Sự kỳ lạ của thị trường lao động

Trong khi đáng ra phải là lực lượng lao động chính sau đại dịch, tỷ lệ người trẻ ở độ tuổi 20 trên thực tế lại ít đến kỳ lạ, theo The Wall Street Journal.

Tỷ lệ lao động trên 15 tuổi đang có việc hoặc mong mỏi có một công việc đã giảm từ mức 63% năm 2019 xuống 61,7% năm 2021 và có phục hồi ở mức 62,2% vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở người từ 20-24 tuổi lại chưa có dấu hiệu phục hồi.

Điều này chứng minh sự thiếu hụt ngày càng lớn về nhân lực ở độ tuổi 20 trong vài năm trở lại đây.

Trong khi việc tỷ lệ này giảm ở lứa tuổi trên 55 có thể giải thích là do lựa chọn nghỉ hưu sớm hay vì khó để tìm công việc mới để phát triển, thì ở giới trẻ lại rất kỳ lạ. Đa số họ chỉ mới bắt đầu sự nghiệp.

 Mặc dù cơ hội việc làm còn nhiều, nhiều người trẻ vẫn quyết định chưa bước chân vào thị trường lao động. Ảnh: The Conversation.

Mặc dù cơ hội việc làm còn nhiều, nhiều người trẻ vẫn quyết định chưa bước chân vào thị trường lao động. Ảnh: The Conversation.

Chưa đi làm vì còn bận bù đắp 'thanh xuân'

Nền kinh tế phục hồi và dần mở cửa trở lại sau đại dịch. Nhu cầu về nhân công lớn khiến các nhà tuyển dụng phải cạnh tranh nhiều hơn để có được ứng viên cho mình. Tiền lương tăng cao, cơ hội việc làm dồi dào và nhiều công ty thậm chí còn hạ tiêu chuẩn để tuyển người.

Nhưng bất chấp những cơ hội đó, nhiều người ở tuổi 20 lại chọn đứng ngoài cuộc.

Các nhà kinh tế học cho biết trong cuộc suy thoái giai đoạn 2007-2009, sự suy giảm tỷ lệ lao động trẻ tuổi thường là do vướng bận việc học, phản ánh nhu cầu cao về chất lượng lao động. Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân của sự thiếu hụt lần này.

 Nhiều người muốn tiếp tục đi học để bù đắp những trải nghiệm bị gián đoạn do Covid-19. Ảnh: The Hechinger Report.

Nhiều người muốn tiếp tục đi học để bù đắp những trải nghiệm bị gián đoạn do Covid-19. Ảnh: The Hechinger Report.

Theo National Student Clearinghouse, một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục, số sinh viên đăng ký vào đại học đã giảm khoảng 1,5 triệu người so với trước đại dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ học lên cao học của độ tuổi từ 20 đến 24 lại cao hơn 8,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Andria Smythe, nhà kinh tế tại Đại học Howard, cho biết điều đó phần nào chỉ ra rằng việc thiếu hụt người làm ở độ tuổi 20 là vì họ đang phải hoàn thành các chứng chỉ tốt nghiệp. Nhiều người quyết định tiếp tục việc học do bị gián đoạn bởi đại dịch.

“Ngày nay, đối với đại đa số sinh viên, học đại học và lấy bằng giống như một trải nghiệm. Nếu nghĩ theo hướng này, họ đã bị lỡ mất trải nghiệm đó vì dịch bệnh và muốn tìm cách đạt được nó”, Ron Hetrick, nhà kinh tế tại công ty phân tích dữ liệu Lightcast, cho hay.

Ngồi không đợi việc

Không dừng lại ở đó, một số người khác trong độ tuổi này không đi học cũng chẳng đi làm.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tổ chức liên chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã ghi lại tỷ lệ người không có cả công việc và học hành, gọi tắt là NEET. Tỷ lệ này đối với người trong độ tuổi 20 đến 24 ở Mỹ đã tăng từ 14,7% năm 2020 lên 18,3% năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Theo Alejandra Grindal, nhà kinh tế quốc tế cấp cao tại Ned Davis Research, tỷ lệ này tăng có thể là vì một số người trong đã bỏ học trong những ngày đầu của đại dịch khi vẫn còn là học sinh trung học. Mà những người chưa học hết cấp 3 sẽ có khả năng thất nghiệp cao hơn.

 Nhiều người vẫn bình thản dù thất nghiệp và "thất học" cùng lúc. Ảnh: The Wall Street Journal.

Nhiều người vẫn bình thản dù thất nghiệp và "thất học" cùng lúc. Ảnh: The Wall Street Journal.

Năm 2021, cơ hội việc làm tăng vọt và đến nay vẫn đang ở mức cao. Số lượng nhân viên nghỉ việc cũng tăng, cho thấy nhiều người đặt niềm tin vào việc tìm kiếm một vị trí mới.

Nhu cầu lao động cao trong khi lực lượng lao động còn eo hẹp đã khiến nhiều người cảm thấy kiếm việc không quá khó khăn. Nhiều người chỉ đơn giản là ngồi chờ một công việc phù hợp xuất hiện.

Nicole Smith, nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Giáo dục và Lực lượng lao động của Đại học Georgetown (Mỹ), chia sẻ: “Họ có lẽ chỉ cần ngồi lựa chọn công việc nào phù hợp nhất, không nhất thiết phải lao vào thị trường lao động để kiếm tìm công việc nữa”.

Các trào lưu như ‘âm thầm nghỉ việc’ hay ‘làm công ăn lương’ cho thấy sự thay đổi tư duy của lực lượng lao động trẻ. Đây là những cụm từ phổ biến trong năm 2022, biểu đạt xu hướng chỉ làm việc đủ trong mức lương nhận được chứ không cố gắng hay làm nhiều hơn.

“Những cụm từ nổi lên gần đây đã nói lên cách nhìn của nhiều người lao động trẻ. Giới trẻ ngày nay trở nên kén chọn hơn trong công việc vì nghĩ rằng họ có quyền mặc cả”, Justine Hervé, nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Steven (Mỹ), đưa ra nhận xét.

Bình Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-ky-la-cua-thi-truong-lao-dong-post1375918.html