Sự khác biệt giữa bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Alzheimer và sa sút trí tuệ có liên quan đến nhau nhưng là hai khái niệm riêng biệt, trong đó Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất nên nhiều người nhầm lẫn hai thuật ngữ này là một.

Bệnh Alzheimer thuộc dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất. (Nguồn: medlineplus)

Bệnh Alzheimer thuộc dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất. (Nguồn: medlineplus)

Hầu hết mọi người đều cho rằng bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ, hay còn gọi là chứng mất trí nhớ, là bệnh lú lẫn, suy giảm trí nhớ của người già. Thực tế, bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ có liên quan đến nhau nhưng là hai khái niệm riêng biệt.

Sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung dùng để mô tả một tập hợp các triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, trí nhớ , suy nghĩ và hành vi.

Theo thống kê, có nhiều dạng sa sút trí tuệ khác nhau, trong đó bệnh Alzheimer thuộc dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm tới 60-70% các trường hợp. Đây là một chứng rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển, chủ yếu ảnh hưởng đến trí nhớ và chức năng nhận thức.

Bệnh Alzheimer

Alzheimer là một bệnh tiến triển gây ra suy giảm trí nhớ và nhận thức một cách dần dần. Bệnh học ở những người mắc bệnh Alzheimer cho thấy có mảng lão hóa và lắng đọng amyloid beta trong vỏ não, chất xám dưới vỏ.

Bệnh Alzheimer khởi phát nhiều năm trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, thường là sau tuổi 60.

Ở những người trên 80 tuổi, thời gian từ lúc được chẩn đoán bị Alzheimer đến khi qua đời thường dưới 3 năm. Tuy nhiên, ở những người trẻ tuổi hơn, thời gian này có thể kéo dài lâu hơn.

Theo thống kê vào tháng 3/2023 của Tổ chức Y tế thế giới, số lượng người mắc sa sút trí tuệ trên toàn thế giới khoảng 55 triệu người. Đáng chú ý, cứ 10 người sa sút trí tuệ sẽ có khoảng 7 người mắc chứng Alzheimer.

 Chứng mất trí nhớ hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 55 triệu người trên thế giới. (Nguồn: Shutterstock)

Chứng mất trí nhớ hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 55 triệu người trên thế giới. (Nguồn: Shutterstock)

Số người bị sa sút trí tuệ được dự báo sẽ đạt 78 triệu người vào năm 2030, và 139 triệu người vào năm 2050. Chi phí cho việc điều trị sa sút trí tuệ sẽ tăng từ khoảng 1.300 tỷ USD năm 2019 lên 2.800 tỷ USD năm 2030.

Nguyên nhân gây bệnh sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer

Mặc dù chứng sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhiều hơn, song bệnh này lại không phải là một quá trình lão hóa bình thường mà còn là hậu quả một số yếu tố bệnh tật hoặc chấn thương.

Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ còn có thể do béo phì và tăng huyết áp ở tuổi trung niên; huyết áp thấp ở người cao tuổi; đái tháo đường; nhồi máu não đa ổ; tăng mỡ máu; thói quen uống rượu hoặc/và dùng chất kích thích; tiền sử gia đình có người mắc hội chứng sa sút trí tuệ; trầm cảm…

Với bệnhAlzheimer, nguyên nhân rất phức tạp, nhưng một phần quan trọng là sự tích tụ của hai chất bên trong não gọi là amyloid và tau.

Khi các điều kiện trong não không ổn, chúng sẽ kết tụ lại và tạo thành những cấu trúc nhỏ gọi là mảng bám và đám rối và theo thời gian sẽ gây tổn thương lâu dài cho các tế bào não.

Các dấu hiệu bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ

Các triệu chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer có thể tương tự nhau, nhưng vẫn có một số điểm khác biệt. Điểm chung về triệu chứng của 2 căn bệnh này là suy giảm khả năng tập trung suy nghĩ; suy giảm trí nhớ; suy giảm khả năng giao tiếp.

Với những người bệnh Alzheimer, triệu chứng thường gặp là khó khăn khi nhớ các sự kiện hoặc cuộc hội thoại mới xảy ra gần đây.

Bệnh nhân thường lãnh cảm, có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, mất phương hướng. Họ cũng giảm khả năng phán đoán và thay đổi hành vi. Trong giai đoạn nặng của bệnh, họ sẽ gặp khó khăn khi nói chuyện, nuốt hoặc đi lại.

Trong khi đó, một số thể bệnh của sa sút trí tuệ sẽ có chung một số triệu chứng như Alzheimer nhưng vẫn có những đặc điểm khác biệt.

Chẳng hạn đối với sa sút trí tuệ thể lewy (LBD), có nhiều triệu chứng tương đồng như bệnh Alzheimer giai đoạn nặng. Tuy nhiên, những người bị sa sút trí tuệ thể lewy thường có các triệu chứng ban đầu như xuất hiện ảo giác thị giác, khó khăn để giữ cân bằng và thường gặp rối loạn giấc ngủ.

Còn những người mắc chứng suy giảm trí tuệ do các bệnh khác như Parkinson hoặc bệnh Huntington thường có sự cử động không chủ ý trong giai đoạn đầu của bệnh.

 Duy trì thường xuyên tập luyện thể chất và trí não có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. (Nguồn: Shutterstock)

Duy trì thường xuyên tập luyện thể chất và trí não có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. (Nguồn: Shutterstock)

Hiện tại, vẫn chưa có cách chữa trị bệnh Alzheimer cũng như các chứng bệnh sa sút trí tuệ khác. Các phương pháp điều trị chỉ có thể tạm thời làm dịu một số triệu chứng hoặc làm chậm sự tiến triển bệnh ở một số người.

Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy nếu duy trì một lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát tốt huyết áp, kích hoạt não bộ luôn hoạt động…, có thể giúp bảo vệ tế bào não, làm giảm nguy cơ mắc cũng như hạn chế sự khởi phát chứng suy giảm trí nhớ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/su-khac-biet-giua-benh-alzheimer-va-chung-sa-sut-tri-tue-o-nguoi-cao-tuoi-post960234.vnp