Sự hồi sinh của tín ngưỡng thờ Quan Âm
Xuất phát từ Phật giáo, Phật Quan Âm đã lan tỏa đi nhiều quốc gia. Tới Việt Nam, trải qua nhiều thăng trầm, hình tượng Quan Âm đã hòa nhập với tín ngưỡng bản địa không chỉ thành nữ thần mà còn trở thành 'Mẫu'.
Hội thảo quốc tế tập trung bàn về Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á do trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây đã làm sáng tỏ sức mạnh xuyên quốc gia của loại hình tín ngưỡng này.
Từng bị xem như tệ nạn xã hội
Trong vòng 10 năm trở lại đây, cùng với việc công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (2012), sau đó ở cấp quốc tế (UNESCO công nhận di sản văn hóa năm 2016), có thể thấy sự tái sinh và được công nhận về mặt thể chế những tín ngưỡng thờ cúng nữ thần mang tính bản địa.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Chủ nhiệm khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV): “Trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại, tín ngưỡng thờ nữ thần bản địa luôn phải tồn tại trong một tình trạng ở bên lề của đời sống xã hội. Trước năm 1945, hệ thống tín ngưỡng này đã bị các trí thức Âu hóa và cả những người bảo thủ về đạo đức phê phán và xem như một tệ nạn xã hội.
Trong những vở thoại kịch đầu tiên của người Việt viết bằng chữ Quốc ngữ cũng như trong những tiểu thuyết hiện thực của Vũ Trọng Phụng, hầu đồng bị xem như một thói hư tật xấu của phụ nữ và được xếp ngang hàng với những tệ nạn của nam giới, như đến các tiệm hát cô đầu hay hút thuốc phiện.
Sau năm 1945, trong thể chế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, hầu đồng bị xếp vào những hành vi mê tín dị đoan và bị cấm. Chỉ sau năm 1986, tín ngưỡng này mới từng bước trở lại và được công nhận”.
Qua thời gian, ở Việt Nam, Quan Âm Bồ Tát thường đứng hàng đầu trong hệ thống thần linh của tín ngưỡng Tam – Tứ phủ. Điều này được thể hiện rõ trong hệ thống văn chầu, khoa nghi, sớ điệp - là những văn bản quan trọng được lưu hành, sử dụng trong tín ngưỡng thờ Tam – Tứ phủ từ xưa tới nay.
Trung tâm là sự từ bi
Theo các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Quan Âm ở Việt Nam, trong tạo hình tượng Quan Âm ở các ngôi chùa Việt có một “tâm thức Phật – Mẫu”. Cụ thể, trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc Việt Nam, điêu khắc tượng Quan Âm chiếm số lượng lớn.
Bên cạnh những tác phẩm điêu khắc phản ánh các nguyên tắc tạo hình chung cho thể loại tượng này trong đạo Phật, có một số lượng lớn các điêu khắc tượng Quan Âm của người Việt có những cách tạo hình riêng biệt. Theo PGS.TS Trang Thanh Hiền (trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc Việt Nam, thông thường có 2 - 4 pho tượng Quan Âm.
Một số tuân theo khuôn mẫu tạo tượng Phật nói chung như tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, một số khác như Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tọa Sơn lại tạo hình rất tự do và tạo sự đa dạng cho tượng Quan Âm.
“Ngoài việc tạo hình tượng Quan Âm liên quan đến các truyền thuyết về hình tượng này trong Phật giáo, chúng tôi còn cho rằng, tượng Quan Âm ở Việt Nam được xây dựng trên tâm thức thờ Mẫu của người Việt. Bằng chứng là cách thức xây dựng các động Phật này dường như trùng với cách thức tạo hình các động thờ Mẫu tại các đền phủ và các chùa Việt ở miền Bắc.
Không chỉ vậy, tâm thức Phật – Mẫu còn nhìn thấy trong tạo hình tương đồng giữa tượng Quan Âm và tượng Thánh Mẫu. Điều này đã làm nên điểm đặc biệt cho tạo hình tượng Quan Âm ở Việt Nam cũng như tín ngưỡng thờ Quan Âm của người Việt” – PGS.TS Trang Thanh Hiền cho hay.
Mặc dù tín ngưỡng thờ Quan Âm ở mỗi địa phương, quốc gia khác nhau nhưng theo GS Lâm Tòng Nhất (Đài Loan): Tín ngưỡng thờ Quan Âm có nhiều lớp ý nghĩa. Trung tâm chính của tín ngưỡng này chính là sự từ bi. Nội hàm quan trọng nhất của từ bi là hai điều: Vượt qua khỏi ranh giới của bản thân và đồng cảm chia sẻ.
Chính vì thế, GS Lâm Tòng Nhất cho rằng: “Trong xã hội hiện đại ngày nay khi tập thể, con người, quốc gia có những bức tường ngăn cách ngày càng cao thì chính là lúc cần đến tinh thần vượt ranh giới của bản thân và sự bao dung mà tín ngưỡng Quan Âm tạo ra chính là điều quan trọng trong đời sống ngày nay”.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/su-hoi-sinh-cua-tin-nguong-tho-quan-am-352102.html