Sự kiện nổi bật ngày 2.2

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1.2021; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thành công cuộc bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19... là những sự kiện nổi bật ngày 2.2.

TRONG NƯỚC

Sáng 2.2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1.2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phiên họp diễn ra sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bế mạc, với kết quả thành công tốt đẹp. Về tình hình dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng đánh giá từ 27.1 đã xuất hiện một số ca COVID-19 trong cộng đồng, đến nay, có 271 ca ở 10 tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, vào cuộc với biện pháp đúng đắn, kịp thời.Bên cạnh vấn đề chống dịch, thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương phải quan tâm chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, vùng bị phong tỏa do dịch. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Ngày 2.2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dự lễ trao quà Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật tỉnh Bến Tre. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời thăm hỏi ân cần đến các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các ngành, các cấp cùng chung tay chăm lo cho cuộc sống của người dân, đặc biệt những gia đình có người nhiễm chất độc da cam/dioxin, người tàn tật, trẻ mồ côi; đồng thời thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm cho tất cả người dân, đặc biệt là gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn… có một cái Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phúc Hậu - TTXVN

Ngày 2.2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình “Chuyến xe mùa Xuân - Tết sum vầy” Tân Sửu 2021, đưa sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Đây là hoạt động thường niên của MTTQ và Hội Sinh viên thành phố nhằm hỗ trợ sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn về quê sum họp cùng gia đình dịp Tết đến, xuân về. Trong ảnh: Ban tổ chức trao tượng trưng vé cho đại diện của hơn 3.000 sinh viên tham gia chương trình. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Sáng 2.2, Hà Nội ghi nhận ca mắc thứ 20 trong đợt dịch này. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thực hiện nghiêm việc truy vết, khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng F1, F2, F3 của những bệnh nhân đã được phát hiện. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đến nay các trường hợp F1 và F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm với tổng số là 15.000 mẫu; năng lực xét nghiệm của trung tâm có thể đáp ứng được 3.000 - 3.500 mẫu/ngày, nếu huy động các đơn vị khác như 10 bệnh viện công lập và tư nhân, sự hỗ trợ của Bộ Y tế thì Hà Nội có thể đáp ứng được việc lấy mẫu từ 15.000 đến 20.000 mẫu/ngày. Trong ảnh: Bên trong khu xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Ngày 2.2, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), trong không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du đã tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền Việt Nam Tân Sửu, trong đó nổi bật là hoạt động gói bánh chưng ngày Tết. Tham dự có Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, bà Trịnh Thị Tâm, cùng các thầy cô và học sinh của trường. Hoạt động gói bánh chưng ngày Tết do Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du tổ chức đã thu hút được hàng trăm học sinh và thầy cô tham gia. Đây là sân chơi lành mạnh giúp các em học sinh người Việt cũng như người Lào hiểu thêm về nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, đồng thời tạo sự gắn kết, yêu thương, gắn bó giữa các học sinh với nhau và giữa học sinh với thầy cô nhà trường. Trong ảnh: Giáo viên và học sinh hứng thú khoe các sản phẩm đầu tay. Ảnh: Phạm Kiên -TTXVN

Ngày 2.2, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 8 đối tượng gồm: Lê Thanh Sơn (sinh năm 1991), Phạm Tấn Lợi (sinh năm 2000), Phạm Tấn Được (sinh năm 1992), Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1996), Nguyễn Tấn Đạt (sinh năm 2001), Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1991), Lê Văn Đém (sinh năm 1997), cùng trú tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang và Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 2002), trú tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, để tiếp tục điều tra về hành vi “Lưu hành tiền giả”. Trong ảnh: Các đối tượng liên quan tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

TRONG TỈNH

Sáng 2.2, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị tổ chức sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch để dành thời gian cho công tác chống dịch Covid-19. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh sau Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn hệ thống chính trị trong năm 2021. Trong bối cảnh toàn tỉnh đang quyết liệt chống dịch, đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, UBBC các cấp tranh thủ khí thế phấn khởi, tin tưởng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII rất thành công để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho cuộc bầu cử. Đồng chí yêu cầu phải bảo đảm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo để cuộc bầu cử thành công. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: Trung Thu

Chiều 2.2, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19, cơ sở vật chất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện dã chiến số 2 tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương; làm việc với TP Chí Linh; kiểm tra tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến số 3 tại cơ sở 2 Trường Đại học Sao Đỏ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định ý kiến của các chuyên gia đối với tình hình dịch bệnh và các biện pháp cần thiết để khống chế trong thời điểm hiện nay rất xác đáng. Đề nghị các sở, ngành, TP Chí Linh phối hợp chặt chẽ, chia sẻ khó khăn với các chuyên gia để tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát. Để ứng phó và kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thành lập ngay Sở Chỉ huy tiền phương, hoạt động tất cả các giờ trong ngày tại TP Chí Linh, trực tiếp do đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh phụ trách. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng kiểm tra cơ sở vật chất tại Bệnh viện Dã chiến số 2. Ảnh: Tiến Huy

QUỐC TẾ

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1.2 đã kêu gọi quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực, đồng thời ra lệnh xem xét lại việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, vốn được dỡ bỏ nhờ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden còn nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực và thế giới nhằm hỗ trợ khôi phục luật pháp cũng như quy trách nhiệm cho những đối tượng liên quan tới vụ đảo chính quân sự ở Myanmar. Trong ảnh: Binh sĩ gác tại một chốt kiểm soát ở Naypyidaw, Myanmar ngày 1.2. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1.2, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) phối hợp để đưa cả Mỹ và Iran cùng lúc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, Ngoại trưởng Zarif cho rằng Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell nên đóng vai trò điều phối thỏa thuận JCPOA, theo đó ông Borrell có thể nêu ra các hành động cần thiết mà Mỹ và Iran cần thực hiện. Trong ảnh: Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell phát biểu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1.2 tuyên bố, nhóm chuyên gia của WHO điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) đang có các cuộc thảo luận hiệu quả với những đồng nghiệp Trung Quốc. Trước đó, nhóm chuyên gia của WHO đã đến thăm Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của tỉnh Hồ Bắc, nơi đại dịch lần đầu được phát hiện năm 2019. Nhóm chuyên gia cũng đã đến thăm các bệnh viện phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, cũng như các khu chợ và triển lãm về cuộc chiến chống dịch tại thành phố Vũ Hán. Trong ảnh: Nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 2.2. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn bộ khu vực Đông Bắc nước Mỹ, trải dài từ bang Virginia tới bang Main với hàng chục triệu dân, đang hứng chịu trận bão tuyết tồi tệ khiến TP New York và nhiều thành phố lớn khác gần như rơi vào tình trạng tê liệt khi hàng nghìn chuyến bay phải hủy bỏ, học sinh quay trở lại hình thức học trực tuyến và các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tạm thời bị gián đoạn. Trong ảnh: Ô tô bị mắc kẹt do tuyết rơi dày đặc tại New York, Mỹ, ngày 1.2. Ảnh: THX/TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/su-kien-qua-anh/su-kien-noi-bat-ngay-22-158160