Phẫn nộ nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc lan truyền hình bản đồ lãnh thổ Việt Nam không chính xác

Trong thời gian qua, một số thương hiệu ô tô, xe máy điện từ Trung Quốc đã lan truyền những tấm bản đồ khuyết thiếu địa phận lãnh thổ Việt Nam.

Ngang nhiên truyền bá các tấm bản đồ Việt Nam không chính xác

Chiều 28/8, trang fanpage của hãng xe MG Việt Nam do doanh nghiệp Trung Quốc SAIC sở hữu đã đăng tải video giới thiệu sản phẩm, đồng thời cung cấp bản đồ Việt Nam để giới thiệu hệ thống đại lý phân phối trên toàn quốc.

Tuy nhiên, đoạn video này nhanh chóng gây phẫn nộ cộng đồng mạng khi hiển thị bản đồ Việt Nam thiếu tỉnh Hà Giang.

Bản đồ Việt Nam thiếu tỉnh Hà Giang do hãng xe MG từng đăng tải. Ảnh: MG

Bản đồ Việt Nam thiếu tỉnh Hà Giang do hãng xe MG từng đăng tải. Ảnh: MG

Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp đầu tiên một hãng xe có nguồn gốc từ Trung Quốc lan tỏa những tấm bản đồ thiếu sót vùng lãnh thổ tại Việt Nam. Vào tháng 6 năm nay, một hãng xe điện tự xưng là ''Số 1 thế giới, có tên BYD đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp khi chào sân thị trường Việt nhưng bản đồ dẫn đường trên xe không ghi đúng vị trí biển Đông và không hiển thị hai Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau khi một số người dùng đăng tải hình ảnh thiếu sót hai địa điểm kể trên, một số tài khoản đã thể hiện sự phẫn nộ. Theo thu thập từ diễn đàn ô tô Otofun, người dùng có tên Phan Bá Tân bình luận: "Đi xe mà bản đồ mất chủ quyền thì nó nhục lắm". Bên cạnh đó, một trong những người phát hiện ra tấm bản đồ thiếu chính xác có tên Hưng Trần tuyên bố: "Xe nào hợp nhu cầu thì mua, nhưng nếu không tôn trọng chủ quyền bản đồ thì mình cũng đá luôn ra chuồng gà, dù là xe Đức, Hàn hay Nhật''.

Không chỉ những đơn vị đang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc mắc sai lầm, một hãng xe máy điện từ quốc gia đang có tới 2 nhà máy tại tỉnh Bắc Giang cũng từng gây phẫn nộ khi hiển thị thông tin sai lệch về bản đồ Việt Nam.

Cụ thể, vào tháng 5, nhiều khách hàng đã phản ánh việc không thể tìm kiếm địa chỉ các cửa hàng chính hãng của Yadea Việt Nam tại trang chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu sâu hơn, người dùng ở nước ngoài vẫn có thể xem được bản đồ hiển thị vị trí các cửa hàng tại trang web của Yadea Việt Nam. Đặc biệt, hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa được hiển thị bằng tiếng Trung Quốc với phiên âm Tây Sa và Nam Sa. Đây là hai tên gọi mà người Trung Quốc sử dụng cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Sai nghiêm trọng về chủ quyền lãnh thổ nhưng chỉ là… sơ suất

Ngay khi ghi nhận được thông tin phản hồi từ các cơ quan truyền thông về việc thiếu tỉnh Hà Giang, hãng xe MG cho biết đã lập tức rà soát và nhận thấy đã để xảy ra thiếu sót nói trên trong một video giới thiệu hệ thống đại lý của MG Việt Nam.

''Đây là lỗi được đánh giá là nghiêm trọng và chúng tôi thừa nhận đã sơ suất khi phối hợp với đối tác cung cấp video và để hiển thị hình ảnh bản đồ chưa phù hợp'', hãng xe MG thông báo.

MG Việt Nam gửi lời xin lỗi chân thành tới khách hàng và công chúng, đồng thời cam kết sẽ "không lặp lại những sai sót tương tự trong thời gian tới".

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có tên gọi theo tiếng Trung Quốc do bản đồ của Yadea từng cung cấp. Ảnh: Yadea

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có tên gọi theo tiếng Trung Quốc do bản đồ của Yadea từng cung cấp. Ảnh: Yadea

Tuy MG mới phạm sai lầm lần đầu nhưng chắc chắn đã thể hiện sự thờ ơ đối với chủ quyền lãnh thổ Việt Nam khi trước đó, Yadea, BYD cũng có những sai sót tương tự.

Ở trường hợp của Yadea, doanh nghiệp cũng chia sẻ thông tin với báo chí rằng đã vô cùng sơ suất trong việc phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ xây dựng website và đối tác cung cấp bản đồ, để xảy ra sự việc không như mong muốn.

Đáng chú ý, cho đến nay, hãng ô tô điện BYD vẫn chưa lên tiếng về sai sót bản đồ. Một số chuyên gia đánh giá xe cho biết hãng này thậm chí còn xóa cả bản đồ dẫn đường tại thị trường Việt Nam trên một số mẫu xe.

Bản đồ dẫn đường trên xe điện BYD không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Trần Bình

Bản đồ dẫn đường trên xe điện BYD không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Trần Bình

Trên thực tế, Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong nước khi xây dựng một thị trường bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam cần phải lưu tâm, chú ý để tôn trọng ranh giới của ''Sông núi nước Nam''.

Từ thời Vua Hùng dựng nước, cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ''Tuyên ngôn Độc lập'' khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào ngày 2/9/1945, xuyên suốt chiều dài lịch sử qua, người dân Việt Nam đều cảm thấy từng tấc đất chúng ta có được đều rất thiêng liêng, là sự hy sinh của thế hệ cha ông. Do đó, nếu chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm dưới bất cứ hình thức nào, người tiêu dùng Việt Nam cũng khó có thể chấp nhận.

Đặc biệt, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt thành quả quan trọng trong thời gian qua, đặc biệt là việc Lãnh đạo cấp cao hai bên đã nhất trí xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Vì vậy, việc các doanh nghiệp như MG, BYD, Yadea để xảy ra những sơ xuất về chủ quyền, bản đồ sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu lầm, thậm chí là cớ để các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu sai trái, đi ngược với thực tế hiện nay.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-no-nhieu-doanh-nghiep-tu-trung-quoc-lan-truyen-hinh-ban-do-lanh-tho-viet-nam-khong-chinh-xac-342842.html