Sự kiên trì và lòng chân thành tạo nên 'phép thuật Park Hang-seo'
Một chuỗi nhân duyên và cơ hội nối tiếp nhau đã tạo nên con người Park Hang-seo bây giờ. Dĩ nhiên những may mắn và cơ hội ấy không tự nhiên tìm tới.
Sau khi không góp mặt tại World Cup tổ chức ở Pháp năm 1998, tới năm 2002, Park Hang-seo lại được chọn vào ban huấn luyện đội tuyển quốc gia tham dự World Cup Hàn Quốc - Nhật Bản cũng nhờ ông đã từng có kinh nghiệm ở World Cup 1994. Việc này được quyết định trước cả khi Guus Hiddink trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Hàn Quốc.
Nếu trước kia Park Hang-seo chỉ là đàn em ít tuổi nhất trong ban huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 1994, thì trong trận giao hữu giữa đội tuyển Hàn Quốc và đội tuyển Nhật Bản diễn ra vào tháng 12 năm 2000, trận bóng mà Guus Hiddink cũng đến để quan sát, Park Hang-seo đã trực tiếp xây dựng chiến thuật và chỉ đạo huấn luyện.
Guus Hiddink đã tới cùng với huấn luyện viên Pim Verbeek và điều phối viên kỹ thuật Jan Roelfs. Sau đó, ban huấn luyện đội tuyển quốc gia tại kỳ World Cup 2002 đã hình thành đầy đủ với sự gia nhập của chuyên gia phân tích Afshin Ghotbi, huấn luyện viên thể lực Raymond Verheijen... Ngoài Park Hang-seo, trong thành phần ban huấn luyện khi ấy còn có hai người Hàn Quốc là huấn luyện viên Jung Hae Seong và huấn luyện viên thủ môn Kim Hyun Tae. […]
“Chính việc gặp gỡ Guus Hiddink vào năm 2002 đã cho tôi cơ hội phát triển và trở thành một nhà cầm quân thực thụ. Nhờ được làm việc với Hiddink nên tôi đã có thể vỡ vạc ra ‘À, hóa ra người lãnh đạo là phải thế này đây’, tôi nghĩ rằng đó là khoảng thời gian mà tôi thay đổi rất nhiều. Thời đó chưa có các loại chứng chỉ xếp hạng C, hạng B, hạng A, hạng P đối với huấn luyện viên bóng đá, cũng chưa hình thành hệ thống chính quy như bây giờ.
Để làm công tác huấn luyện thì việc học hỏi phụ thuộc hoàn toàn vào những gì tiếp thu được từ huấn luyện viên trưởng tại sân tập, không giống như chương trình đào tạo bài bản ngày nay. Việc đó cũng gần như là tự học vậy, cho đến khi tôi gặp Guus Hiddink và học được từ ông tính kiên nhẫn, bền bỉ không bỏ cuộc và tầm quan trọng của việc lập kế hoạch khi là một người dẫn dắt”.
Kiên trì nuôi dưỡng “độ bền” của bản thân
Một chuỗi những nhân duyên và cơ hội nối tiếp nhau đã tạo nên con người Park Hang-seo bây giờ. Dĩ nhiên những may mắn và cơ hội ấy không tự nhiên tìm tới. Mặc dù không phải ai cố gắng chăm chỉ và thành tâm cũng nắm bắt được cơ hội, nhưng để không bỏ lỡ cơ hội và biến cơ hội thành bệ phóng của riêng mình thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của mỗi người. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu thì thậm chí khi cơ hội tới, chúng ta vẫn sẽ để vuột mất.
Người Hàn Quốc có câu: “Học tập là việc của cái mông”, ý nói việc ngồi một chỗ học tập tuy chỉ sử dụng cái đầu mà không cần vận động cơ thể nhưng lại cần tới rất nhiều sự kiên trì, nhẫn nại. Khi được hỏi điều gì đã giúp ông giữ vững niềm tin, sự chân thành và nỗ lực của mình, Park Hang-seo cho biết đó là nhờ nền tảng thể lực và sức mạnh tinh thần mà ông đã tích lũy được trong quá trình rèn luyện để trở thành cầu thủ bóng đá.
Đức tính kiên trì, bền bỉ và nỗ lực là những thứ không phải cứ muốn là sẽ có được. Theo Park Hang-seo thì “độ bền” không chỉ là kết quả của việc tập luyện đều đặn, sinh hoạt trong trường tập thể và tinh thần thi đấu cùng các đồng đội, mà nó còn được sinh ra từ trong khó khăn, thử thách.
Có thể đây là một câu trả lời không mới, nhưng lại là bài học thực tế đúc kết kinh nghiệm của Park Hang-seo suốt từ thời niên thiếu cho tới khi trở thành một người làm thể thao chuyên nghiệp.
“Chắc chắn mỗi chúng ta đã từng có trải nghiệm sinh hoạt ở các tổ chức nhỏ. Trong tổ chức nào cũng có quy tắc trên dưới giữa tiền bối và hậu bối, và trong môn thể thao đặc thù như bóng đá cũng vậy. Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn, lại bắt đầu chơi bóng khá muộn, nhưng tôi nghĩ rằng mình đã khắc phục giai đoạn ấy khá tốt.
Chơi bóng trong một điều kiện kinh tế eo hẹp, rồi cả những khó khăn về mặt tinh thần, tôi nghĩ rằng mình biết cách để vượt qua những khó khăn ấy. Nhờ sinh hoạt trong cùng một tập thể đã lâu nên những thứ như quy tắc trên dưới, tràn sức mạnh đồng lòng... mà tôi từng trải qua đều có mối liên hệ với phương pháp để tạo nên một tập thể gắn kết”.
“Cầu thủ là những người được huấn luyện về mặt thể chất nhiều hơn hẳn so với những người khác vì họ phải chạy trong suốt 90 phút, thậm chí là 120 phút nếu diễn ra hiệp phụ. Nhưng khác với điền kinh, cầu thủ cần phải có sự gan lỳ và chút gì đó hiếu thắng để có thể đánh bại đối thủ trong các pha đụng độ.
Không rõ các môn thể thao khác thì như thế nào, nhưng tôi nghĩ rằng trải nghiệm từ bóng đá đã giúp tôi trui rèn được tinh thần nhanh nhạy, sẵn sàng đối đầu với thử thách và sự bền bỉ để có thể vượt qua mọi nghịch cảnh, đó là điều mà người khác (nếu chưa từng chơi thể thao) sẽ khó mà hiểu được”. […]
Tại sao tôi thiếu kiên trì? Tại sao tôi thiếu sức mạnh tinh thần?... Đây không phải là vấn đề đáng để chúng ta lo lắng và tự trách móc bản thân, việc cần làm là nâng cao thể lực và tăng cường sức khỏe. Sự kiên trì và lòng chân thành chính là năng lực.
Cần phải phát triển năng lực ấy mới có thể phát triển bản thân. Kiên trì nhìn về phía trước và nâng cao “độ bền” để tôi luyện bản thân trong lĩnh vực mà mình theo đuổi chính là cách chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
Năng lực ấy là điều mà Park Hang-seo đã có được một cách hoàn toàn tự nhiên trong quá trình trưởng thành và từ những kinh nghiệm mà ông đúc kết trong sự nghiệp huấn luyện của mình. Và chính sự bền bỉ ấy đã trở thành viên gạch nền tạo nên những điều kỳ diệu mà giờ đây chúng ta gọi là “phép thuật Park Hang-seo”.