Sự kiện đáng chú ý: Loạt doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, AGF vào 'danh sách đen'
Trong các phiên giao dịch từ ngày 3 - 7/4, thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt, VOF Investment Ltd thoái sạch vốn ở Khang Điền, cổ phiếu AGF bị cảnh báo…
Nhiều doanh nghiệp chia cổ tức
Trong tuần từ 3 - 7/4, có 3 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt, không có doanh nghiệp nào chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu. Trong đó, Công ty CP Phục vụ Mai táng Hải Phòng (mã chứng khoán: CPH) sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ là 19,6%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 1.960 đồng.
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/4. Với 4,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty CP Phục vụ Mai táng Hải Phòng sẽ chi khoảng 8,6 tỷ đồng để hoàn tất đợt chi trả cho cổ đông. Ngày thực hiện dự kiến vào 21/4.
CPH là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực mai táng được đưa lên sàn chứng khoán vào ngày 8/2/2017. Tiền thân của doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Phục vụ Mai táng, được thành lập năm 2010, chuyên cung cấp dịch vụ tang lễ tại Hải Phòng và khu vực lân cận.
Tương tự, 7/4 là ngày giao dịch không hưởng quyền để Công ty CP Phốt pho Apatit Việt Nam (mã chứng khoán: PAT) chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đợt 3/2022 bằng tiền. Thời gian thanh toán vào ngày 24/4. Tỷ lệ thực hiện là 106,55%, tương ứng với mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận 10.655 đồng.
Với 25 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Công ty CP Phốt pho Apatit Việt Nam sẽ chi khoảng 266 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này. Năm 2022, PAT ghi nhận 3.150 tỷ đồng doanh thu - tăng gần gấp đôi năm 2021; lãi ròng đạt hơn 964 tỷ - tăng 276% và là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Ngày 6/4 là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức năm 2022 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB). Ngày 7/4, Ngân hàng VIB sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 còn lại với tỷ lệ 5% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Với hơn 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VIB phải chi khoảng 1.053 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Hôm 3/3, VIB vừa thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là ngày 10/2. Như vậy, tổng mức chia cổ tức năm 2022 qua 2 đợt VIB chi trả là 15% bằng tiền.
VOF Investment Ltd thoái sạch vốn ở Khang Điền
Từ ngày 6/4 - 5/5, VOF Investment Ltd - cổ đông của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) đăng ký bán toàn bộ 4.351.900 cổ phiếu KDH đang sở hữu, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Trước đó, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 10/1/2023, quỹ VOF Investment Limited đã bán ra 4,11 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 1,41% về còn 0,83% vốn điều lệ. Từ ngày 17/1 đến 15/2, quỹ này tiếp tục bán thêm 1.538.100 cổ phiếu KDH để giảm sở hữu từ 0,83% về còn 0,61% vốn điều lệ.
Tương tự, quỹ Kiwoom Vietnam Tomorrow Securities Master Fund (Equity) vừa bán ra toàn bộ 126.693 cổ phiếu để giảm sở hữu về 0 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện từ ngày 15/12 đến ngày 23/12/2022.
Delta Global Financial Holdings Private Limited cũng đã bán ra toàn bộ 110.000 cổ phiếu KDH để giảm sở hữu về 0 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện từ ngày 15/12 đến 23/12/2022.
Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam vừa bán ra toàn bộ 16.830 cổ phiếu KDH để giảm sở hữu từ 16.830 cổ phiếu về 0 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện ngày 6/2.
Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam, quỹ VOF Investment Limited, quỹ Kiwoom Vietnam Tomorrow Securities Master Fund (Equity) và Delta Global Financial Holdings Private Limited đều liên quan tới bà Nguyễn Thị Diệu Phương - Thành viên HĐQT độc lập và bà Vương Hoàng Thảo Linh - Thành viên Ban kiểm soát của Nhà Khang Điền.
Cổ phiếu AGF bị cảnh báo
Từ ngày 3/4, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa cổ phiếu AGF của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang vào diện cảnh báo. Lý do cổ phiếu AGF bị đưa vào diện cảnh báo là do báo cáo tài chính năm của công ty đã ghi nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên tiếp 3 năm từ 2020 - 2022, thuộc diện đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo theo quy định.
Ngoài việc bị đưa vào diện cảnh báo, cổ phiếu AGF cũng sẽ tiếp tục bị đình chỉ giao dịch với lý do vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Theo đó, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.
Từ ngày 3/4 đến 2/5, ông Ngô Quang Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Louis Capital (mã chứng khoán: TGG) đăng ký mua 350.000 cổ phiếu TGG. Ngược lại, em ruột ông Tuấn là bà Ngô Kim Thoa đăng ký bán ra số cổ phiếu bằng với khối lượng ông Tuấn muốn mua vào.
Dự kiến sau giao dịch, ông Tuấn sẽ tăng sở hữu tại TGG từ 2,55 triệu cổ phiếu, tương đương 9,43% vốn điều lệ lên gần 2,9 triệu cổ phiếu.
Ông Ngô Quang Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Hội đồng quản trị Công ty CP Louis Capital nhiệm kỳ 2021 - 2025 từ ngày 27/3 thay cho ông Vũ Anh Sinh. Cũng từ thời điểm này, giá cổ phiếu bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc và đến nay đã ghi nhận chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp.
Công ty CP Chứng khoán Quốc gia (mã chứng khoán: NSI) - cổ đông của Công ty CP Sam Holdings (mã chứng khoán: SAM) đăng ký bán toàn bộ hơn 2,96 triệu cổ phiếu SAM sở hữu, tỷ lệ 0,78%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 6/4 đến 28/4 theo phương thức thỏa thuận. Còn ông Hoàng Tùng, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư DNA (mã chứng khoán: KSD) đăng ký bán toàn bộ hơn 610.000 cổ phiếu KSD, khoảng 5,09% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/4 đến 28/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.