Sự hấp dẫn độc hại của show hẹn hò

Nhiều chương trình truyền hình thực tế về tình yêu chỉ nhằm kiếm tiền từ câu chuyện kịch tính, thị phi thay vì chia sẻ với người xem cách có được và duy trì mối quan hệ lành mạnh.

 Nhiều chương trình hẹn hò chỉ nhằm câu view và kiếm tiền thay vì giúp mọi người có hình dung về mối quan hệ lành mạnh. Ảnh: Ana Cristina Blumenkron/Netflix.

Nhiều chương trình hẹn hò chỉ nhằm câu view và kiếm tiền thay vì giúp mọi người có hình dung về mối quan hệ lành mạnh. Ảnh: Ana Cristina Blumenkron/Netflix.

Truyền hình thực tế xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước và thật khó để phủ nhận tác động của nó đối với người xem, đặc biệt khi nói đến chương trình hẹn hò.

Rất thú vị khi theo dõi tất cả sự hỗn loạn diễn ra trên màn hình, nhưng thật ngây thơ khi cho rằng chúng sẽ không ảnh hưởng đến mình, cây viết Rachel Barker của VICE nhận xét.

Không lành mạnh

Love Island (Đảo tình yêu), một trong số chương trình truyền hình thực tế nổi bật nhất hiện nay, tự coi mình là một thử nghiệm xã hội: nhiều người độc thân nóng bỏng bị cô lập ở “thiên đường”, sống chung nhà và liên tục hình thành các cặp mới.

Việc không ngừng thay đổi đối tượng kết đôi là mấu chốt của chương trình. Hết lần này đến lần khác, các thí sinh sẵn sàng rũ bỏ mối quan hệ hiện có để chạy theo người mới quyến rũ hơn, vạm vỡ hơn, tóc vàng hơn.

Trong “thế giới” này, sự trung thực, thông minh hay tốt bụng ít khi được nhắc tới. Thay vào đó, chức danh công việc, sự giàu có và sức hấp dẫn thể chất được đặt lên hàng đầu.

Hầu hết thời gian, diễn biến đầy rẫy sự phản bội, lừa dối, tổn thương, xấu hổ và bối rối. Tuy nhiên, trong những tập cuối, ê-kíp lại xin khán giả quên đi mọi sự xấu xí trước đó và tập trung vào trải nghiệm lãng mạn của các cặp đôi.

Thật vậy, ở Love Island, người chơi có thể trải qua tất cả kịch tính và sóng gió của một mối quan hệ trong 2 tháng, sau đó tìm thấy tình yêu của đời mình. Cô nàng/anh chàng từng dành hàng tháng trời la hét, nói dối và phản bội cuối cùng sẽ là công chúa/hoàng tử quyến rũ mà họ tìm kiếm.

 Các show hẹn hò khiến khán giả tin rằng ngoại hình hấp dẫn quan trọng hơn những yếu tố như sự trung thực, thông minh, tốt bụng. Ảnh: Tom Dymond/Netflix.

Các show hẹn hò khiến khán giả tin rằng ngoại hình hấp dẫn quan trọng hơn những yếu tố như sự trung thực, thông minh, tốt bụng. Ảnh: Tom Dymond/Netflix.

Nhiều khán giả xem Love Island vì sự vui nhộn, giải trí và nhảm nhí. Nhưng khi ví dụ về mối quan hệ lành mạnh và tích cực không nổi bật trên truyền thông, các chương trình như vậy có thể là tất cả những gì mà giới trẻ tiếp xúc.

Love Island UK năm 2019 thu hút hơn 3 triệu người theo dõi, phần lớn trong đó là phụ nữ ở độ tuổi 16-34. Các thí sinh cũng thu hút hàng triệu lượt theo dõi trên trang cá nhân sau chương trình.

Bất chấp việc liên tục phản đối chương trình nhảm nhí, mọi người vẫn tiếp tục theo dõi và xì xào bàn tán về các thí sinh, ngay cả khi show kết thúc.

Love Island không phải là chương trình duy nhất tung hô mối quan hệ không lành mạnh.

Trong Perfect Match (Nửa kia hoàn hảo), các thí sinh được ghép cặp, nhưng có thể rời bỏ đối tác để kết đôi với người mới hấp dẫn hơn. Họ dành chưa đầy một tháng để tìm hiểu nhau trước khi vài người may mắn tuyên bố tìm thấy nửa kia hoàn hảo. Nhưng đơn cử, một cặp đính hôn trong tập cuối cùng chia tay chỉ một tuần sau khi chương trình đóng máy.

 Các cặp thành đôi thường "đường ai nấy đi" sau khi kết thúc show hẹn hò. Ảnh: Ảnh: Tom Dymond/Netflix.

Các cặp thành đôi thường "đường ai nấy đi" sau khi kết thúc show hẹn hò. Ảnh: Ảnh: Tom Dymond/Netflix.

