Sự hồi sinh của IS

Những vụ khủng bố liên tiếp tại châu Âu được thực hiện dưới bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang làm dấy lên những lo ngại về sự khôi phục sức mạnh, lan rộng ảnh hưởng và cả những thay đổi trong phương thức hoạt động hết sức nguy hiểm của tổ chức này.

IS đang trở lại

IS nổi lên vào khoảng năm 2014, chiếm đóng phần lớn lãnh thổ của Syria và Iraq, thiết lập một "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng. Đến cuối năm 2019, tổ chức này đã bị đánh bại bởi liên quân do Mỹ dẫn đầu và lực lượng bản địa tại khu vực. Tuy nhiên, IS không bị tiêu diệt hoàn toàn mà thay vào đó, đã tiến hóa thành một tổ chức khủng bố hoạt động bí mật, tập trung vào các hoạt động nổi dậy, ám sát và khủng bố. Trong thời gian gần đây, IS đã hồi sinh đáng lo ngại. Mặc dù không còn kiểm soát lãnh thổ, IS đã tái tổ chức hoạt động, trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế.

Các lực lượng IS đang mở rộng ở nhiều khu vực mới.

Các lực lượng IS đang mở rộng ở nhiều khu vực mới.

Ngày 21/8/2024, chính quyền Áo công bố đã bắt giữ 2 kẻ khủng bố có ý định tấn công các sự kiện lớn tại thủ đô Vienna, bao gồm cả buổi hòa nhạc của ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Những nghi phạm, một thanh niên 19 tuổi và một thanh niên 17 tuổi, là công dân Áo được cho là đã thề trung thành với IS. Buổi hòa nhạc trước đó đã bị hủy nhờ những cảnh báo từ lực lượng an ninh nhưng đã gây trấn động khi đây là một trong những sự kiện văn hóa được mong chờ nhất trong năm tại Áo.

Nhưng, kế hoạch thất bại này của những kẻ khủng bố lại ngay lập tức được thay thế bằng một vụ tấn công bằng dao ở thành phố Solingen, miền Tây nước Đức vào ngày 23/8 khiến 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương. IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào ngày hôm sau. Cũng giống như vụ việc tại Áo, kẻ tấn công sau đó thừa nhận đã thề trung thành với IS và vụ tấn công được thực hiện ở một nơi đông người trong lễ kỷ niệm 650 năm thành lập của thành phố.

Chưa hết, chỉ 3 ngày sau đó, cảnh sát Đức lại thông báo đã ngăn chặn một người đàn ông tình nghi có ý đồ thực hiện vụ tấn công người qua đường bằng dao ở thị trấn Moers. Kẻ tình nghi bị bắn hạ cũng được xác nhận là có mối liên hệ với IS. Một cách dồn dập, cái tên IS trở lại ám ảnh người dân châu Âu và cả thế giới.

Điều gì kéo IS trở lại?

Thế giới từng thở phào khi các lực lượng quốc tế đánh bại IS 5 năm trước, nhưng bối cảnh thế giới cũng đã có những thay đổi lớn. Sau chiến thắng ban đầu trước IS, nhiều lực lượng quốc tế như Mỹ và NATO đã rút quân hoặc giảm mức độ can thiệp. Điều này đã tạo ra khoảng trống quyền lực, giúp IS có cơ hội tái tổ chức. Sự sụp đổ của nhiều chính phủ và sự yếu kém trong kiểm soát an ninh tại Syria, Iraq và các quốc gia láng giềng đã tạo điều kiện thuận lợi cho IS mở rộng hoạt động. Tình trạng này đã làm gia tăng sự hỗn loạn, đặc biệt ở Syria, nơi chính quyền trung ương gặp khó khăn trong việc quản lý các vùng lãnh thổ xa xôi.

Theo một báo cáo của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, IS đã thực hiện ít nhất 180 cuộc tấn công trong năm 2023, làm hơn 800 người chết và bị thương. Đặc biệt, các vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường ở vùng Đông Bắc Syria vẫn đang gia tăng.

Sự trỗi dậy của IS khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

Sự trỗi dậy của IS khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

Các chuyên gia an ninh cũng lưu ý, IS đã thay đổi chiến lược từ việc chiếm đóng lãnh thổ sang các hoạt động tấn công du kích và khủng bố nhỏ lẻ, khó bị phát hiện và đối phó. Mạng lưới bí mật của IS đã mở rộng ở nhiều khu vực, từ những địa bàn quen thuộc như Syria, Iraq và Afghanistan, IS đã mở rộng ra một số khu vực tại châu Phi. Tại Afghanistan, chi nhánh IS-K (IS Khorasan) đã thực hiện một loạt vụ tấn công vào chính quyền Taliban. Theo Liên hợp quốc, từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2024, IS-K đã thực hiện hơn 90 cuộc tấn công, chủ yếu ở các khu vực phía Đông và Nam Afghanistan, với tổng số thương vong lên tới hơn 500 người.

