Sự khác biệt trong hệ thống án lệ Việt Nam - Kỳ 1: Sự phát triển án lệ tại Việt Nam
Mặc dù đã có lịch sử cả ngàn năm trong hệ thống luật pháp trên thế giới, tuy nhiên, đối với Việt Nam án lệ vẫn là một lĩnh vực pháp luật khá mới mẻ. Việc hình thành và áp dụng án lệ tại Việt Nam vào thực tế xét xử có nhiều khác biệt so với thế giới.
Án lệ (tiền lệ pháp) xuất hiện khá sớm trong lịch sử loài người. Án lệ giúp bù đắp những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan. Bởi vậy mà án lệ trở thành một nguồn luật chính thức và có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia.
Theo các chuyên gia pháp lý, án lệ ở Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc, nhưng việc áp dụng, vận dụng vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ. Bên cạnh đó, việc hình thành và áp dụng án lệ tại Việt Nam vào thực tế xét xử có nhiều khác biệt so với thế giới
Ở Việt Nam việc sử dụng khái niệm “án lệ” có từ trước năm 1960, từ “án lệ” đã tồn tại và được sử dụng trong các văn bản pháp luật chính thức công khai trên các tạp chí chuyên ngành, đường lối xét xử của Tòa án về những vụ việc cùng loại được tập hợp, phân tích, bình luận.
Từ sau năm 1975 đến trước năm 2006 thì khái niệm “án lệ” hầu như không được sử dụng một cách chính thức. Trong các sách, báo pháp lý khái niệm “án lệ” vẫn được bàn luận, nhưng chỉ mang tính chất nghiên cứu học thuật.
Khi tìm hiểu khái niệm án lệ trong lịch sử pháp luật Việt Nam, người ta hầu như không thấy từ án lệ được sử dụng trong lịch sử pháp luật thời kỳ phong kiến. Thời kỳ thực dân pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam từ năm 1858 đến 1945, án lệ chủ yếu được sử dụng trong đào tạo, giảng dạy luật tại Miền nam Việt Nam. Án lệ đã được áp dụng bởi hệ thống Tòa án của thực dân Pháp tại Việt Nam và Tòa án của chế độ Ngụy quyền ở miền Nam Việt Nam.
Trong một nghiên cứu về án lệ của tác giả Lê Tiến Dũng (Ban Nội chính Trung ương) cho rằng, từ sau năm 1945, từ “án lệ” đã được sử dụng trong các văn bản pháp luật, trên các tập san Luật học của chế độ ta, thể hiện như sau:
Tại Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 442/TTg, ngày 19/1/1955 về trừng trị một số loai tội phạm, đã nêu: …”Tới nay, các tòa án căn cứ vào những văn bản nói trên và chính sách trừng trị của Chính phủ mà xét xử đem lại kết quả tốt cho việc bảo vệ trật tự, an ninh. Kinh nghiệm xét xử về một số loại tội phạm đã được trở thành án lệ. Tuy nhiên, án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương, do đó đường lối xét xử không được thống nhất. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong qui định chung sau đây để hướng dẫn các Tòa án trừng trị một số tội phạm thông thường…”
Tại Thông tư số 19-VHS ngày 30/6/1955 của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật lệ, có nêu: “ Nếu chỉ có luật hình sự cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét thấy cần trừng phạt, thì cũng không viện dẫn luật hình sự cũ, Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng sự việc, vào án lệ”
Tại Chỉ thị số 772-TATC, ngày 10/7/1959 của TAND Tối cao về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc, phong kiến, đã nêu: “Để xét xử các cụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành từ trước đến giờ, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, án lệ của các Tòa án, của Tòa án Tối cao”.
Thông tư số 92-TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp-TANDTC, giải thích và quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của các TAND phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, chỉ rõ: “ TAND phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các TAND cấp dưới thông qua án lệ của mình”
Tập san Tư pháp (nay là Tạp chí Tòa án nhân dân) số 3 năm 1964, trong mục “Thuật ngữ luật học” có giải thích: “Án lệ là một danh từ cũa đã được dùng từ thời Pháp thuộc. Án lệ là những qui tắc do các Tòa án trong khi vận dụng pháp luật để xét xử các vụ án cụ thể, đã hình thành dần dần bằng cách hiểu và có thái độ giải quyết giống nhau một số điểm pháp lý, áp dụng luật một cách giống nhau trong nhiều vụ án”.
Từ việc sử dụng khái niệm “án lệ” như đã nêu trên, có thể thấy trước năm 1960, từ án lệ đã tồn tại và được sử dụng trong các văn bản pháp lý chính thức, công khai trên các tạp chí chuyên ngành. Đường lối xét xử của Tòa án về những vụ việc cùng loại được tập hợp, phân tích, bình luận. Tuy nhiên, từ sau năm 1960, khái niệm án lệ không thấy được sử dụng, thay vào đó là thuật ngữ “ luật lệ” được sử dụng nhiều .
Cũng theo tác giả Lê Tiến Dũng, từ sau năm 1975 đến trước năm 2006, khái niệm án lệ hầu như không được sử dụng chính thức trong các sách, báo pháp lý mà chỉ được bàn luận mang tính chất nghiên cứu học thuật.
Theo một nghiên cứu, khái niệm “án lệ” được hiểu: “Là chế độ trong đó Thẩm phán tiến hành xét xử không mâu thuẫn với quan điểm pháp lý được thể hiện trong phần xét xử của Tòa án cấp cao nhất của một nước, đối với các vụ án tương tự”. Phải đến Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 về cải cách tư pháp, khái niệm án lệ tiếp tục được sử dụng chính thức như sau: “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Việc nghiên cứu và tiến tới sử dụng án lệ, nhằm tạo sự thống nhất trong công tác xét xử giữa các cấp Tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật để xét xử, bảo đảm sự thống nhất của các bản án, quyết định của Tòa án. Việc áp dụng án lệ sẽ góp phần công khai và phổ biến rộng rãi các bản án và quyết định của Tòa án các cấp để mọi người cùng biết, tham khảo và đánh giá chất lượng phán quyết của Tòa án.
Hiện nay, Tòa án cấp dưới luôn có xu hướng tham khảo tính đúng đắn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các bản án đã tuyên, để đưa ra quyết định đối với vụ án cụ thể, có nội dung tương tự của mình. Các phán quyết của Tòa án thường hay quy chiếu đến các phán quyết có hiệu lực pháp luật đã tuyên trước đó, nhất là các phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.