Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 31/3-6/4: Tổng thống Trump áp thuế toàn cầu, ông Yoon Suk Yeol bị phế truất, Brazil mở rộng thềm lục địa

Bão thuế quan từ Mỹ, khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar, họp thượng đỉnh BIMSTEC 6, lời xin lỗi từ Hàn Quốc, Hungary rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế toàn cầu

 Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng với các nước và đối tác tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/4. (Nguồn: RNZ)

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng với các nước và đối tác tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/4. (Nguồn: RNZ)

Ngày 2/4, tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Theo đó, Washington sẽ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ gần 60 quốc gia. Trong đó, Việt Nam bị áp thuế 46%, Thái Lan 36%, Trung Quốc 34%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Liên minh châu Âu (EU) 20%, Philippines 17% và Singapore với 10%. Đáng chú ý, Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị áp thuế trong đợt điều chỉnh lần này.

Hạ nghị sĩ Mỹ Gregory Meeks, lãnh đạo phe Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho rằng ông Trump vừa giáng đòn tăng thuế lớn nhất trong lịch sử hiện đại lên người Mỹ. "Các chính sách liều lĩnh của ông ấy không chỉ khiến thị trường lao dốc mà còn gây tổn hại nặng nề cho các gia đình lao động", ông Meeks tuyên bố.

Phản ứng trước quyết định của Washington, Trung Quốc tuyên bố "kiên quyết phản đối" các mức thuế mới của Mỹ áp đặt toàn diện lên hàng xuất khẩu của nước này, đồng thời cam kết sẽ có "các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích" của mình. Tại châu Đại Dương, Thủ tướng Anthony Albanese lên tiếng khẳng định, chính sách thuế quan thương mại của Tổng thống Mỹ đối với đồng minh thân cận Australia là “hoàn toàn không có cơ sở”, không phải là “hành động của một người bạn” và sẽ thay đổi nhận thức về mối quan hệ song phương.

Khủng hoảng nhân đạo trong trận động đất Myanmar

Nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của Myanmar bị hư hại nghiêm trọng. (Nguồn: Financial Times)

Nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của Myanmar bị hư hại nghiêm trọng. (Nguồn: Financial Times)

Theo số liệu tính đến ngày 6/4, trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở Myanmar ngày 28/3 đã khiến ít nhất 3.471 người tử vong, 4.671 người bị thương và 214 người khác mất tích.

Theo ông Titon Mitra, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Myanmar, thành phố Sagaing bị tàn phá trên diện rộng, 80% các tòa nhà bị hư hại, trong đó có một nửa bị hư hại nghiêm trọng. Các chợ thực phẩm không thể buôn bán trong khi bệnh viện đang quá tải. Thậm chí, nhiều cơ sở không an toàn về mặt thiết kế, buộc nhiều bệnh nhân phải điều trị ngoài trời trong cái nóng 40 độ C.

Các nước và đối tác đang gấp rút gửi viện trợ nhân đạo tới Myanmar. Theo phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun, hiện có 18 nước đang giúp Myanmar tại các khu vực gặp nạn và hơn 60 máy bay chở hàng hóa viện trợ nhân đạo đến nước này trong vài ngày qua.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị phế truất

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc xác định, lệnh thiết quân luật khẩn cấp do ông Yoon ban bố ngày 3/12/2024 đã vi phạm quyền cơ bản của người dân. (Nguồn: Yonhap)

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc xác định, lệnh thiết quân luật khẩn cấp do ông Yoon ban bố ngày 3/12/2024 đã vi phạm quyền cơ bản của người dân. (Nguồn: Yonhap)

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 4/4 ra phán quyết về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol và quyết định phế truất vị chính khách này. Thẩm phán Moon Hyung Bae, quyền chánh án Tòa án Hiến pháp, chỉ ra rằng lệnh thiết quân luật khẩn cấp do ông Yoon ban bố ngày 3/12/2024 đã vi phạm quyền cơ bản của người dân. Hành động đó gây tổn hại nghiêm trọng sự ổn định của nền cộng hòa dân chủ và vượt quá quyền hạn được cấp theo Hiến pháp.

Vài giờ sau khi kết thúc phiên tòa, trong thông điệp gửi tới người dân qua luật sư đại diện, ông Yoon Suk Yeol ngỏ ý xin lỗi vì "không thể đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và mọi người", đồng thời khẳng định luôn cầu chúc những điều tốt đẹp cho đất nước cũng như tất cả người dân Hàn Quốc.

