Sự khắc khổ hằn trên gương mặt Thái Hòa ở 'Cây táo nở hoa'
Thái Hòa có cách lý giải và xây dựng nhân vật riêng, giúp Ngọc trở nên đặc sắc và khác biệt so với vai diễn Poongsang do tài tử Yoo Joon Sang thể hiện.
Cây táo nở hoa là tác phẩm truyền hình Việt gây chú ý bậc nhất trong một tháng trở lại đây. Phim được dựng lại từ kịch bản gốc của Hàn có tên What's Wrong? Poongsang! (tên khác: Liver Or Die) - một tác phẩm truyền hình thuộc dòng chính kịch do đài KBS sản xuất năm 2019.
Như tựa phim, Poongsang, hay ở bản Việt là Ngọc (Thái Hòa đóng), là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Anh là người anh cả trong gia đình có năm anh em, một tay nuôi lớn đàn em vì mẹ bỏ đi theo người tình còn cha nát rượu.
Biên kịch của Cây táo nở hoa gần như giữ mọi tình tiết, diễn biến trong bản gốc, ngay cả kết cấu và thứ tự cảnh quay cũng không có nhiều sai khác. Nhưng hai phiên bản vẫn có sự khác biệt, thậm chí là khác biệt rõ ràng và trực quan, là cách Thái Hòa và nam diễn viên Yoo Joon Sang thể hiện nhân vật trung tâm của kịch bản.
Nét "khổ" trên gương mặt Thái Hòa
Trước tiên, về phiên bản Việt của Thái Hòa, nam diễn viên vốn không phải người có lợi thế ngoại hình. Gương mặt của nam diễn viên không có đường nét trẻ trung, thậm chí tạo cảm giác già dặn hơn tuổi thật là 47. Khoác lên người những chiếc áo thun sờn vai hoặc chiếc sơ mi bạc màu quá khổ, vóc dáng nhỏ càng khiến tổng thể vẻ ngoài của Thái Hòa trông có tuổi và khắc khổ hơn.
Với vai diễn Ngọc, chữ "khổ" gần như đã khắc hẳn lên gương mặt Thái Hòa. Không khổ sao được khi mới 17 tuổi, Ngọc đã vừa làm anh, vừa phải làm cha của bốn đứa em thơ. Khi cha ruột kiên quyết muốn cho đàn em, đặc biệt là Dư (Song Luân) đi nơi khác, Ngọc giang tay ôm chặt các em vào lòng, vừa khóc vừa nói: "Con sẽ nuôi các em, con nghỉ học đi làm nuôi các em".
Xét về mặt cảm xúc, có lẽ thứ tình thương Ngọc dành cho Ngà, Châu, Báu và Dư đã vượt qua cả tình anh em, gần như trở thành tình phụ tử. Trong mắt Ngọc, các em của anh mãi mãi là những đứa trẻ tội nghiệp, mãi mãi "còn nhỏ" - như lời Ngọc nói với Hạnh (Hồng Ánh).
Nhưng thực tế, các em của Ngọc đều đã lớn. Dư - người nhỏ nhất - cũng đã 25 tuổi, Châu và Báu ở ngưỡng ngoài 30 và Ngà đã xấp xỉ tứ tuần. Như Hạnh - người vợ dành 18 năm "cơm bưng nước rót" cho những đứa em chồng - nói, tất cả đều rất khỏe mạnh và đang ở độ tuổi lao động. Nhưng đáng tiếc, chỉ có Châu và Dư chịu làm việc, còn Báu và Ngà chỉ biết ăn bám vào anh trai.
Khán giả xem phim có thể nhận ra vì sao Ngọc khổ, cái khổ in hằn lên từng khóe mắt và nếp miệng.
Tất cả sinh hoạt phí của đại gia đình đều trông đợi vào cửa hàng sửa xe máy nhỏ có tên Hạnh Phúc. Tiền lời thu được từ công việc sửa chữa xe cộ không hề rủng rỉnh, thậm chí chủ nhà chỉ đề nghị tăng thêm 1-2 triệu đồng tiền thuê mặt bằng cũng khiến Ngọc và Hạnh trăn trở, đắn đo. Nhưng Ngọc vẫn phải gánh trên vai gánh nặng nuôi gia đình và trả nợ từ năm này qua năm khác cho hai đứa em "già đầu nhưng không nên nết" Ngà và Báu.
Không phải Ngọc không biết các em làm sai, nhưng anh đã bao bọc đàn em quá lâu, dành hết nửa cuộc đời để nuôi nấng và che chở, nên quả thực anh không thể buông tay cho các em tự lập. Ngay cả khi Hạnh kiên quyết đuổi Ngà và Báu ra khỏi nhà, Ngọc vẫn bảo hai em "có gì từ từ tính", với mong muốn rằng qua đôi ba ngày vợ sẽ nguôi giận và lại tiếp tục cưu mang hai đứa em anh cho rằng vẫn còn nhỏ dại.
Không khó để nhận ra, mỗi khi tới cảnh Châu và Báu cãi vã, đánh nhau, hay cảnh Hạnh chỉ trích em chồng, cảnh gia đình xào xáo vì vấn đề tiền nong và việc làm, Ngọc luôn ngồi ở đầu bàn - vị trí chủ gia đình - nhưng chỉ biết cúi đầu im lặng.
Với nhiều khán giả, Ngọc là người nhu nhược, bao đồng và đáng trách. Nhưng ở một khía cạnh khác, anh cũng chỉ là người đàn ông bị giằng xé giữa tình thương bao la vun đắp từ những năm tháng oằn mình nuôi các em khôn lớn với tình cảm vợ chồng - cha con. Và Thái Hòa thể hiện xuất sắc sự khổ sở, giằng xé trong tâm can ấy.
