Sự hồi sinh của thủy quái khổng lồ sông Amazon
Nhờ sự quản lý chặt chẽ trong đánh bắt và bảo tồn, số lượng cá hải tượng long ở khu vực Amazon tăng trở lại, sau khoảng thời gian đối mặt với nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Tại Amazon - khu rừng nhiệt đới đa dạng sinh học nhất trên thế giới, cá hải tượng long (hay pirarucu, arapaima) nằm trong những loài sinh vật nổi bật nhất.
Cá hải tượng long có thể nặng tới 200 kg. Cho đến nay, đây là loài lớn nhất trong số 2.300 loài cá được biết đến ở Amazon. Cá hải tượng long được tìm thấy chủ yếu ở các hồ đồng bằng trên lưu vực sông Amazon, bao gồm cả khu vực Medio Jurua (Brazil). Loài cá này còn được mệnh danh là thủy quái khổng lồ sông Amazon, theo Guardian.
Cách đây vài năm, loài cá này dường như biến mất khỏi khu vực Medio Jurua khi có quá nhiều tàu đánh bắt.
Việc bắt cá bất hợp pháp và không bền vững khiến loài cá này, vốn là thực phẩm chính của cư dân bản địa nơi đây, đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, giờ đây, cá hải tượng long đã quay trở lại các hồ ở Medio Jurua. Với những người dân bản địa, câu chuyện về sự hợp tác trên nhiều cấp độ giữa những người có hoàn cảnh khác nhau để mang loài cá này quay lại vẫn là một điều khó tin.
Sự hồi sinh khó tin
Sự thay đổi bắt đầu vào cuối những năm 1990. Với sự hỗ trợ của một linh mục Công giáo người Hà Lan, những người thợ cạo mủ cao su đã tổ chức chiến dịch kêu gọi chính phủ Brazil thành lập khu bảo tồn Medio Jurua.
Họ cho rằng đến một thời điểm nào đó, các cộng đồng sống ven sông có thể hưởng lợi từ rừng và các hồ nước trong khu bảo tồn, theo AP.
Điều đó đã thành sự thật. Giờ đây, người dân địa phương bắt đầu trồng cây acai, cao su, sản xuất dầu thực vật song song với bảo vệ rừng. Dù vậy, thành công nhất của việc bảo tồn này là mang số lượng loài hải tượng long tăng trở lại.
Các hiệp hội cộng đồng dân cư sống ven sông cũng đạt được thỏa thuận với những dân bản địa. Theo đó, họ cùng được đánh bắt cá hải tượng long, dưới sự quản lý chặt chẽ.
Gần đó là thung lũng Javari, nơi nhà báo người Anh Dom Phillips và chuyên gia bản địa Bruno Pereira bị sát hại vào tháng 6.
Bối cảnh xảy ra thảm kịch là cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa các cộng đồng bản địa và những người cạo mủ cao su được các doanh nhân địa phương thuê để đánh bắt cá bất hợp pháp, chủ yếu nhắm vào cá hải tượng long.
Hai ngư dân địa phương sau đó đã thú nhận hành vi giết người.
Theo một nghiên cứu, đánh bắt cá trái phép là dạng tội phạm môi trường diễn ra thường xuyên thứ hai ở Brazil, sau khai thác gỗ. C
ơ quan bảo tồn của Brazil đã ban hành 1.160 thông báo vi phạm đối với việc đánh bắt bất hợp pháp - chiếm một phần tư tổng số vi phạm - trong khoảng thời gian 5 năm gần đây.
Theo AFP, một báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho thấy 83% số cá bất hợp pháp bị đánh bắt ở Brazil từ năm 2012 đến 2019 là cá hải tượng long.
Trả lời AP, Manoel Cunha, lãnh đạo của nhóm những người cạo mủ cao su ở Medio Jurua, cho biết: “Javari là hình ảnh của Medio Jurua vào những năm 1980”.
“Chúng tôi đã loại bỏ các công ty đánh cá và ngư dân bất hợp pháp bằng cách giám sát và quản lý. Bạn đã đi dọc trên sông này mấy ngày rồi, và bạn không nhìn thấy bất kỳ chiếc thuyền đánh cá nào ngoại trừ những chiếc thuyền của các tổ chức chúng tôi. Không còn chỗ cho họ ở đây”, ông nói.
Đánh bắt
Đánh bắt cá hải tượng long được thực hiện mỗi năm một lần, vào khoảng tháng 9. Đây cũng là khoảng thời gian mực nước xuống thấp nhất.
