Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 28/4-4/5: Bắc Kinh dỡ trừng phạt EU, chi tiêu quân sự toàn cầu 'đạt đỉnh', BRICS chống 'bắt nạt thuế quan'

Thủ tướng Australia Anthony Albanese tái đắc cử, Ukraine chốt thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, Ấn Độ và Pakistan đóng cửa không phận... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese tái đắc cử nhiệm kỳ hai

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Anthony Albanese bày tỏ “vinh dự lớn nhất trong cuộc đời” vì được phục vụ người dân Australia với tư cách Thủ tướng. (Nguồn: Euronews)

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Anthony Albanese bày tỏ “vinh dự lớn nhất trong cuộc đời” vì được phục vụ người dân Australia với tư cách Thủ tướng. (Nguồn: Euronews)

Theo ABC News, kết quả bầu cử sơ bộ ngày 3/5 cho thấy, Công đảng của Thủ tướng Anthony Albanese giành được đa số ghế tại Hạ viện để có thể thành lập chính phủ với tỷ lệ 55,94%-44% so với Liên đảng (gồm đảng Tự do và đảng Quốc gia). Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Anthony Albanese bày tỏ “vinh dự lớn nhất trong cuộc đời” vì được phục vụ người dân Australia với tư cách Thủ tướng. Ông gửi lời cảm ơn tới toàn thể người dân Australia vì cùng nhau hướng tới xây dựng tương lai thông qua lá phiếu ủng hộ chính phủ Công đảng.

Thủ tướng Albanese cho rằng hiện là thời điểm để người dân Australia đoàn kết, phát huy hết tiềm năng, cùng xây dựng sự thống nhất quốc gia dựa trên nền tảng lâu dài của sự công bằng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để phục vụ các giá trị của đất nước.

Trong khi đó, lãnh đạo Liên đảng Peter Dutton lên tiếng thừa nhận thất bại, đồng thời nhấn mạnh “đêm nay không phải là đêm của đảng Tự do”. Ông cũng nhận hoàn toàn trách nhiệm về thất bại của Liên đảng, xin lỗi cử tri vì chiến dịch tranh cử “rõ ràng không đủ tốt”. Mặc dù vậy, ông Dutton cho biết một trong những vinh dự lớn nhất của ông là trở thành lãnh đạo của đảng Tự do và cam kết sẽ xây dựng lại đảng này.

Ấn Độ và Pakistan đóng cửa không phận

Các động thái trả đũa khiến các hãng hàng không Ấn Độ như Air India và IndiGo phải đổi hướng khoảng 600 chuyến bay quốc tế, dẫn đến thời gian bay dài và chi phí hoạt động cao hơn. (Nguồn: 100knots)

Các động thái trả đũa khiến các hãng hàng không Ấn Độ như Air India và IndiGo phải đổi hướng khoảng 600 chuyến bay quốc tế, dẫn đến thời gian bay dài và chi phí hoạt động cao hơn. (Nguồn: 100knots)

Hãng tin Reuters cho biết, sau vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam hôm 22/4 làm 26 du khách thiệt mạng, New Delhi cáo buộc công dân Pakistan có liên quan, khiến Islamabad đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Ấn Độ vào ngày 24/4. Để trả đũa, New Delhi ban hành thông báo cho phi công (NOTAM), có hiệu lực từ ngày 30/4-23/5, cấm tất cả máy bay do Pakistan đăng ký và vận hành, bao gồm cả máy bay quân sự vào không phận Ấn Độ.

Các động thái trả đũa gây cản trở hoạt động hàng không, khiến các hãng hàng không Ấn Độ như Air India và IndiGo phải đổi hướng khoảng 600 chuyến bay quốc tế, dẫn đến thời gian bay dài và chi phí hoạt động cao hơn. Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) cũng rơi vào tình trạng tương tự, với 6-8 chuyến bay mỗi tuần bị ảnh hưởng. Hãng này đang đổi hướng chuyến bay qua các hành lang thay thế, bao gồm không phận Trung Quốc và Thái Lan, để duy trì hoạt động.

New Delhi đang tìm kiếm các tuyến bay thay thế để tránh không phận Pakistan. Với các tuyến đến châu Âu và Bắc Mỹ, Ấn Độ nghiên cứu giải pháp bay từ Delhi đến Leh rồi băng qua dãy núi Hindu Kush vào Kyrgyzstan và Tajikistan.

Hàn Quốc thêm một lần thay quyền Tổng thống

Ngày 2/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Lee Joo-ho, 64 tuổi, chính thức giữ chức quyền Tổng thống Hàn Quốc, do Thủ tướng Han Duck-soo và Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok tuyên bố từ chức trước đó. (Nguồn: Chosunbiz)

Ngày 2/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Lee Joo-ho, 64 tuổi, chính thức giữ chức quyền Tổng thống Hàn Quốc, do Thủ tướng Han Duck-soo và Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok tuyên bố từ chức trước đó. (Nguồn: Chosunbiz)

Theo Yonhap, kể từ khi cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội hồi tháng 12/2024, Hàn Quốc đã thay đổi liên tục các quyền Tổng thống, khiến việc "chèo lái" nền kinh tế lớn thứ tư châu Á giữa sóng gió thuế Mỹ gặp nhiều khó khăn. Ông Lee Ju-ho là người thứ ba đảm nhiệm vị trí quyền Tổng thống kể từ khi thiết quân luật được ban bố, chỉ còn chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử sớm của nước này.

