Sự hồi sinh của người phụ nữ nặng 110 kg mắc Covid-19
Trải qua 20 ngày được can thiệp ECMO, Bảo Châu hồi phục như một phép màu trước sự tấn công của SAR-CoV-2.
“Cố cho bệnh nhân thêm một cơ hội”, Bảo Châu nghe loáng thoáng giọng một người đàn ông khi lần đầu mở được mắt sau hơn 20 ngày hôn mê.
Nửa tỉnh nửa mê, chị cố gắng đảo mắt quanh phòng bệnh, sau đó dừng lại trước lớp kính và nhìn ra phía bầu trời xanh ngắt.
Trước cửa tử
Chiều 23/7, tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, khoa Cấp cứu được phát báo động đỏ. Ê-kíp của bác sĩ Trần Thanh Linh ngay lập tức có mặt để đặt ống thở cho người phụ nữ 29 tuổi mắc Covid-19 đã ngừng hô hấp. Sau đó, bác sĩ chuyển chị lên khoa Hồi sức tích cực (ICU) dành cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.
Ê-kíp của bác sĩ Linh hội chẩn, cân nhắc đặt ECMO (tim phổi nhân tạo). Đây là phương án cuối cùng để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Thế nhưng, khả năng thành công là bao nhiêu % khi mà Bảo Châu bị tổn tương phổi nặng, suy gan, thận, trụy tim. Hơn nữa, ai cũng biết béo phì là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất khi mắc Covid-19. Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong cuộc hội chẩn vội vã đó.
"Làm nhé", bác sĩ Linh nói. Sau 3 giờ, ê-kíp hoàn thành việc đặt ECMO cho bệnh nhân. May mắn, cơ thể chị tiếp nhận tốt, sự sống đang được níu giữ nhờ dây dợ, máy móc quanh người.
"Tít tít…tít tít..." - tiếng máy thở, máy lọc máu kêu dồn dập bên trong căn phòng của Nguyễn Ngọc Bảo Châu. Bảo Châu vẫn hôn mê sâu sau 2 ngày nằm tại khoa ICU.
Tiếp tục tình huống xấu nhất đã xảy ra khi phổi của bệnh nhân xuất huyết và cơ thể bị nhiễm trùng nặng. Lúc đó, không còn nhiều sự lựa chọn, các bác sĩ dùng đủ thuốc kháng sinh, kháng nấm, chống đông.
"Bình thường những ca hồi phục sẽ cần được đặt ECMO khoảng 5-7 ngày, riêng Châu hơn 20 ngày, là một trường hợp khá đặc biệt. Đã có lúc, chúng tôi nghĩ đã thất bại khi giành giật sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cứ khi nào tỉnh táo, Châu đều hợp tác tốt. Một người phụ nữ nghị lực, khao khát muốn sống đã khiến chúng tôi phải thật sự cố gắng", bác sĩ Linh chia sẻ.
Sau hơn 20 ngày liên tục chạy ECMO, cuối cùng những dấu hiệu khả quan đã xuất hiện. Ngày 12/8, ê-kíp của bác sĩ Linh quyết định cho Châu cai ECMO.
May mắn tiếp tục đến với Bảo Châu, chị đáp ứng máy thở tốt, nhiễm trùng lui đi. Hai ngày sau khi cai ECMO, bệnh nhân tiếp tục được rút máy thở, chuyển sang thở oxy dòng cao HFNC. Ngày 19/8, chị chính thức chuyển xuống khoa dưới, tập vật lý trị liệu và chờ ngày bình phục hoàn toàn.
Đường về nhà
Phòng bệnh mới của Bảo Châu nằm trên tầng 7. Đây là khoa sub-ICU. Chị vẫn được theo dõi kỹ và phải thở oxy mask với lưu lượng 13 lít/phút.
Sau gần một tháng, lần đầu tiên, người phụ nữ này đủ tỉnh táo để nhắn tin được cho gia đình.
"Nghe tin mình khỏe lại sau quãng thời gian 2-3 tuần hôn mê, đặt ECMO, máy thở thì ai cũng mừng", Bảo Châu nói.
