Sự hồi sinh kỳ diệu của những người từng tuyệt vọng, không thiết tha sống tiếp

Họ từng sốc và tuyệt vọng vì ngỡ suốt đời tàn phế nhưng chính nhờ nỗ lực cố gắng bản thân và sự tận tâm của các y bác sĩ Bệnh viện phục hồi chức năng - điều trị nghề nghiệp TP.HCM, các bệnh nhân bị chấn thương tủy sống này đã được 'hồi sinh'.

Từ tuyệt vọng đến vui sống

Sáng 7/4, có mặt tại buổi Hội thảo chuyên đề phục hồi chức năng tổn thương tủy sống của Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, chị Vũ Thị Bình (sinh năm 1970, quê Long An) nghẹn ngào khi thấy trên màn hình chiếu hình ảnh chị ngồi xe lăn khóc nhạt nhòa. Đó là ngày 20/6/2022, chị bị tai nạn giao thông sau đó phải nhập khoa Phục hồi chức năng tủy sống để điều trị. Lúc nhập viện, chị Bình bị liệt hoàn toàn hai chân và bị sốc tâm lý.

Chị Bình bật khóc vì sốc khi thấy mình phải ngồi xe lăn (ảnh trái). Và hiện nay, sau 4 tháng điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, chị Bình đã được ra viện và đi lại, làm việc nhà bình thường (ảnh phải). Ảnh: NVCC

Chị Bình bật khóc vì sốc khi thấy mình phải ngồi xe lăn (ảnh trái). Và hiện nay, sau 4 tháng điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, chị Bình đã được ra viện và đi lại, làm việc nhà bình thường (ảnh phải). Ảnh: NVCC

"Khi vào viện được 1 tuần, tôi phải ngồi xe lăn. Tôi không chấp nhận, tôi khóc như mưa bởi ngay trước khi bị tai nạn giao thông, tôi là một người hoàn toàn khỏe mạnh. Ngày đầu ở Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, hai chân tôi liệt hoàn toàn, không thể cử động, nhúc nhích được, cảm giác hai chân như tảng băng đá không thể cử động. Tôi rất tuyệt vọng, cảm giác không thiết tha gì với cuộc sống bởi ý nghĩ phải làm bạn với xe lăn suốt phần đời còn lại. Nhưng may mắn tôi gặp y bác sĩ khuyên và động viên tôi cố lên, trấn tĩnh tinh thần, cô Vân Anh (điều dưỡng trị liệu -PV) cho tôi luyện tập đồng thời động viên, an ủi, giúp tôi dần dần hồi phục tinh thần, cảm thấy cuộc sống tươi đẹp", chị Bình vừa nói vừa khóc.

Sau 4 tháng điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, từ bị gãy trật cột sống L1, L2, L3, chị Bình đã phục hồi, được ra viện và đi lại, làm việc nhà nội trợ khỏe mạnh bình thường.

"Tôi rất cám ơn tất cả các y bác sĩ đã an ủi, động viên tôi từ chỗ tuyệt vọng, đến nay với sự cố gắng, tôi đã thành công. Hôm nay tôi đã làm được việc nhà và đi lại, trở về cuộc sống bình thường. Tôi rất hạnh phúc", chị Bình xúc động nói.

Từ chỗ tuyệt vọng, bị sốc tâm lý, đến nay với sự cố gắng của bản thân, hỗ trợ điều trị của các y bác sĩ, chị Bình đã hồi phục, hạnh phúc với cuộc sống. Ảnh: Kim Vân

Từ chỗ tuyệt vọng, bị sốc tâm lý, đến nay với sự cố gắng của bản thân, hỗ trợ điều trị của các y bác sĩ, chị Bình đã hồi phục, hạnh phúc với cuộc sống. Ảnh: Kim Vân

Khác với chị Bình, anh Lê Minh Hùng (sinh năm 1971, ngụ tại TP.HCM) bị lao cột sống và chèn ép tủy sống, chỉ trong vòng 4-5h là bị liệt nửa người và sau 1 tuần là liệt hết người.

Tháng 1/2015, anh Hùng nhập khoa Phục hồi chức năng - tổn thương tủy sống với tình trạng liệt hoàn toàn, gồng cứng 2 chân.

"Khi rơi vào tình trạng chấn thương tủy sống, tôi đối diện rất nhiều khó khăn. Tôi không chấp nhận sự thật đó. Thứ nhất tôi phải chịu sự tổn thương tinh thần là chính, thứ hai là tổn thương về thể xác. Nhưng rồi quá trình điều trị từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch rồi đến Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, tôi thấy nhiều bệnh nhân còn nặng hơn mình, có những người ở vùng sâu vùng xa cuộc sống có rất nhiều khó khăn và tôi nhận ra, mình may mắn hơn họ", anh Hùng tâm sự.