Cá hải tượng long là một trong số ít loài cá trên thế giới trồi lên mặt nước để thở. Một ngư dân địa phương đã tận dụng đặc điểm này và đề xuất cách đếm số lượng cá vì chúng không thể ở dưới nước quá 20 phút. Chính phủ Brazil cũng đã công nhận phương pháp này.
Mỗi năm một lần, các ngư dân được cấp phép sẽ tiến hành đếm số lượng cá. Theo luật, ngư dân chỉ được đánh bắt 30% số lượng cá hải tượng long (trong tổng số lượng cá được tính mỗi năm) trong năm kế tiếp.
Hoạt động đánh bắt có kiểm soát này đã thúc đẩy sự gia tăng số lượng cá.
Ở vùng San Raimundo, khi quá trình quản lý bắt đầu vào năm 2011, chỉ có 1.335 cá hải tượng long trong các hồ gần đó. Năm 2021, theo báo cáo, số lượng các tại khu vực trên đã tăng đến 4.092 con.
Ở vùng Carauari, số lượng cá đã tăng vọt từ 4.916 con vào năm 2011, lên 46.839 con vào năm 2021.
Cộng đồng của ông Manoel Cunha sống trên những nhà bè trên sông ở San Raimundo. Tại đây có 34 hộ gia đình cùng chung sống.
“Món cá hải tượng long của chúng tôi rất ngon. Mọi người ăn món này đều thấy thích và muốn ăn nữa”, Rosilda da Cunha, chị gái của ông Cunha, cho biết.
Cô cho biết cá hải tượng long là nguồn thu nhập của người dân nơi đây. Mục tiêu của họ năm nay là mua một hệ thống pin năng lượng Mặt Trời để thay thế cho máy phát điện chạy bằng dầu.
Một phần khác của số tiền sẽ được chia cho những người trong cộng đồng đã tham gia đánh bắt cá. Số tiền mà phụ nữ và nam giới nhận được là ngang nhau.
Để đánh bắt cá hải tượng long, ngư dân sử dụng các loại lưới tự đan đặc biệt. Các lỗ của lưới này đủ lớn để cho phép các loài vật nhỏ hơn chui qua, vì việc bắt cá hải tượng long dưới 5 m bị cấm.
Khi những ngư dân bắt được một con cá hải tượng long, họ kéo lưới và đánh vào phần đầu con cá. Sau đó, họ đặt cá lên thuyền. Vì cá rất nặng, cần có 2 hoặc 3 người đàn ông mang cá lên thuyền.
Bảo tồn
Các hải tượng long sau khi đánh bắt xong sẽ được đưa từ các hồ lên một chiếc thuyền lớn bên sông Jurua.
Ở đó, những người phụ nữ sẽ sơ chế cá. Tất cả sản lượng cá này được Hiệp hội các nhà sản xuất nông thôn vùng Carauari (Asproc) thu mua.
Được những người thợ cạo mủ cao su thành lập, Asproc đã phát triển trở thành một trong những tổ chức quan trọng nhất trong toàn bộ vùng Amazon.
Hiệp hội này hoạt động trên nhiều lĩnh vực như vệ sinh môi trường, thị trường đến giáo dục đại học. Tổ chức này hiện thu mua cá hải tượng long và bán cho các thành phố chính của Brazil như Sao Paulo và Brasilia.
Thành công của Asproc đã thúc đẩy Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ hỗ trợ thành lập thương hiệu Gosto da Amazônia nhằm quảng bá cá hải tượng long. Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) cũng đã giúp tài trợ một kho hàng chế biến cá ở thành phố Carauari.
Vùng Medio Jurua được thiên nhiên ban tặng cho sự hẻo lánh. Không thể tiếp cận khu vực này bằng đường bộ. Cho đến nay, đây là một trong những khu vực hiếm hoi trong Amazon không bị nạn phá rừng và hỏa hoạn tàn phá như những nơi khác.
Tuy nhiên, những hiểm họa đang đến gần. Anh Cunha cho biết để ngăn chặn các mối đe dọa trong tương lai, mấu chốt là phải biến khu bảo tồn Medio Jurua phải trở thành một tổ chức lớn và có nền kinh tế phát triển.
“Nếu chúng tôi không tự tổ chức quản lý đánh bắt cá để bảo vệ môi trường và để cho những người khác đánh bắt cá, chúng tôi có thể rơi vào tình trạng giống như những người đánh bắt ở Javari. Nếu họ tự tổ chức sớm hơn, họ có thể đã cứu được mạng sống của nhà báo Dom Phillips và chuyên gia Bruno Pereira”, ông Cuhan nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-hoi-sinh-cua-thuy-quai-khong-lo-song-amazon-post1372080.html