Còn tại châu Phi, IS cũng mở rộng hoạt động ở một số khu vực, đặc biệt là tại Nigeria và Sahel. Nhóm khủng bố Boko Haram, một chi nhánh của IS, đã gây ra hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại Nigeria, khiến ít nhất 2.000 người chết trong năm 2023. Liên minh các lực lượng quốc tế và châu Phi đang gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với sự mở rộng của IS tại khu vực này. Sự “phi tập trung” khiến các lực lượng quốc tế khó lòng đối phó với IS hơn.

Một thay đổi đáng lưu ý khác là dù không còn là một cường quốc lãnh thổ, IS vẫn duy trì được ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội và qua các kênh truyền thông bí mật. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2023, IS đã thu hút được hơn 10.000 chiến binh từ hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới. Bà Jessica Davis, một chuyên gia về chống khủng bố tại Canada, nhận định rằng: "IS đã thay đổi chiến thuật để phù hợp với tình hình hiện tại, với trọng tâm là tấn công du kích và gây bất ổn. Điều này cho thấy sự phức tạp trong việc đối phó với tổ chức này".

IS giờ đây thực hiện những cuộc tấn công khắp thế giới như những vụ việc tại châu Âu thời gian qua hay vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow, Nga hồi tháng 3/2024 khiến hơn 130 người thiệt mạng. Những vụ tấn công bất ngờ như vậy tạo nên hiệu ứng tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân khắp nơi khi không biết khi nào và bao giờ mình có thể trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.

Người dân Solingen tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 23/8.

Người dân Solingen tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 23/8.

Hậu quả đối với an ninh quốc tế

Sự hồi sinh của IS không chỉ đe dọa an ninh tại Trung Đông mà còn có tác động đến toàn cầu. Những cuộc tấn công ở Afghanistan, châu Phi và cả ở châu Âu cho thấy khả năng IS có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các quốc gia châu Âu hiện đang phải đối mặt với những thách thức về việc ngăn chặn các chiến binh IS trở về từ các vùng chiến sự. Theo ước tính của Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), khoảng 1.200 chiến binh IS đã quay trở lại châu Âu từ năm 2019. Những chiến binh này có thể trở thành hạt nhân cho các cuộc tấn công khủng bố mới, khiến các chính phủ phải đưa ra những biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn.

Ông Hans-Jakob Schindler, chuyên gia của tổ chức Counter Extremism Project, cho biết: "Sự tái tổ chức của IS chủ yếu dựa trên mạng lưới ngầm và sự bất ổn chính trị tại các quốc gia Trung Đông và châu Phi. Nếu không có sự hợp tác quốc tế hiệu quả và chiến lược dài hạn, IS sẽ tiếp tục lan rộng và trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu".

Lực lượng an ninh châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc truy lùng các phần tử IS.

Lực lượng an ninh châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc truy lùng các phần tử IS.

Để đối phó với sự thay đổi và hồi sinh của IS, các quốc gia cần triển khai một chiến lược toàn diện hơn. Sự mở rộng của IS buộc các nước cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ thông tin tình báo và thực hiện các hoạt động chống khủng bố. IS vẫn duy trì được nguồn tài chính từ các hoạt động tội phạm và tài trợ bí mật. Các quốc gia cần tăng cường các biện pháp pháp lý để kiểm soát dòng tiền và ngăn chặn việc tuyển dụng các chiến binh mới. Các quốc gia giàu có cũng cần hỗ trợ về mặt kinh tế và an ninh cho những nước đang bị IS đe dọa. Đặc biệt là các chính phủ tại khu vực Trung Đông và châu Phi, nơi có thể trở thành bàn đạp để IS tái lập “mô hình nhà nước” của mình. Việc củng cố các chính phủ địa phương và tăng cường an ninh tại biên giới là yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự lan rộng của IS.

Tuy nhiên, bất ổn chính trị, nghèo đói và sự phân biệt tôn giáo mới là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của IS. Những yếu tố này làm giả tăng tình trạng “cực đoan hóa” trong xã hội khiến cho IS dễ dàng tuyển mộ thành viên, phát triển lực lượng. Chuyên gia về chống khủng bố Raffaello Pantucci, đến từ Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) nhấn mạnh rằng: “Chỉ sử dụng biện pháp quân sự là không đủ. Việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự gia tăng cực đoan hóa, như sự bất công xã hội, tình trạng thất nghiệp, phân biệt đối xử và sự thất bại của các chính phủ trong việc cung cấp cơ hội cho người dân, là cần thiết để ngăn chặn sự phát triển trở lại của IS”.

Sự hồi sinh của IS thời gian qua là lời cảnh báo cho tất cả chúng ta. Cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc. Để ngăn chặn sự phát triển của IS, chúng ta cần có sự hợp tác toàn diện và lâu dài. Nếu không hành động quyết liệt, IS có thể tái hiện một thời kỳ bất ổn, đe dọa an ninh toàn cầu và gây ra những thảm họa nhân đạo trong tương lai.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/su-hoi-sinh-cua-is-i743468/