Sự lạc lõng của nhóm người trì hoãn tiêm vaccine ở Singapore

Các quy định mới Singapore áp dụng để mở cửa an toàn trở lại đặt nhóm chưa tiêm vaccine vào thế phải lựa chọn: đi tiêm hoặc chịu chấp nhận những hạn chế trong đời sống hàng ngày.

Cuối tháng 8, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ở Singapore tăng vọt, đạt mức 78% dân số hoàn thành mũi tiêm thứ hai. Hai tuần trước đó, tính đến ngày 8/8, tỷ lệ mới dừng ở mức 70%, theo South China Morning Post.

Lý do đằng sau là chính phủ nước này đặt ra những biện pháp phân biệt rõ ràng giữa người đã tiêm và chưa tiêm, khiến số người tự động đi phòng ngừa nhanh chóng đông lên.

Tính đến 13/9 9, 81% trong dân số 5,9 triệu người của Singapore đã tiêm cả hai liều vaccine Covid-19 Pfizer hoặc Moderna.

 Các nhà hàng ở đảo quốc sư tử áp dụng quy định chỉ phục vụ tại chỗ những khách đã tiêm vaccine. Ảnh: StraitsTimes.

Các nhà hàng ở đảo quốc sư tử áp dụng quy định chỉ phục vụ tại chỗ những khách đã tiêm vaccine. Ảnh: StraitsTimes.

Trì hoãn, miễn cưỡng tiêm vaccine

Với những người đã tiêm đủ, họ có thể ăn uống tại chỗ tại các nhà hàng từ ngày 10/8. Trung tâm thương mại và rạp chiếu phim được đón thêm khách đã tiêm chủng, không cần đo thân nhiệt ở cửa ra vào.

Một tuần sau, các quy tắc nghiêm ngặt khi làm việc tại nhà được nới lỏng, cho phép khoảng 50% nhân viên trở lại văn phòng, với điều kiện đã hoàn thành việc tiêm ngừa.

Còn với những ai chưa tiêm, họ cảm thấy bản thân như đang bị cô lập. Họ bị cấm đến phòng gym khép kín hoặc các lớp thể dục trong nhà không đeo khẩu trang và được khuyến cáo chỉ nên tụ tập ở quy mô 2 người.

Bà mẹ hai con tên Ong (38 tuổi) từng trì hoãn việc tiêm vaccine càng lâu càng tốt. Cô chưa đủ tin tưởng những loại vaccine mới nghiên cứu chưa lâu và lo ngại các phản ứng phụ có thể xảy ra. Trong đó, người phụ nữ lo lắng nhất về tình trạng viêm cơ tim - một tác dụng phụ rất hiếm gặp.

Khi Singapore công bố những hạn chế đối với đối tượng chưa tiêm chủng, Ong cảm thấy áp lực.

 Các quy định mới Singapore áp dụng để mở cửa an toàn trở lại đặt nhóm chưa tiêm vaccine vào thế phải lựa chọn: đi tiêm hoặc chịu chấp nhận hạn chế. Ảnh: Reuters.

Các quy định mới Singapore áp dụng để mở cửa an toàn trở lại đặt nhóm chưa tiêm vaccine vào thế phải lựa chọn: đi tiêm hoặc chịu chấp nhận hạn chế. Ảnh: Reuters.

"Tôi thấy mình như một kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Vì vậy, tôi miễn cưỡng tiêm vaccine để có thể hưởng cảm giác tự do", cô nói.

Sau mũi tiêm vaccine Pfizer đầu tiên, cô mệt mỏi, đau đầu và buồn nôn trong 2 ngày. Trong lúc chờ đợi được chứng nhận tiêm chủng đầy đủ, chỉ có hiệu lực sau 2 tuần tiêm mũi thứ hai, Ong vẫn phải ăn ở nhà và tránh tụ tập bạn bè theo nhóm như trước.

Thực tế, những người chưa tiêm vẫn có thể sử dụng các dịch vụ, tiện ích như người đã tiêm, song phải chấp nhận tốn kém. Để dùng bữa trong nhà hàng, họ cần đưa ra kết quả âm tính với Covid-19 từ phòng khám y tế đã được chính phủ phê duyệt.