Ngoài ra còn có Love is Blind (Yêu là mù quáng), chương trình nhấn mạnh góc độ thử nghiệm xã hội khi các thí sinh tán tỉnh nhau qua những bức tường mờ ảo theo nghĩa đen, sau đó có cơ hội kết đôi sau khi gặp mặt nhau ngoài đời.

Married At First Sight (Cưới từ cái nhìn đầu tiên), được yêu thích ở châu Đại Dương, “bẫy” các cặp đôi vào cuộc hôn nhân không tình yêu để khán giả hài lòng.

Gây hiểu nhầm

Những chương trình truyền hình thử nghiệm xã hội kể trên có thể ba hoa bao nhiêu tùy thích và không thể phủ nhận rằng chúng có thể gây nghiện khi theo dõi.

Tuy nhiên, định dạng này có xu hướng khiến khán giả hiểu sai rằng sự trung thực và nhạy cảm (vốn giúp mối quan hệ lành mạnh hoạt động) dẫn đến thất bại trong tình yêu.

Nhưng dù sao, nhiều khán giả cũng không mấy quan tâm đến việc người chơi có tìm thấy “tình yêu đích thực” hay không. Họ chỉ ở đó vì muốn “hóng” thị phi.

Truyền hình thực tế giúp bình thường hóa sự hời hợt, xấu xa và không trung thành. Trong khi đó, những người chiến thắng thường có khả năng biến các yếu tố này thành vũ khí tốt nhất.

Nghiên cứu trên Psychology Today phát hiện rằng “đàn ông xem các chương trình thực tế để tìm hiểu về hẹn hò nhiều hơn phụ nữ”. Và vì vậy, tình yêu trong show hẹn hò dần trở thành tiêu chuẩn của nam giới, ngay cả khi họ không nhận ra điều đó.

Tồi tệ hơn, các chương trình hẹn hò rêu rao ý tưởng rằng để có được tình yêu, chúng ta phải trở nên nóng bỏng hơn những người khác.

Điển hình, Too Hot To Handle (Sự cám dỗ nóng bỏng), đẩy mạnh suy nghĩ ngoại hình là yếu tố quan trọng trong chuyện hẹn hò.

Lòng tự trọng thấp, chứng rối loạn hình thể và lo lắng đều có liên quan đến việc gia tăng sử dụng mạng xã hội. Do đó, không phải chúng ta không biết rằng những người trẻ tuổi lớn lên với công nghệ dễ có cảm giác tồi tệ về bản thân.

Thế nhưng, những chương trình như thế này không quan tâm liệu có khiến khán giả trẻ cảm thấy tồi tệ hơn hay không và tiếp tục truyền đi thông điệp vẻ ngoài hấp dẫn sẽ khiến ai đó trở nên dễ gần hơn.

 Doanh thu là điều ê-kíp sản xuất show hẹn hò nhắm tới, không phải giúp các thí sinh tìm được tình yêu đích thực. Ảnh: Netflix.

Doanh thu là điều ê-kíp sản xuất show hẹn hò nhắm tới, không phải giúp các thí sinh tìm được tình yêu đích thực. Ảnh: Netflix.

Sự thật là ê-kíp sản xuất show hẹn hò không quan tâm đến việc thí sinh của họ tìm thấy tình yêu. Mục tiêu của họ càng không phải là tạo ra các mối quan hệ lâu dài.

Đôi khi, việc dành thời gian để khám phá các mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi những cuộc trò chuyện bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau lại không tạo nên chương trình hấp dẫn. Trong khi đó, các cuộc cãi vã, lục đục, chia tay có nhiều khả năng mang lại lượt xem và doanh thu hơn.

Về mặt văn hóa, chúng ta đang rời xa gia đình hạt nhân và mô hình quan hệ điển hình là hẹn hò - kết hôn - mang thai - ở bên nhau mãi mãi. Nhưng các chương trình hẹn hò đòi hỏi sự cân bằng kỳ lạ: nhắm đến mối quan hệ lâu dài, "một vợ, một chồng" trong khi đặt mọi người vào những tình huống không có cách nào lành mạnh để đạt được điều đó.

Rất hiếm khi các cặp đôi bước ra từ các show này có thể gắn bó lâu dài. Họ chia tay chóng vánh một cách hài hước hoặc giả vờ hạnh phúc để được tung hô cho khi không thể “gồng” thêm nữa.

Nhìn chung, các chương trình hẹn hò trên truyền hình kiếm tiền từ thị phi và không quan tâm đến việc khám phá mối quan hệ lành mạnh là như thế nào, chứ chưa nói đến cách tìm thấy hoặc duy trì chúng.

Và trong khi show thực tế mang lại niềm vui ngớ ngẩn, các “vở kịch” trong đó thực sự tác động đến suy nghĩ của người xem về những điều bình thường.

Nếu Love Island được coi là điều bình thường, những mối quan hệ lâu dài, lành mạnh chắc chắn không.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-hap-dan-doc-hai-cua-show-hen-ho-post1429515.html