Sự kiện khiến Mỹ mất lòng tin vào Ukraine

Mỹ coi việc Ukraine tấn công vùng biên giới Kursk của Nga là vi phạm lòng tin. Song, Washington vẫn hỗ trợ Kiev để ngăn cái chết của hàng nghìn binh sĩ Ukraine đã có mặt trong lãnh thổ Nga.

Theo tờ New York Times (NYT), vào mùa hè năm 2024, các lực lượng Ukraine đã bị dàn mỏng một cách nguy hiểm ở các mặt trận phía bắc và phía đông. Tuy nhiên, Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi vẫn liên tục nói với Mỹ rằng họ "cần một chiến thắng".

Tháng 3/2024, Mỹ phát hiện tình báo quân sự Ukraine đang bí mật lên kế hoạch tấn công trên bộ ở phía tây nam Nga. Sau đó, quan chức thuộc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Kiev đã đối chất với Giám đốc Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) Kyrylo Budanov. Quan chức Mỹ cảnh báo, nếu binh sĩ Ukraine vượt biên vào lãnh thổ Nga, họ sẽ phải hành động mà không có sự hỗ trợ của vũ khí và tình báo Mỹ.

Quân đội Nga chiến đấu ở Kursk. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Quân đội Nga chiến đấu ở Kursk. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tới đầu tháng 8 cùng năm, Ukraine ám chỉ điều gì đó đang xảy ra ở phía bắc. Vào thời điểm đó, Tướng Syrskyi đã điều động quân đội Ukraine vượt qua biên giới tây nam Nga để tiến vào tỉnh Kursk.

"Đối với Mỹ, cuộc xâm nhập này là sự vi phạm lòng tin đáng kể. Ukraine không chỉ một lần nữa giữ họ trong bóng tối, mà còn bí mật vượt qua ranh giới đã thỏa thuận chung và đưa thiết bị do liên quân cung cấp vào lãnh thổ Nga", NYT cho hay.

Trước đó, Kiev và Washington đã thỏa thuận về một khu vực ở Nga, nơi quân Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công cùng với sự hỗ trợ thông tin tình báo từ bộ chỉ huy ở Wiesbaden, Đức. Động thái này một phần nhằm ngăn chặn tác động từ cuộc tập kích của Nga vào vùng Kharkiv của Ukraine.

Thậm chí, một quan chức Lầu Năm Góc đã gọi hành động của Ukraine là “tống tiền”.

Sau khi chiến dịch đột kích Kursk bắt đầu, phía Mỹ có thể đã dừng hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Mỹ giải thích, nếu Washington thực sự dừng hỗ trợ, động thái "có thể dẫn đến thảm họa" vì binh lính Ukraine ở Kursk sẽ thiệt mạng do không có tên lửa HIMARS và tình báo Mỹ bảo vệ.

Mỹ cũng cho rằng, chiến dịch đột kích vùng Kursk của Nga là chiến thắng mà giới lãnh đạo Ukraine từ lâu ám chỉ và tìm kiếm. Thực tế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng thừa nhận một trong những mục tiêu trong chiến dịch là chiếm đóng các khu vực trong lãnh thổ Nga làm đòn bẩy trong các cuộc hòa đàm tương lai.

Giữa tháng 3 năm nay, tình báo Estonia cho biết Ukraine đang dần rút quân khỏi vùng biên giới Kursk của Nga.

Mới đây, Tổng thống Zelensky xác nhận, việc Mỹ tạm dừng chia sẻ thông tin tình báo không tác động tới hoạt động của binh sĩ Ukraine ở Kursk. Phát biểu của ông Zelensky liên quan tới việc Mỹ có thời gian ngắn dừng chia sẻ thông tin tình báo và gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, sau màn khẩu chiến của ông với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào ngày 28/2.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-kien-khien-my-mat-long-tin-vao-ukraine-2386125.html