Sau quá trình tự bản thân nỗ lực và được các bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ điều trị, anh Lê Minh Hùng từ liệt hoàn toàn đã tự đi lại được với nẹp cổ chân và 2 nạng. Ảnh: NVCC

Sau quá trình tự bản thân nỗ lực và được các bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ điều trị, anh Lê Minh Hùng từ liệt hoàn toàn đã tự đi lại được với nẹp cổ chân và 2 nạng. Ảnh: NVCC

Sau 1 năm nỗ lực cố gắng điều trị, chịu khó vận động và di chuyển, anh Hùng được xuất viện trong tình trạng tự đi lại được với nẹp cổ chân và 2 nạng. Hiện tại anh Hùng đã và đang thực hiện rất nhiều chương trình thiện nguyện mang giá trị lớn đến cho cộng đồng.

Anh Lê Mạnh Hùng đã và đang thực hiện rất nhiều chương trình thiện nguyện giúp cộng đồng. Ảnh: NVCC

Anh Lê Mạnh Hùng đã và đang thực hiện rất nhiều chương trình thiện nguyện giúp cộng đồng. Ảnh: NVCC

Đến bây giờ, anh Nguyễn Chánh Tín (sinh năm 1987, quê Bình Định) vẫn bàng hoàng khi nhớ về tai nạn giao thông năm 2010, khi đó anh mới 23 tuổi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, Tín đã dồn hết sức học tập, nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo. Tốt nghiệp đại học, Tín tự xây dựng một doanh nghiệp nhỏ. Nhưng vào một hôm, trên đường về nhà, Tín bất ngờ bị tai nạn. Sau vụ tai nạn, anh Tín dù giữ được mạng sống nhưng bị chấn thương cột sống cổ, liệt tứ chi.

"Tôi bị tai nạn năm 2010, lúc tôi tròn 23 tuổi, độ tuổi khá trẻ, tuổi đó chỉ nghĩ đến những điều tươi đẹp. Trước đó, tôi từng có những ước mơ, hoài bão lớn nhưng tai nạn lấy đi sức khỏe của tôi. Tôi bị sụp đổ", anh Tín nhớ lại.

Anh Nguyễn Chánh Tín đã từng rơi vào khủng hoảng và bất lực. Tuy vậy, Tín không ngừng nuôi dưỡng khát vọng, truyền cảm hứng sống đẹp cho mọi người. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Chánh Tín đã từng rơi vào khủng hoảng và bất lực. Tuy vậy, Tín không ngừng nuôi dưỡng khát vọng, truyền cảm hứng sống đẹp cho mọi người. Ảnh: NVCC

Chính trong giai đoạn khó khăn và không thể quên, nhiều lần tưởng không thể thoát khỏi bàn tay "tử thần", các y bác sĩ điều trị cho Tín đã truyền động lực, cho anh nghị lực sống vượt qua và đối diện sự thật. Nguyễn Chánh Tín đã nỗ lực sống và truyền cảm hứng sống cho cộng đồng, đặc biệt là những người khuyết tật.

Từ một người thích di chuyển, đi khắp mọi nơi nhưng sau tai nạn bị liệt tứ chi, anh Tín phải nằm một chỗ và phụ thuộc vào người khác. Anh đã rơi vào khủng hoảng và bất lực. Tuy vậy, Tín không ngừng nuôi dưỡng và tiếp tục khát vọng. Từ những kiến thức đã học, anh Tín mua bán điện thoại và đặc sản quê hương qua mạng. Đến nay, việc kinh doanh online của Tín dần khởi sắc, anh kiếm được chút ít tiền lời để trả tiền thuốc men, phụ giúp bố mẹ.

Với những ngón tay co quắp không thể điều khiển, anh Tín dùng các đầu khớp nối của ngón tay để gõ từng chữ lên màn hình ipad. Năm 2020, anh Tín cho ra đời cuốn tự truyện "Tôi chọn sống". Đây là cuốn sách đánh dấu cột mốc 10 năm sau tai nạn của anh - khoảng thời gian anh Tín phải đối diện với nỗi đau và đối diện chính mình.

Nguyễn Chánh Tín tặng cuốn tự truyện "Tôi chọn sống" cho các bác sĩ tại buổi Hội thảo chuyên đề phục hồi chức năng tổn thương tủy sống ngày 7/4/2023.

Nguyễn Chánh Tín tặng cuốn tự truyện "Tôi chọn sống" cho các bác sĩ tại buổi Hội thảo chuyên đề phục hồi chức năng tổn thương tủy sống ngày 7/4/2023.

"Bệnh tủy sống rất là kinh khủng, chỉ những ai trải qua mới hiểu và biết được. Không chỉ là nỗi đau về thể xác mà cả nỗi đau tinh thần. Cuốn sách "Tôi chọn sống" ra đời với mong muốn truyền niềm tin và nghị lực sống, đặc biệt là cho những người cùng cảnh ngộ để cùng vượt qua khó khăn", Nguyễn Chánh Tín chia sẻ.