Hàn Quốc phải tổ chức cuộc bầu cử tổng thống bất thường để chọn người kế nhiệm ông Yoon Suk Yeol trong vòng 60 ngày, dự kiến diễn ra vào ngày 3/6. Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo cho biết sẽ duy trì tình hình an ninh đất nước ổn định, cam kết nỗ lực hết sức để việc tổ chức bầu cử diễn ra suôn sẻ.

Thượng đỉnh BIMSTEC 6 thông qua Tầm nhìn Bangkok 2030

Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC 6 diễn ra tại Thái Lan từ ngày 2-4/4 với chủ đề “Thịnh vượng, kiên cường và cởi mở”. (Nguồn: Fiancial Today)

Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC 6 diễn ra tại Thái Lan từ ngày 2-4/4 với chủ đề “Thịnh vượng, kiên cường và cởi mở”. (Nguồn: Fiancial Today)

Hội nghị tập trung thảo luận về tiến độ hợp tác giữa các thành viên BIMSTEC trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thành lập khu vực thương mại tự do, kết nối giao thông, hợp tác năng lượng, an ninh và quốc phòng, phòng chống thiên tai và ứng phó đại dịch… Bên lề Hội nghị còn có nhiều hoạt động song phương quan trọng, trong đó đáng chú ý là cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo BIMSTEC thông qua Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6, thể hiện tầm nhìn cho tương lai hợp tác khu vực. Tuyên bố này nhấn mạnh cam kết xây dựng một khu vực Vịnh Bengal “Thịnh vượng, kiên cường và cởi mở”.

Hội nghị cũng thông qua Tầm nhìn Bangkok 2030, một lộ trình chiến lược nhằm định hướng hợp tác giữa các quốc gia thành viên, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như thương mại, an ninh, kết nối, và phát triển bền vững.

Lần đầu tiên sau Thế chiến II, Đức đưa quân ra nước ngoài đồn trú

Từ năm 2023, Đức đã cam kết triển khai quân đội thường trực tới Lithuania. (Nguồn: Euronews)

Từ năm 2023, Đức đã cam kết triển khai quân đội thường trực tới Lithuania. (Nguồn: Euronews)

Berlin bắt đầu triển khai một lữ đoàn thường trực tới Lithuania, đánh dấu lần đầu tiên binh lính Đức đồn trú ở nước ngoài kể từ Thế chiến II. Lữ đoàn này dự kiến đạt tới 5.000 quân vào cuối năm 2027. Quân đội Đức gọi đây là phản ứng trước “tình hình an ninh thay đổi ở châu Âu” và “hành động của Nga”.

Chuẩn tướng Christoph Huber, Lữ đoàn Thiết giáp số 45 của Đức phát biểu với hãng thông tấn DPA (Đức): “Chúng tôi có một sứ mệnh rõ ràng: bảo đảm sự bảo vệ, tự do và an ninh cho đồng minh Lithuania ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khi làm như vậy, chúng tôi cũng bảo vệ lãnh thổ NATO và chính nước Đức”.

Từ năm 2023, Đức cam kết triển khai quân đội thường trực tới Lithuania, phá vỡ chính sách quốc phòng kéo dài nhiều thập niên của Berlin không đồn trú lực lượng chiến đấu thường trực ở nước ngoài.

Hungary thông báo rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC)

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) tiếp người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu tại Budapest ngay 3/4. (Nguồn: Getty)

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) tiếp người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu tại Budapest ngay 3/4. (Nguồn: Getty)

Chính phủ Hungary thông báo khởi động quy trình rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) trong ngày 3/4, cùng lúc diễn ra chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Budapest. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Netanyahu kể từ khi ICC ban hành lệnh bắt giữ ông vào tháng 11/2024 liên quan đến xung đột và khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza.

Tại họp báo về chuyến thăm, Thủ tướng Hungary Viktor Orban chỉ trích ICC đã trở thành một "tòa án chính trị", quyết định của tòa án ban hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Israel "cho thấy rõ ràng" điều này. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu ca ngợi quyết định "táo bạo và có nguyên tắc" của Hungary khi rút khỏi tòa án. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên EU quyết định rút khỏi ICC, điều này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế.

Hiện tất cả 27 nước EU, bao gồm Hungary, đều là thành viên ICC. Theo quy chế, các thành viên có nghĩa vụ hợp tác toàn diện với ICC trong việc bắt giữ, truy tố và xét xử các tội phạm thuộc thẩm quyền của tòa. Israel không phải thành viên ICC.

