Sự kiện nổi bật tuần từ 14 - 17/4
Trong tuần qua (14-17/4), nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội quan trọng đã diễn ra, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11
Sáng 16/4, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 21.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn quốc, với hơn 1,5 triệu người tham dự.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trên cơ sở có sự thống nhất tuyệt đối, trung ương đã ban hành Nghị quyết 60 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung là hai vấn đề tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho đại hội XIV của Đảng. Tổng Bí thư nêu 4 vấn đề cần lưu ý, trong đó thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề 1 về những nội dung cốt lõi, điểm mới trong các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn báo cáo chuyên đề "Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 – 15/4/2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam; càng đặc biệt hơn khi đây là chuyến thăm lần thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; dự Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, Lễ khởi động "Hành trình đỏ: Nghiên cứu, học tập của thanh niên", Lễ khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc và Triển lãm ảnh 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân Kỷ niệm 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025), Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025 và nhân chuyến thăm lần này một loạt các hoạt động, giao lưu đã được tổ chức: Diễn đàn Thanh niên Việt – Trung (12-18/4), Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 9 (16-17/4).
Hội nghị Thượng đỉnh P4G
Chiều 16/4, tại Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" đã khai mạc. Hội nghị Thượng đỉnh P4G diễn ra từ ngày 16-17/4 do Việt Nam đăng cai với có hơn 1.000 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế tham dự với các hoạt động chính như: Triển lãm về tăng trưởng xanh, Phiên khai mạc, Hội nghị thượng đỉnh, Phiên thảo luận cấp cao, Phiên đối thoại giữa doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo và Phiên bế mạc…

Phiên thảo luận cấp cao: Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư, trưa 17/4 đã diễn ra Phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề "Hợp tác công – tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững". Phiên đối thoại do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Bốn nội dung quan trọng đã được thống nhất tại Đối thoại là: Hợp tác công - tư là chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững; các quốc gia đang phát triển cần xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy hợp tác công tư phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phải đi đôi với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; và nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của các dự án hợp tác công tư xanh.
Lần đầu tiên hợp luyện tất cả lực lượng diễu binh, diễu hành
Tối 18/4, tại trục đường Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức lễ tổng hợp luyện lần đầu tiên của tất cả các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Sau gần hai tháng tập luyện, 38 khối của lực lượng vũ trang sắp xếp đội hình hợp luyện trên đường Lê Duẩn (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) vào tối 18/4.
Tham gia tổng hợp luyện có 38 khối của lực lượng vũ trang (quân đội và lực lượng dân quân tự vệ 25 khối, lực lượng công an 13 khối), 12 khối diễu hành đại diện cho các tổ chức quần chúng.
Dự kiến, sau đợt hợp luyện này, các lực lượng sẽ sơ duyệt vào ngày 25/4, tổng duyệt ngày 27/4 trên đường Lê Duẩn.
Lễ diễu binh, diễu hành chính thức vào 6 giờ 30 phút ngày 30/4/2025 với sự tham gia khoảng 13.000 người.
Vận hành tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất Việt Nam
Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) đã đưa vào vận hành tuyến cáp quang biển Asia Direct Cable (ADC) – tuyến có băng thông lớn nhất Việt Nam hiện nay (50 Tbps), tương đương 125% tổng băng thông của 5 tuyến hiện tại gồm AAG, APG, IA, AAE-1 và SMW-3.
Tuyến cáp ADC dài 9.800 km, kết nối Việt Nam với 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực châu Á. Điểm cập bờ tại Việt Nam nằm ở Quy Nhơn. Tổng vốn đầu tư là 290 triệu USD với sự tham gia của 9 tập đoàn viễn thông lớn, trong đó Viettel là đơn vị duy nhất tại Việt Nam và sở hữu toàn bộ nhánh cập bờ tại nước ta.
So với các tuyến hiện có, ADC có lợi thế nổi bật khi kết nối trực tiếp tới cả 3 trung tâm Internet lớn của châu Á (Singapore, Hong Kong, Nhật Bản), giúp hỗ trợ các công nghệ đòi hỏi băng thông lớn như 5G, AI, IoT, điện toán đám mây.
ADC không chỉ tăng dự phòng và độ an toàn mạng lưới quốc gia mà còn góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu khu vực, thúc đẩy chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.