Hồi phục được phần nào nhưng sau nhiều ngày nằm bất động, dùng thuốc an thần, cơ thể Bảo Châu yếu ớt, cơ teo đi.
Nằm ngửa trên giường, chị lấy chai nước làm chiếc tạ tập nâng lên hạ xuống. Đôi chân cố gắng giơ lên, đạp nhẹ nhàng giữa không trung. Những bài tập đơn giản giúp cơ thể chị vận động trở lại.
"Điều quan trọng nhất là phải giúp Bảo Châu phục hồi chức năng phổi, động viên và hướng dẫn tự thở, cai oxy càng sớm càng tốt", bác sĩ Phạm Minh Huy, Trưởng khoa sub-ICU, chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân.
Đôi lúc, Bảo Châu nghĩ lại và không thể hình dung những gì đã trải qua. Trước đây, chị biết mình thừa cân nhưng vẫn có thể đi lại, chạy nhảy, sinh hoạt bình thường nên không có gì phải lo lắng. Thế nhưng, Covid-19 đã khiến người phụ nữ này thay đổi suy nghĩ. "Đây là một báo động để mình sống trách nhiệm với bản thân hơn", Bảo Châu chia sẻ.
“Sáng nay xuất viện rồi đúng không? Nghe bác sĩ Lực nói em trách tôi không qua thăm em hả?”, bác sĩ Trần Thanh Linh nói vui khi xuống thăm Bảo Châu vào ngày 5/9.
Ông tranh thủ hỏi thăm, nhắc nhở bệnh nhân điều cần lưu ý khi về nhà. Trước khi tạm biệt Bảo Châu, bác sĩ Linh nhắn nhủ: "Em là món quà tinh thần của chúng tôi".
Một điều dưỡng đưa Bảo Châu xuống khu xuất viện. Lúc đi qua hành lang ngoài trời, người phụ nữ chợt nhận ra hơn 40 ngày qua, đây là lần đầu cô được tiếp xúc với không khí bên ngoài.
"Hôm nay mặc đồ đẹp quá", tiếng bác sĩ Lực xa xa khi thấy Bảo Châu trong chiếc đầm màu cam. Cuộc trò chuyện vội vã của hai người diễn ra ngay trước khi chị lên xe về nhà.
Bác sĩ Võ Tấn Lực là người phụ trách theo dõi tình trạng Bảo Châu. Hàng ngày, anh nói chuyện với Châu, hướng dẫn chị tập thở. Đây là lần đầu tiên Châu nhìn thấy bác sĩ trong bộ quần áo bình thường không phải qua lớp đồ bảo hộ kín mít.
"Khi nào em sẽ vào Bệnh viện Chợ Rẫy để gặp lại mọi người. Vào chơi thôi chứ không phải vào nằm viện đâu nhé", Châu cười nói với bác sĩ Lực.
"Đường Cách Mạng Tháng Tám hôm nay vắng nhỉ. Đợt em chưa nhập viện thì đường phố vẫn còn đông lắm", Bảo Châu nói với điều dưỡng đi cùng.
Chiếc xe cấp cứu dừng lại một căn nhà trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), dì của Châu đứng chờ sẵn, mắt rưng rưng sau lớp khẩu trang vẫy tay chào. Người phụ nữ chính thức được trở về nhà sau 42 ngày chiến đấu với Covid-19.
"Cách đây một tháng, mình vẫn còn trong cơn hôn mê, ngủ một giấc rất dài chẳng biết gì mặc kệ cả gia đình, bạn bè như ngồi trên đống lửa. Ngày hôm nay, mình may mắn đã được ngồi ở nhà, ăn những món ngon, hít thở khí trời, vận động chân tay, được nói chuyện với những người yêu thương. Vì vậy sau trận chiến này, mình tạm gọi mình đã có một cuộc sống thứ 2. Cuộc sống mà mình phải sống thật ý nghĩa và trách nhiệm, bởi vì không phải ai cũng có cơ hội như mình", Bảo Châu chia sẻ.