Sự kiện lịch sử của hải quân Mỹ

Việc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân USS New Jersey (SSN 796) thuộc lớp Virginia chính thức gia nhập hạm đội của hải quân Mỹ trở thành sự kiện lịch sử đối với lực lượng này.

Hải quân Mỹ vừa tổ chức buổi lễ tại căn cứ hải quân Earle ở bang New Jersey chào mừng tàu ngầm USS New Jersey được đưa vào biên chế. Đây là tàu ngầm lớp Virginia thứ 23 được chế tạo trong 25 năm qua và là tàu thứ ba của hải quân Mỹ được đặt theo tên của bang này. Đặc biệt, USS New Jersey là tàu ngầm đầu tiên được thiết kế cho thủy thủ đoàn gồm cả nam lẫn nữ. “Sự kiện này mang tính lịch sử. Tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ sẽ được nâng cao”, Stars and Stripes dẫn lời Trung tá Steve Halle, Thuyền trưởng USS New Jersey nêu rõ.

Một số nữ thủy thủy của tàu ngầm USS New Jersey. Ảnh: Stars and Stripes

Một số nữ thủy thủy của tàu ngầm USS New Jersey. Ảnh: Stars and Stripes

Theo Stars and Stripes, khoảng 20% trong số hơn 336.000 quân của hải quân Mỹ là nữ giới và từ lâu họ đã được phép làm việc cùng các đồng đội nam trên chiến hạm. Trước đây, tàu ngầm là “nơi độc quyền” của phái mạnh. Hải quân Mỹ từng không cho phép nữ quân nhân phục vụ trên tàu ngầm trong hơn một thế kỷ từ khi lực lượng tàu ngầm được thành lập vào năm 1900 với lý do điều kiện làm việc quá khắc nghiệt và cường độ rất cao có thể gây tổn hại về sức khỏe, không gian trong tàu ngầm hạn chế và không thể bảo đảm tính riêng tư. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã bỏ lệnh cấm trên vào năm 2010. Viện Hải quân Mỹ thống kê, hiện có hơn 700 nữ sĩ quan và nữ thủy thủ đang phục vụ trong lực lượng tàu ngầm Mỹ ở các vị trí khác nhau.

Đáng chú ý, trong tương lai, tất cả các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của hải quân Mỹ, bao gồm cả tàu ngầm tên lửa đạn đạo thuộc lớp Columbia mới nhất, sẽ được thiết kế trung lập về mặt giới tính. Đơn cử, công ty đóng tàu General Dynamics Electric Boat thuộc tập đoàn quốc phòng Mỹ General Dynamics được giao nhiệm vụ cải tiến không gian trong tàu ngầm để tăng tính riêng tư trong khu vực ngủ, nhà vệ sinh và buồng tắm riêng biệt cho nữ thủy thủ. Cùng với đó, lối vào giường tầng trên cùng đã được thiết kế có tính đến chiều cao và tầm với của phụ nữ, hay làm bậc lên xuống ở những điểm quá cao. Đây là điều hiếm thấy trên những tàu ngầm đã được đưa vào hoạt động trước đây trong “binh chủng thầm lặng” của hải quân xứ cờ hoa.

Chương trình tàu ngầm lớp Virginia được khởi động nhằm thay thế hạm đội tàu ngầm lớp Los Angeles của hải quân Mỹ vốn đi vào hoạt động từ thập niên 1970. Những năm qua, chương trình liên tục được cải tiến nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến của hải quân Mỹ. Trong đó, các tàu ngầm cấu hình Block IV như USS New Jersey có chiều dài 115m, rộng 10m, lượng giãn nước 7.900 tấn, tốc độ di chuyển dưới lòng đại dương tối đa 46km/giờ, hoạt động hiệu quả đến độ sâu 240m. Về hỏa lực, tàu ngầm được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng mang tên lửa hành trình Tomahawk, 4 ống phóng ngư lôi 533mm dành cho 25 ngư lôi Mk-48 hoặc tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon. Thủy thủ đoàn trên mỗi tàu là 135 người, song số lượng nữ thủy thủ không được tiết lộ.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã cho phép phụ nữ đặt chân lên tàu ngầm. Năm 1985, Na Uy trở thành quốc gia đầu tiên biên chế nữ quân nhân trên tàu ngầm. Sau đó, hải quân nhiều nước như Thụy Điển, Australia, Canada, Anh... cũng triển khai áp dụng điều luật tương tự.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/su-kien-lich-su-cua-hai-quan-my-795503