Chi phí cho một lần xét nghiệm dao động 30-65 SGD (22,5-48,5 USD).

Gần 40 tuổi và hiện nuôi con bằng sữa mẹ, người phụ nữ tên Tan chưa tiêm chủng. Lý do chính khiến cô quyết định không đi tiêm là vì chưa có kiến thức đầy đủ về tác dụng phụ của vaccine Pfizer hoặc Moderna đối với trẻ em.

“Chưa có nghiên cứu dài hạn nào về tác động của công nghệ điều chế hai loại vaccine này đối với cơ thể con người. Do đó, tôi vẫn lựa chọn để hệ thống miễn dịch của mình làm chức năng của nó", Tan giải thích.

 Những người chưa tiêm vaccine muốn thoải mái sử dụng một số dịch vụ như trước phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Ảnh: Stomp.

Những người chưa tiêm vaccine muốn thoải mái sử dụng một số dịch vụ như trước phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Ảnh: Stomp.

Người mẹ cho biết để tăng cường sức đề kháng, cô uống thực phẩm chức năng hàng ngày, tuân theo chế độ ăn kiêng thuần chay hoàn toàn, kết hợp tập thể dục thường xuyên.

Là một người tin tưởng mạnh mẽ vào quyền tự do cá nhân, Tan tin rằng những người chưa được tiêm chủng đang bị phân biệt đối xử ở Singapore. Tuy nhiên, cô chịu sống chung với các hạn chế mới.

"Nếu mọi người muốn đánh giá tôi, đó là chuyện của họ", cô nói.

"Người chưa tiêm vaccine đang tự làm tổn thương họ"

Sau 1 năm rưỡi đóng cửa, khẩu trang thành vật bất li thân và hạn chế các hoạt động cộng đồng, nhiều người dân Singapore tự nguyện đi tiêm phòng để giúp đất nước của họ sớm an toàn trở lại.

Nhưng khi số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng trở lại, chính phủ lần nữa kêu gọi người dân cắt bỏ các hoạt động không thiết yếu. Với Ong, cô ít nhiều thất vọng trước những thông báo gần đây.

"Ngay cả khi 80% dân số được tiêm chủng, chính phủ vẫn đưa ra các quy định xét nghiệm mới, liên tục thay đổi và rất khó hiểu", cô bức xúc.

 Dòng chữ "Chỉ phục vụ người đã tiêm vaccine" treo trước biển một quán bar ở Singapore. Ảnh: Reuters.

Dòng chữ "Chỉ phục vụ người đã tiêm vaccine" treo trước biển một quán bar ở Singapore. Ảnh: Reuters.

Ong muốn Singapore quay về cuộc sống bình thường như trước nhưng vẫn muốn mọi người đeo khẩu trang ngoài đường hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng.

"Chúng ta cần chấp nhận thực tế rằng hầu hết mọi người sẽ mắc Covid-19 nhưng sẽ phục hồi", Ong bày tỏ.

Còn đối với HLV dạy khiêu vũ Lim (42 tuổi), cô đã tiêm đủ 2 mũi và tin rằng việc tự nguyện đi tiêm chích ngừa là hành động phục vụ lợi ích cộng đồng.

“Tất cả đều khao khát kết nối. Nếu tiêm vaccine có thể giúp xây dựng lại các kết nối, giúp doanh nghiệp và thị trường du lịch mở cửa trở lại, tôi rất vui khi làm điều đó", cô nói.

Lim nhận thấy có sự chia rẽ giữa người đã tiêm và chưa tiêm trên mạng xã hội. Cô cho rằng thông tin sai lệch đang gây ảnh hưởng xấu đến nhiều người.

"Những người chống vaccine đang tự khiến họ chịu nhiều tổn thương tinh thần hơn khi bày tỏ quá nhiều sự giận dữ trên mạng xã hội", cô nói.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-lac-long-cua-nhom-nguoi-tri-hoan-tiem-vaccine-o-singapore-post1263802.html