Vào ngày 1/5, Thủ tướng Han Duck-soo tuyên bố từ chức để tham gia tranh cử, đồng nghĩa chấm dứt vai trò quyền Tổng thống. Trước đó, ngày 27/12, ông Han Duck-soo bị luận tội và đình chỉ công tác sau khi từ chối bổ nhiệm ba thẩm phán mới cho Tòa án Hiến pháp, dấy lên căng thẳng với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Tuy nhiên, ông được phục chức vào ngày 24/3.

Trong thời gian đó, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok một lần nữa tạm thời đảm nhiệm vị trí quyền Tổng thống. Ông Choi từng ngồi ghế này từ ngày 27/12/2024 đến hôm 24/3, do khoảng trống chính trường Hàn Quốc liên quan việc cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội.

Ukraine chốt thỏa thuận khoáng sản với Mỹ

Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký khung thỏa thuận khoáng sản với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 30/4 tại Washington. (Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ)

Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký khung thỏa thuận khoáng sản với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 30/4 tại Washington. (Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ)

Hãng AFP đưa tin, Washington và Kiev ngày 30/4 đạt thỏa thuận về việc tiếp cận tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, trao Nhà Trắng quyền tiếp cận đặc biệt đối với các dự án đầu tư mới để phát triển tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, bao gồm nhôm, than chì, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Thỏa thuận sẽ thiết lập Quỹ đầu tư tái thiết do hai nước cùng quản lý một cách bình đẳng và có quyền biểu quyết ngang nhau.

50% số tiền thu được từ các dự án cấp phép mới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu và khí đốt ở Ukraine được đưa vào quỹ. Doanh thu từ những dự án đã được triển khai từ trước sẽ không được tính cho quỹ này. Ukraine vẫn giữ toàn quyền kiểm soát với khoáng sản dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của mình. Việc thành lập Quỹ tái thiết cũng không gây trở ngại tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Kiev.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal Shmygal nhấn mạnh, Kiev không bị yêu cầu trả bất kỳ "khoản nợ" nào cho hàng tỷ USD vũ khí họ đã nhận từ Mỹ và các hỗ trợ khác. "Lợi nhuận của quỹ sẽ được tái đầu tư độc quyền vào Ukraine", ông nói và khẳng định thỏa thuận này "tốt, bình đẳng và có lợi".

Chi tiêu quân sự toàn cầu 'đạt đỉnh'

Chi tiêu quân sự năm 2024 của Nga ước lên tới 149 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi mức năm 2015. (Nguồn: CNN)

Chi tiêu quân sự năm 2024 của Nga ước lên tới 149 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi mức năm 2015. (Nguồn: CNN)

Báo cáo ngày 28/4 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến chi tiêu quân sự tăng ở tất cả khu vực trên thế giới, với tốc độ tăng đặc biệt nhanh ở cả châu Âu và Trung Đông.

SIPRI cho biết: "Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tăng chi tiêu quân sự trong năm 2024. Khi các chính phủ ngày càng ưu tiên an ninh quân sự, thường là bằng cách cắt giảm các lĩnh vực ngân sách khác, những đánh đổi về kinh tế và xã hội có thể tác động đáng kể đến các xã hội trong nhiều năm tới". Xung đột Ukraine và những nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với NATO đã khiến chi tiêu quân sự ở châu Âu (bao gồm cả Nga) tăng 17%, đẩy chi tiêu quân sự của châu Âu vượt qua mức đã được ghi nhận vào cuối Chiến tranh Lạnh.

Riêng Nga, chi tiêu quân sự năm 2024 ước lên tới 149 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi mức năm 2015. Khoản chi này chiếm 7,1% GDP và 19% tổng chi tiêu ngân sách của Moscow. Trong khi đó, tổng chi tiêu quốc phòng của Ukraine tăng 2,9%, lên 64,7 tỷ USD, tương đương 43% so với mức chi tiêu của Nga. Đáng chú ý, chi tiêu quân sự của Ukraine chiếm tới 34% GDP – mức gánh nặng quân sự cao nhất thế giới trong năm 2024.

