần của người Thái Mai Châu có chịu ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa Mường Tân Lạc, nhưng không vì thế mà phai mờ những nét đặc trưng của văn hóa tộc người, bởi văn hóa Thái Mai Châu chứa đựng tính lịch sử và tính địa phương cao, tạo nên sắc thái riêng, có thể phân biệt được với văn hóa tinh thần của cùng tộc người Thái ở Tây Bắc.

Trong các nghi lễ thờ cúng dân gian của người Thái và người Mường ở Hòa Bình có rất nhiều điểm tương đồng, đó là nghi lễ cúng tiếp vía cho người ốm, người già, nghi lễ cúng chữa bệnh cho thầy cúng, lễ đầy tháng cho trẻ sơ sinh, tục treo cành lá ở cầu thang kiêng người lạ khi nhà có người mới sinh nở… Đặc biệt, trong các nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp như lễ hội xuống đồng của người Thái có nhiều điểm tương tự như lễ hội khai hạ của người Mường, lễ hội mừng cơm mới… Quá trình sinh sống lâu đời cạnh tộc người Mường Tân Lạc khiến cho văn hóa của người Thái Mai Châu ảnh hưởng văn hóa Mường khá đậm nét. Lễ thức uống rượu cần đoán số vốn là của người Mường Bi đã được du nhập vào các làng bản người Thái Mai Châu. Tộp nàng đúng (vỗ gọi nàng trong sọt) cũng vậy, khởi nguyên là sinh hoạt mang tính giải trí, cầu sự mát mẻ, cầu Mẹ trăng của phụ nữ Mường dần dần đã trở nên quen thuộc đối với phụ nữ Thái và được đưa vào đó những yếu tố thần bí, đề cao vai trò của các bà mùn. Về ngôn ngữ, người Thái Mai Châu có thể hiểu và giao tiếp được với người Mường bằng tiếng Mường.

Sự ảnh hưởng của văn hóa Mường còn thể hiện trong văn học dân gian, nhất là sử thi của người Thái. Tác phẩm Ẳm ệt của người Thái Mai Châu có nhiều mô típ gần với sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường (cùng lấy cây si làm hình tượng văn học). Truyện Ải Lậc Cậc (người khổng lồ) của người Thái gần với típ truyện ông Đùng bà Đà của người Mường. Nếu so sánh các tác phẩm cùng nội dung với các vùng Thái khác ở Tây Bắc Việt Nam, thì nội dung những tác phẩm văn học của người Thái Mai Châu có những điểm khác biệt nhất định. Chính những điểm khác biệt đó là minh chứng cho sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa của người Mường. Trong văn nghệ dân gian, người Thái ở Tây Bắc nổi tiếng với điệu múa sạp, có người nghi ngờ đó là điệu múa được bắt nguồn từ người Mường, nhưng chúng tôi khẳng định đó chẳng qua do sự giao thoa mà có cho chung các dân tộc ở miền núi Tây Bắc mà thôi. Tương tự như vậy, các làn điệu dân ca "khắp", "lượn" của người Thái Mai Châu, người Thái Tây Bắc, người Thái miền Tây Nghệ An, người Thái Bắc Thanh Hóa cũng rất giống với lối hát đối, hát thường rang của người Mường.

Những năm gần đây, trong sự phát triển và tiến bộ chung của xã hội, các dân tộc Mường, Thái, Mông ngày càng có nhiều điều kiện giao lưu, tiếp xúc với nhau hơn nên ít nhiều người Mông ở xã Pà Cò (Mai Châu) đã có sự tiếp nhận những yếu tố văn hóa mới từ người Mường và Thái. Chẳng hạn như: Truyền thống của người Mông Đen ở Pà Cò trong việc trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc gia cầm, việc sử dụng các đồ gia dụng, vật liệu may mặc và phương tiện đi lại...

Tóm lại, bản sắc văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông, Dao... đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa truyền thống với sự giao thoa, tiếp biến liên tục, học hỏi tinh hoa của nhau để làm giàu có cho văn hóa của mình, nhưng đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán tốt đẹp trong lễ, Tết, hội hè, đặc biệt là trong cưới xin, tang ma. Nổi bật nhất và đáng chú ý nhất là trang phục truyền thống, ngôn ngữ dân tộc và tình cảm chan hòa, ấm áp giữa người với người của các dân tộc.

Lò Cao Nhum (TTV)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/171180/su-giao-thoa-van-hoa-cac-dan-toc-tao-nen-ve-dep-ban-sac-van-hoa-hoa-binh.htm