Sự khởi đầu đúng hướng
Cho dù chỉ được có 28 quốc gia tham dự và lại còn đa phần không phải ở cấp cao nhất, hội nghị cấp cao về trí tuệ nhân tạo (AI) do Thủ tướng Anh Rishi Sunak đề xướng và chủ trì tổ chức ở điền trang Bletchley Park vẫn là một thành quả quan trọng của ông Sunak.
Lần đầu tiên một hội nghị cấp cao quốc tế được tổ chức chuyên đề về AI và đã thế lại còn chỉ đề cập tới những mặt trái của AI. Trong bản tuyên bố chung gồm 2 trang của hội nghị, các bên tham dự đã đưa ra Tuyên bố Bletchley về AI, thể hiện chủ ý tăng cường "hiểu biết" và "cùng nhau quản lý" AI.
Sự đồng thuận quan điểm giữa các bên tham dự sự kiện đặc biệt này dừng lại ở hai chủ định trên nên kết quả của hội nghị không được nhiều, chỉ chung chung chứ chưa cụ thể cho dù nhiều ý tưởng, gợi mở và giải pháp đã được đưa ra. Dù vậy, hội nghị thực chất đã đề cập rất trúng đến hai điều cốt lõi của AI.
Thứ nhất là việc nghiên cứu và ứng dụng AI đang và sẽ còn tiếp tục tiến triển rất mạnh mẽ, việc tiếp tục phát triển và tăng cường ứng dụng AI là cần thiết và không thể khác. Không ai và không ở đâu có thể phủ nhận hay làm ngơ trước những nhận thức trên.
Thứ hai, AI bộc lộ ngày càng rõ, càng nhiều và càng thuyết phục tác dụng to lớn và tác động sâu sắc của nó tới đời sống và sự phát triển của thế giới, của quốc gia và của con người.
Tuy nhiên, AI cũng lộ diện những mặt trái, tác động tiêu cực và hiệu ứng nguy hại của nó đối với cuộc sống và sự phát triển của thế giới, của quốc gia và của con người. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay cho thế giới, cho các quốc gia và cho con người là phải luôn song hành việc tận lợi tối đa từ AI với việc loại trừ sớm và chủ động hạn chế hết mức có thể mọi bất lợi và nguy hại từ AI để ngăn ngừa ngay từ đầu kết cục "lợi bất cập hại". Cũng chính vì thế mà hội nghị này là sự khởi đầu đúng hướng và kịp thời.
Không có gì là khó hiểu khi hội nghị này không đi được xa hơn nữa ngoài kết cục nói trên. Số lượng các quốc gia tham dự hội nghị còn quá thấp. Cấp độ tham dự hội nghị chủ yếu mới đủ để bàn thảo chứ chưa đủ để có thể quyết định. Những lực lượng chủ trương thương mại hóa AI bằng mọi giá trên thế giới đâu có yếu. Nhận thức về mức độ cấp thiết phải lưu tâm ngay từ bây giờ tới những mặt trái của việc phát triển và ứng dụng AI không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới. Cho nên rất cần thiết có những bước đi mới mạnh mẽ hơn và thiết thực hơn sau sự khởi đầu này.
Phát triển và ứng dụng AI có thể là chuyện riêng của quốc gia nhưng việc kiểm soát và quản trị tác động và hiệu ứng thực tế của ứng dụng AI lại là chuyện chung của cả thế giới, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải hợp tác với nhau.
Sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động giữa các quốc gia trên lĩnh vực này không được dừng lại ở những tuyên bố chung sau những hội nghị cấp cao hay cấp thấp mà phải được từng bước thể chế hóa, phải được cụ thể hóa thành những nguyên tắc và tiêu chí, cơ chế và luật chơi có tính ràng buộc đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Hội nghị vừa qua ở Bletchley vì thế còn vừa định hướng vừa cảnh báo, vừa mở đường vừa xây dựng nền tảng cho những bước đi chung tiếp theo của các quốc gia trên thế giới. Tận lợi AI đương nhiên phải trả giá. Bài toán mà cả thế giới phải giải bây giờ là tận lợi nhiều nhất từ AI với cái giá phải trả thấp nhất.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/su-khoi-dau-dung-huong-646843.html