Bệnh viện phục hồi chức năng nghề nghiệp TP.HCM đã cứu chữa thành công cho nhiều người bệnh tổn thương tủy sống.

Nỗ lực mang đến nụ cười cho các bệnh nhân

Chị Bình, anh Hùng và anh Tín chỉ là 3 trong hàng ngàn bệnh nhân bị chấn thương tủy sống đã điều trị tại Bệnh viện phục hồi chức năng nghề nghiệp TP.HCM.

BS.CK II Lê Hoàng Dũng - Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Tổn thương tủy sống cho biết, trong vòng 5 năm (từ 2018-2023), khoa điều trị cho 5926 người bệnh tổn thương tủy sống. Trong đó, bệnh nhân tai nạn chiếm 76,25%, bệnh lý là 23,75%. Người bệnh tổn thương tủy sống đa số trong độ tuổi lao động và rất nhiều bệnh nhân chưa có điều kiện tiếp cận điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Dũng, thực tế cho thấy, việc sơ cứu cho bệnh nhân chưa đúng cách dẫn đến tổn thương nặng nề hơn, để lại nhiều biến chứng cho người bệnh như: teo cơ, cứng khớp, loét, nhiễm trùng tiết niệu.... Bên cạnh đó, vấn đề tồn tại là hiện nay trung tâm hướng nghiệp cho người khuyết tật còn ít, cơ hội việc làm cho người khuyết tật chưa nhiều.

"Các bệnh nhân chấn thương tủy sống đa số là bị tổn thương tinh thần. Các bác sĩ đầu tiên là bác sĩ vật lý và hoạt động trị liệu, sau đó là nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân, trò chuyện với người bệnh giúp giải tỏa áp lực về tâm lý".

TS.BS CKII Phan Minh Hoàng (ngoài cùng bên trái) và BS CKII Lê Hoàng Dũng chụp ảnh lưu niệm với anh Nguyễn Chánh Tín và một bệnh nhân là thầy giáo - nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở Quận 1 đã điều trị chấn thương tủy sống tại Bệnh viện phục hồi chức năng nghề nghiệp TP.HCM. Ảnh: Kim Vân

TS.BS CKII Phan Minh Hoàng (ngoài cùng bên trái) và BS CKII Lê Hoàng Dũng chụp ảnh lưu niệm với anh Nguyễn Chánh Tín và một bệnh nhân là thầy giáo - nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở Quận 1 đã điều trị chấn thương tủy sống tại Bệnh viện phục hồi chức năng nghề nghiệp TP.HCM. Ảnh: Kim Vân

TS.BS CKII Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho hay, khoa Phục hồi chức năng - Tổn thương tủy sống ra đời năm 2003, đến nay là vừa tròn 20 năm, từ dự án hợp tác giữa Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp và tổ chức Handicap International. Đến nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM là bệnh viện duy nhất tại TP.HCM có khoa điều trị chuyên sâu về phục hồi chức năng sau tổn thương tủy sống.

Theo bác sĩ Hoàng, tổn thương tủy sống là một trong những bệnh lý nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Đây là hậu quả thường gặp của những va đập chấn thương mạnh như tai nạn giao thông, tai nạn lao động (do ngã từ trên cao xuống...) hoặc tai nạn nặng trong sinh hoạt hằng ngày.

Hàng năm, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM có tới hàng trăm bệnh nhân đến điều trị. Phục hồi chức năng cho những người bệnh này rất cần thiết vì phần lớn bệnh nhân là những người trong độ tuổi lao động, mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình và cộng đồng.

"Thông qua hợp tác và phát triển vùng giữa Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM và các bệnh viện trong khu vực phía Nam bằng việc ký kết MOU hỗ trợ chỉ đạo tuyến toàn miền Đông và Tây Nam Bộ, hy vọng mạng lưới điều trị tổn thương tủy sống sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Chúng tôi mong muốn các bệnh nhân tổn thương tủy sống được điều trị sớm nhất và cam kết không bỏ rơi bất cứ trường hợp bệnh nhân nào. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai nhiều mô hình hơn nữa trong đó có hỗ trợ triển khai mô hình phục hồi chức năng chấn thương tủy sống trong cộng đồng. Mong muốn của chúng tôi là những nụ cười hạnh phúc sẽ tiếp tục nở trên đôi môi của bệnh nhân. Với các y bác sĩ, sự hồi sinh của người bệnh là món quà hạnh phúc đối với chúng tôi", TS.BS CKII Phan Minh Hoàng cho hay.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-hoi-sinh-ky-dieu-cua-nhung-nguoi-tung-tuyet-vong-khong-thiet-tha-song-tiep-169230407165122367.htm