Sự hài hòa trong không gian thờ kết hợp hiện đại và truyền thống

Trong những năm gần đây, không gian thờ trong các ngôi nhà hiện đại đang có nhiều thay đổi về thẩm mỹ. Giữa nhịp sống đô thị ngày càng tối giản, việc giữ gìn sự tôn nghiêm và chiều sâu văn hóa cho nơi thờ tự trở thành một bài toán không dễ. Vậy đối với nơi thờ tự cần thiết kế thế nào?

"Giữ cái hồn, không giữ cái hình", chị Cao Phương Thảo, nhà thiết theo đuổi phong cách thiết kế cá nhân hóa cho không gian thờ, chia sẻ những góc nhìn dung dị nhưng sâu sắc về sự hài hòa giữa hiện đại và truyền thống trong thiết kế nội thất thờ tự.

Để nói yếu tố nào quan trọng nhất để gìn giữ tinh thần truyền thống trong không gian thờ hiện đại, với KTS không gian có thể thay đổi, vật liệu có thể hiện đại, nhưng cái gốc không thể thiếu là sự kính ngưỡng, lòng tri ân và cảm giác an yên khi bước vào. “Truyền thống không phải là bảo tàng, mà là dòng chảy, phải biết cách cho nó sống tiếp trong đời sống hôm nay.”

Với những công trình thiết kế nội thất phòng thờ, sự kết hợp giữa các yếu tố hiện đại như vật liệu mới, đường nét tối giản hay ánh sáng gián tiếp đều được cân nhắc kỹ lưỡng. “Tôn nghiêm không nằm ở sự cầu kỳ, mà ở sự tiết chế. Khi chọn vật liệu hay phối màu, tôi luôn tự hỏi: 'Cái này có tôn được tinh thần thờ tự không?' Nếu không, bỏ. Mọi sự hiện đại đều cần cúi đầu trước không gian thiêng.” Chị Dung - CEO của Trúc Chỉ ở Hà Nội cho biết.

Sự thay đổi thị hiếu của thế hệ trẻ cũng đặt ra nhiều thách thức và cơ hội. Theo chị Thảo, xu hướng tối giản không làm mất đi giá trị truyền thống, nếu biết cách chuyển hóa.

“Tối giản không có nghĩa là đơn giản. Người trẻ muốn gọn, nhưng vẫn cần chạm được cảm xúc. Chìa khóa là tinh gọn mà không lạnh lẽo, chắt lọc mà không trơ trọi. Dung hòa được khi hiểu bản chất của cả hai bên thẩm mỹ mới và tinh thần cũ, chứ không chọn phe.”

Ví dụ, bàn thờ hình thức hiện đại, đường nét đơn giản, phun sơn màu cao cấp vẫn luôn có thể xuất hiện cùng những đường nét hoa văn khắc chạm hoa sen, sóng nước, chữ Vạn, Chữ Phúc theo khuôn mẫu truyền thống.

Vật phẩm bày biện có thể hiện đại, nhưng vẫn đầy đủ mô típ Tam sự, Ngũ sự, Tam Tài, Tam Sơn, có đầy đủ Bài vị, tượng thờ, ảnh thờ, câu đối,...Có khi thêm thắt được cả cửa võng, y môn,...

Phòng thờ hiện đại nay cũng có thể thêm cả không gian kết hợp như khu thiền, phòng trà. Có sự mở rộng nhưng cũng là tiếp nối, bởi vốn nề nếp xưa gian thờ không quá khép kín, trước không gian thờ vẫn thường là nơi trà nước, tiếp khách. Với phòng thờ kết hợp này, chất liệu, màu sắc, cấu kiện văn hóa truyền thống cần lưu ý đồng bộ và tiết chế, tránh tham chi tiết để giữ nhịp cân bằng.

Tóm lại, một không gian thờ cân bằng cũ - mới luôn cần sự hài hòa, là khi mọi thứ cùng đồng thanh tương ứng. Không quá nhiều, không quá ít, không phô trương mà cũng không tẻ nhạt. Bố cục rõ ràng, chính phụ phân minh. Ánh sáng đủ không tối u ám, cũng không chói gắt. Đồ thờ được bày với sự hiểu biết và tâm ý thiện lành.

Thúy Hiền

Theo Trúc Chỉ ở Hà Nội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/su-hai-hoa-trong-khong-gian-tho-ket-hop-hien-dai-va-truyen-thong-post1756371.tpo