Thuế quan của Mỹ phủ bóng Hội nghị Ngoại trưởng NATO 2025

Từ ngày 3-4/4, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ), trong khuôn khổ cuộc họp mùa Xuân thường kỳ, với trọng tâm thảo luận là mức thuế quan mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt. (Nguồn: AP)

Từ ngày 3-4/4, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ), trong khuôn khổ cuộc họp mùa Xuân thường kỳ, với trọng tâm thảo luận là mức thuế quan mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt. (Nguồn: AP)

Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide bày tỏ lo ngại mức thuế quan trên có thể mâu thuẫn với Hiến chương NATO. Cụ thể, Điều 2 của Hiến chương nhấn mạnh, các nước thành viên cần hợp tác để ngăn chặn xung đột về chính sách kinh tế. Ông cho rằng, các hành động làm suy yếu thương mại nội bộ NATO sẽ gây phương hại toàn bộ liên minh, đặt ra rào cản với mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio mang đến Hội nghị thông điệp trấn an các đồng minh, hứa hẹn Washington sẽ ở tại NATO, đồng thời đề nghị các nước cần tăng chi tiêu cho quốc phòng lên 5% GDP - con số chưa nước nào trong liên minh đạt tới.

Trong buổi họp báo kết thúc Hội nghị, Tổng thư ký NATO Mark Rutte khẳng định bất chấp những căng thẳng thương mại, liên minh sẽ duy trì đoàn kết và quan hệ xuyên Đại Tây Dương tiếp tục là nền tảng của an ninh châu Âu.

Brazil mở rộng thềm lục địa có diện tích tương đương lãnh thổ Đức

Ngày 3/4, Brazil hoan nghênh quyết định của Ủy ban LHQ về ranh giới thềm lục địa (CLCS) xác nhận việc mở rộng thềm lục địa của quốc gia Nam Mỹ trên Rìa Xích đạo. (Nguồn: getsready.com)

Ngày 3/4, Brazil hoan nghênh quyết định của Ủy ban LHQ về ranh giới thềm lục địa (CLCS) xác nhận việc mở rộng thềm lục địa của quốc gia Nam Mỹ trên Rìa Xích đạo. (Nguồn: getsready.com)

Với quyết định trên, Brazil được phép mở rộng quyền chủ quyền thêm 360.000 km² diện tích trên biển. Bộ Ngoại giao Brazil ra tuyên bố chung ca ngợi những nỗ lực của “Kế hoạch mở rộng thềm lục địa”, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc xác định ranh giới hàng hải của quốc gia Nam Mỹ.

Quyết định này không những giúp củng cố chủ quyền, mà còn cho phép Brazil tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. Theo tờ Noticias Amientales, phần mở rộng mới tương đương với lãnh thổ của Đức. “Sự công nhận này đại diện cho thành tựu địa chính trị và chiến lược quan trọng đối với đất nước”, Hải quân Brazil đưa ra tuyên bố trong một thông cáo báo chí.

Meta công bố “mô hình AI tiên tiến nhất”

Meta tuyên bố Llama 4 Scout và Llama 4 Maverick là "mô hình tiên tiến nhất" của hãng, "dẫn đầu phân khúc trí tuệ đa phương thức" và là phần mềm mã nguồn mở. (Nguồn: Getty)

Meta tuyên bố Llama 4 Scout và Llama 4 Maverick là "mô hình tiên tiến nhất" của hãng, "dẫn đầu phân khúc trí tuệ đa phương thức" và là phần mềm mã nguồn mở. (Nguồn: Getty)

Ngày 5/4, Meta phát hành phiên bản mới của mô hình ngôn ngữ lớn Llama với tên gọi Llama 4 Scout và Maverick. Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Llama 4 là hệ thống AI đa phương thức, tức có khả năng xử lý và tích hợp nhiều dữ liệu khác nhau như văn bản, video, hình ảnh, âm thanh và chuyển đổi nội dung giữa các định dạng này.

Meta tuyên bố Llama 4 Scout và Llama 4 Maverick là "mô hình tiên tiến nhất" của hãng, "dẫn đầu phân khúc trí tuệ đa phương thức" và là phần mềm mã nguồn mở.

Các công ty công nghệ lớn đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng AI sau thành công của Chat GPT - bước ngoặt thay đổi cục diện ngành công nghệ và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực học máy. Meta từng trì hoãn công bố Llama 4 do không đáp ứng được kỳ vọng của công ty về tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt trong tác vụ liên quan đến lập luận và toán học.

Công ty khi đó lo ngại Llama 4 không hiệu quả bằng các mô hình của OpenAI khi thực hiện các cuộc trò chuyện bằng giọng nói giống con người. Meta dự kiến chi 65 tỷ USD năm 2025 để mở rộng cơ sở hạ tầng AI.

Nguyễn Phượng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-kien-quoc-te-noi-bat-tuan-313-64-to-ng-thong-trump-ap-thue-toa-n-ca-u-ong-yoon-suk-yeol-bi-phe-truat-brazil-mo-rong-the-m-luc-dia-310201.html