Sứ mệnh của chiến sĩ áo trắng trong mùa dịch

Vừa hạ cánh, tôi và cả đoàn được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay. Mọi người đều thể hiện nghị lực và sự đóng góp của mình trong mùa dịch.

Có lẽ chúng tôi là một trong những hành khách mở hàng cho bộ xét nghiệm Covid-19 “made in Viet Nam” do Học viện Quân y phối hợp Công ty cổ phần Việt Á sản xuất. […] Họ là những quân nhân, nhà nghiên cứu khoa học tâm huyết, có trình độ. Cả nhóm làm việc cật lực từ Tết.

Đa số thành viên trong nhóm tốt nghiệp từ Học viện Quân y. Với thời gian hạn hẹp, trong vòng chỉ hơn một tháng, họ đã hoàn thành một đề tài nghiên cứu khoa học để đời.

Lần đầu tiên, Việt Nam có bộ xét nghiệm do mình sản xuất với số lượng lớn, có chất lượng tốt tương đương với các bộ xét nghiệm được sử dụng trên thế giới.

Nhờ trí thông minh và kinh nghiệm dày dặn qua bao cơn hoạn nạn dịch bệnh của một nước nhiệt đới, nhóm các bác sĩ quân y nghiên cứu đã tận dụng được lợi thế để tối ưu hóa hiệu quả của bộ xét nghiệm về chất lượng và thời gian.

Với bộ xét nghiệm của CDC Mỹ cung cấp trước đó thì cần phải làm 4 phản ứng, tối đa một lần chỉ chạy được 24 mẫu. Nhóm nghiên cứu trong nước đã tối ưu hóa chỉ còn một phản ứng, công suất cao gấp bốn lần, một lần chạy được 96 mẫu trong một tiếng.

Tính ưu việt về kỹ thuật được tích hợp từ các thử nghiệm, tránh được các thao tác không chính xác, thời gian bộ xét nghiệm cho kết quả được rút ngắn lại, đồng nghĩa với việc giá thành hạ.

Đúng là “trong cái khó ló cái khôn”, người Việt Nam là thế, tuy bé về dáng vóc nhưng không bé về trí tuệ. […].

Đã xác định ngay từ đầu, khi về sẽ phải đi cách ly, phải chờ đợi lâu ở sân bay, tôi chẳng thấy khó chịu. Cổ khát khô, nhưng tự an ủi, ôi giời, chịu đựng một tí có là bao, xem những nhân viên phục vụ mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít thế kia mà lại phải làm việc cả ngày thì khó khăn, vất vả thế nào? Mà ngày nào cũng như ngày nào, phải làm việc như thế, họ vẫn vui vẻ, mình có vài tiếng đồng hồ ngồi chờ, khát nước hay đói một tí có sao?

Họ không những phải chịu đựng những sự bất tiện trong sinh hoạt mà còn cận kề với lây nhiễm. Họ là những người đầu tiên tiếp xúc với mầm bệnh, vì ai biết được trong hành khách ai là người đã mang trong mình virus?

Trong lúc ngồi chờ, tôi nghe được các nhân viên lấy xét nghiệm đều là sinh viên trường Y. Họ tình nguyện làm công việc này khi được huy động.

 Nhiều sinh viên tình nguyện trường Y lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay cho hành khách vừa nhập cảnh. Ảnh: Chí Hùng.

Nhiều sinh viên tình nguyện trường Y lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay cho hành khách vừa nhập cảnh. Ảnh: Chí Hùng.

“Chống dịch như chống giặc”, ai ai đều muốn thể hiện nghị lực và sự đóng góp của mình.

Tôi chăm chú theo dõi từng đôi tay thoăn thoắt của các em. Những chiến sĩ áo trắng ơi, chỉ ngần đó cử chỉ cũng đã làm mát lòng chúng tôi lắm rồi. Chúng tôi cảm nhận được tấm lòng “lương y như từ mẫu” của các em và của đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm chống chọi với con virus đang làm điên đảo cả thế giới, để bảo vệ và cứu từng mạng người.

Khi khoác trên mình tấm áo choàng trắng, họ đã khắc sâu trong tâm khảm lời thề Hippocrates. Từng câu, từng chữ của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác như là kim chỉ nam cho những người bước vào ngành Y ở đất nước hình chữ S này.

Họ đã xác định sứ mệnh cao cả của mình là người bảo vệ, giành giật mạng sống cho con người cho nên kiến thức phải đầy đủ, đức hạnh phải trọn vẹn, tâm hồn phải rộng lớn, tính cách phải thận trọng.

Trên mặt trận không dùng súng ống, bằng kiến thức, lòng đôn hậu, sự hy sinh, chịu đựng, lòng dũng cảm, tình yêu thương nhân loại, sự cảm thông, tận tụy, chia sẻ, họ vượt lên mọi khó khăn, nguy hiểm, quyết chiến thắng kẻ thù là con virus này.

Cuộc chiến đã bắt họ phải đối mặt với hiểm họa, với lây nhiễm và có thể còn bị cướp đi cả tính mạng. Màu trắng thanh cao, tinh khiết, trong sáng là biểu tượng thánh thiện của ngành Y, các y, bác sĩ đã đặt lương tri chữa bệnh, cứu người là trên hết.

TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-menh-cua-chien-si-ao-trang-trong-mua-dich-post1249653.html