BRICS chống "bắt nạt, can thiệp và lạm dụng thuế quan"

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị Ngoại trưởng BRICS diễn ra từ ngày 28-30/4 tại Brazil. (Nguồn: China Daily)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị Ngoại trưởng BRICS diễn ra từ ngày 28-30/4 tại Brazil. (Nguồn: China Daily)

Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 30/4 kêu gọi các nước BRICS tăng cường đoàn kết và hợp tác để trở thành lực lượng đáng tin cậy nhất trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 15 Cố vấn an ninh quốc gia và Đại diện cấp cao về an ninh quốc gia của BRICS tại thủ đô Brasilia (Brazil), ông Vương Nghị nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu mới, ngày càng nhiều quốc gia muốn lắng nghe tiếng nói của BRICS và hy vọng gia nhập BRICS. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết thêm việc áp dụng cách tiếp cận giao dịch trong chính trị quốc tế và vũ khí hóa thương mại toàn cầu sẽ chỉ làm suy yếu niềm tin giữa các nước và gây nguy hại an ninh toàn cầu.

Các bên tham dự Hội nghị nhất trí rằng, các nước BRICS cần xây dựng đồng thuận và nỗ lực chung để chống lại mọi hình thức bắt nạt, can thiệp và lạm dụng thuế quan, tuân thủ chủ nghĩa đa phương, bảo vệ lợi ích chung của các nước Nam bán cầu, cùng nhau xây dựng một thế giới đa cực với hòa bình, an ninh, công bằng và công lý.

Trung Quốc dỡ lệnh trừng phạt nghị sĩ châu Âu

Đây được xem là bước đi nhượng bộ đầu tiên trong chiến dịch ngoại giao của Bắc Kinh nhằm lôi kéo châu Âu ra khỏi quỹ đạo của Washington. (Nguồn: Euractiv)

Đây được xem là bước đi nhượng bộ đầu tiên trong chiến dịch ngoại giao của Bắc Kinh nhằm lôi kéo châu Âu ra khỏi quỹ đạo của Washington. (Nguồn: Euractiv)

Theo Barron's, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola ngày 30/4 tuyên bố, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các nghị sĩ của cơ quan này. Đây được xem là bước đi nhượng bộ đầu tiên trong chiến dịch ngoại giao của Bắc Kinh nhằm lôi kéo châu Âu ra khỏi quỹ đạo của Washington. Đồng thời, Trung Quốc hy vọng động thái này sẽ khơi thông hiệp định đầu tư song phương mà Nghị viện châu Âu đã đóng băng sau tranh cãi về vấn đề nhân quyền EU năm 2021.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola phát biểu: "Với cương vị Chủ tịch, tôi có trách nhiệm đảm bảo mọi nghị sĩ của Nghị viện này có thể thực thi nhiệm vụ một cách tự do, không bị hạn chế". Theo nguồn tin từ EU, khả năng hiệp định đầu tư được xem xét lại là không cao và "détente" EU-Trung Quốc vẫn chưa thành hiện thực, dù bầu không khí đã cải thiện.

Các nghị sĩ bị trừng phạt gồm Raphaël Glucksmann (xã hội Pháp), Miriam Lexmann (trung hữu Slovakia), Michael Gahler (trung hữu Đức), và Ilhan Kyuchyuk (trung dung Bulgaria). Reinhard Buetikofer của đảng Xanh Đức đã nghỉ hưu năm ngoái cũng nằm trong danh sách.

Meta tung ứng dụng "đấu tay đôi" với Google và Open AI

Ngày 29/4, Meta công bố ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) độc lập đầu tiên trong nỗ lực cạnh tranh với ChatGPT, bằng cách cung cấp cho người dùng đường truy cập cập trực tiếp vào các mô hình AI tạo sinh của mình. (Nguồn: Yahoo Tech)

Ngày 29/4, Meta công bố ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) độc lập đầu tiên trong nỗ lực cạnh tranh với ChatGPT, bằng cách cung cấp cho người dùng đường truy cập cập trực tiếp vào các mô hình AI tạo sinh của mình. (Nguồn: Yahoo Tech)

Bloomberg đưa tin CEO kiêm nhà sáng lập Meta Mark Zuckerberg cho biết ứng dụng mới "được thiết kế để trở thành AI của riêng bạn" và chủ yếu được truy cập thông qua các cuộc trò chuyện bằng giọng nói với các tương tác cá nhân hóa cho từng người dùng.

Người dùng có thể chủ động cung cấp thêm thông tin cho Meta để AI ghi nhớ trong những lần trò chuyện sau - chẳng hạn, bạn có thể nói rằng mình bị dị ứng lactose, để AI tránh gợi ý những hoạt động liên quan rượu vang và phô mai trong các đề xuất về kỳ nghỉ.

Theo Meta, ứng dụng mới này có thể thay thế Meta View làm ứng dụng đồng hành cho kính thông minh Ray-Ban Meta, cho phép các cuộc trò chuyện diễn ra trên nhiều thiết bị khác nhau. Việc ra mắt AI tạo sinh của Meta diễn ra trong bối cảnh OpenAI đang giữ vị thế dẫn đầu trong mảng AI dành cho người dùng trực tiếp thông qua trợ lý ChatGPT, vốn được cập nhật thường xuyên với các tính năng mới.

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-kien-quoc-te-noi-bat-tuan-284-45-bac-kinh-do-tru-ng-phat-eu-chi-tieu-quan-su-toa-n-ca-u-dat-di-nh-brics-chong-bat-nat-thue-quan-313177.html