Poongsang - phiên bản Hàn tếu táo và nhẫn nhịn hơn
Nhân vật Ngọc của Thái Hòa có gương mặt khắc khổ, và anh sẵn sàng thể hiện rõ cái khổ, cái bất lực vì không dạy bảo được các em và không chăm sóc được vợ con lên gương mặt. Ngay cả cách quát mắng, la lối của Thái Hòa cũng chứa điều gì đó khá... êm dịu. Anh không hẳn là quát nạt vì tức giận, mà giống như bộc lộ tâm trạng, cảm xúc với các em và vợ nhiều hơn.
Trong khi đó, nhân vật gốc Poongsang do nam diễn viên Yoo Joon Sang thể hiện lại không có gương mặt khắc khổ như Thái Hòa. Anh luôn cố nở nụ cười đầy vẻ tếu táo khi xuất hiện trước vợ con, các em, hàng xóm.
Và so với sự già nua của Thái Hòa, Yoo Joon Sang - hay nhân vật Poongsang - trông trẻ trung hơn nhiều. Nếu nhìn vào dàn cast bản Hàn, nhiều người thậm chí cho rằng Oh Ji Ho - vai Jin Sang (tức Ngà ở bản Việt) - mới là người lớn tuổi nhất trong gia đình.
Có thể là nhờ vẻ ngoài trẻ trung, hoặc có thể là nhờ cách diễn giải nhân vật, Poongsang không toát lên dáng vẻ người cha bất đắc dĩ của các em như nhân vật Ngọc dù cùng mang thiết lập nhân vật là người anh cả phải nuôi dưỡng đàn em từ năm 17 tuổi. Trong video tóm tắt phim, đài truyền hình KBS đã dùng cụm từ "dongsaeng-babo" - tức người anh phát cuồng, phát ngốc vì các em - để mô tả Poongsang.
Anh đơn thuần là một người anh trai. Anh có thể giật tóc Hwa Sang (tức vai Báu của Nhã Phương) để giữ được em gái đứng lại trong khi đuổi bắt, cũng có thể kẹp cổ đánh Jin Sang tới kêu la oai oái trước mặt nhiều người, có thể phút trước quát tháo các em vì đánh nhau như những đứa trẻ trước di ảnh của cha và phút sau đã nở nụ cười trông đầy sự tếu táo với bà hàng xóm đến viếng.
Những điều trên không đồng nghĩa với việc Poongsang vô tâm, hời hợt và ít thương các em hơn phiên bản Việt là Ngọc.
Song hành với nụ cười quen thuộc luôn là ánh mắt buồn rầu như sắp khóc của Poongsang. Anh chỉ có thể, hoặc chỉ dám, gỡ nụ cười thường trực trên môi khi ở một mình hoặc đối diện với người anh ghét bỏ nhất là mẹ ruột.
Nếu so sánh phân đoạn người mẹ trở về để đòi cục vàng ngay trong đám tang của cha, có thể cảm nhận được Poongsang giận dữ và căm hận hơn phân cảnh của Ngọc. Anh không khóc, nhưng nước mắt luôn trực trào ở mi, bờ môi và ngón tay run rẩy, báo hiệu khối cảm xúc sắp vỡ tung khi phải nói chuyện với mẹ ruột.
Hành động vùi nắm tiền vào thùng rác đầy tàn thuốc lá của Poongsang cũng khiến người xem suy ngẫm nhiều hơn, rằng anh hận mẹ tới mức nào mới có ý nghĩa khiến bà phải thò tay vào thùng rác để nhặt đồng tiền mình bỏ lại. Những điều này không còn trong phiên bản Việt do Thái Hòa thể hiện.
Và rõ ràng cuộc đời Poongsang được xây dựng cô đơn hơn Ngọc. Ở bản Việt, đến cuối cùng, Ngà, Châu, Báu, Hạnh và thậm chí cả mẹ con cô Bông (NSND Lan Hương) vẫn cùng anh đi đưa tang và hỏa táng cha.
Nhưng ở bản Hàn, Poongsang chỉ có một mình.
Anh một mình ôm di ảnh, một mình bước chân lên xe đưa tang vì biết chắc không ai xuất hiện, một mình đứng trước lò hỏa thiêu và một mình ôm hũ tro cốt ra bờ sông đứng lặng. Poongsang còn khốn khổ hơn Ngọc khi hũ tro cốt của cha bất ngờ bị rơi xuống sông, anh đã nhảy xuống và lao người theo nhưng vẫn phải trơ mắt nhìn hũ tro cốt bị cuốn trôi.
Loay hoay giữa dòng nước, Poongsang khóc nức nở và lớn tiếng gọi "cha ơi, cha ơi", trong lòng không ngừng hối hận khi không thể nói được một câu với cha trong lần cuối cùng gặp mặt.
Tới khi quay về, Poongsang đã lau khô nước mắt, lại treo lên gương mặt nụ cười thường trực và trở lại làm người chồng, người cha, người anh mang dáng vẻ vui tươi, dễ chịu cho cả gia đình.
Rõ ràng, cùng một nhân vật, nhưng Yoo Joon Sang và Thái Hòa đã thể hiện thành hai con người hoàn toàn khác biệt. Có thể còn có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh nhân vật Ngọc của Thái Hòa, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng anh đã có lý giải riêng cho nhân vật, giúp Ngọc trở nên đặc sắc hẳn giữa dàn nhân vật đều na ná với phiên bản Hàn.