Sứ mệnh của Indonesia trong khủng hoảng lương thực toàn cầu
Lạm phát gia tăng và áp lực từ khủng hoảng lương thực là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm Nga, Ukraine của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã xúc tiến cho thỏa thuận mở tuyến đường biển cho xuất khẩu lúa mì tại Ukraine. Khi thông tin này được hé lộ, nhiều người Indonesia đã nghĩ ngay đến “Indomie”.
Trên mạng xã hội Twitter, có người đã đặt tên cho chuyến thăm của Tổng thống Widodo cùng Đệ nhất phu nhân Irina đến Kiev và Moscow là “sứ mệnh Indomie” hay cho đó là “những điều người Indonesia sẵn sàng làm vì mì Indomie”.
Cầu nối giữa hai nguồn cung lương thực lớn
Là một hãng mì ăn liền sản xuất bởi tập đoàn Salim Group, Indomie đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người Indonesia. Mì Indomie có hương vị đặc trưng với ưu điểm là giá thành vô cùng hợp túi tiền có thể dễ dàng được tìm thấy tại các sạp ăn vỉa hè cho đến các siêu thị nước ngoài.
Tuy nhiên, món ăn bình dân này gần đây đã tăng giá từ khoảng 4.700 VND/ gói lên 5.500 VND/ gói, cho thấy dấu hiệu rõ rệt của tình trạng lạm phát đang gia tăng tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trước xung đột Nga-Ukraine, Indonesia là quốc gia đứng thứ 2 về nhập khẩu lúa mì từ Ukraine, nguyên liệu thiết yếu để sản xuất sợi mì Indomie.
Đồng thời, xung đột giữa hai quốc gia xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất đã tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp sản xuất dầu thực vật toàn cầu. Giá dầu cọ tại Indonesia không ngừng tăng, gây ra cuộc khủng hoảng dầu ăn tại đất nước sản xuất dầu cọ hàng đầu này.
Cùng với đó, người dân đang không ngừng phàn nàn về việc giá phân bón tăng cao trong khi Nga là nhà cung cấp số một. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát giá lương thực.
Được biết, chỉ số giá tiêu dùng của Indonesia đã tăng 4,35% trong tháng 6, mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái.
Giữa tình hình phức tạp này, Tổng thống Indonesia, đồng thời là quốc gia Chủ tịch G20 năm nay, đã trở thành vị lãnh đạo đầu tiên đến từ các quốc gia châu Á thực hiện chuyến thăm đến Kiev và Moscow kể từ khi xung đột xảy ra.
Ông Widodo cho biết đã thảo luận về vấn đề nhân đạo và tình hình khủng hoảng lương thực toàn cầu với hai vị Tổng thống, ông Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky. Tổng thống Widodo cũng bày tỏ ý định muốn trở thành “cầu nối” giữa hai vị lãnh đạo của hai quốc gia.
Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế tại Jakarta Andrew Mantong cho biết: “Mục tiêu hàng đầu của Indonesia là giúp xung đột tại Ukraine kết thúc. Nếu không thể đạt được điều đó, mục tiêu tối thiểu là tìm cách để đem nguồn cung cấp lương thực và phân bón của Nga và Ukraine quay trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Ông Mantong cho rằng mục tiêu nói trên là một phần chính sách ngoại giao kinh tế cốt lõi của Tổng thống Widodo.
Theo vị chuyên gia này, ông Widodo theo chính sách đối ngoại ít thay đổi, không "mạo hiểm" trong suốt nhiệm kỳ 8 năm của mình. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên căng thẳng hơn rất nhiều khi Indonesia ngồi lên chiếc ghế Chủ tịch G20 và các nhà lãnh đạo phương Tây đang gây áp lực với hội nghị nếu có sự tham gia của Nga.
Tổng thống Widodo đã gửi lời mời tham dự Hội nghị G20 tại Bali đến cả Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky. Điều này cùng với chuyến thăm gần đây của ông đã phản ánh chính sách đối ngoại độc lập và tích cực lâu nay của Indonesia.
Kết quả tích cực
Mặt khác, các nhà phân tích địa phương tin rằng nước đi này của ông Widodo là để bảo vệ di sản của mình. Chỉ còn 2 năm trước khi nhiệm kỳ Tổng thống Indonesia của ông kết thúc, những dự định to lớn của ông với đất nước, bao gồm việc di dời thủ đô từ Jakarta đến Nusantara thuộc đảo Borneo và các kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng, vẫn đang bị gián đoạn bởi đại dịch và mối đe dọa từ nạn lạm phát gia tăng.
Ông Burhanuddin Muhtadi, Giám đốc của công ty thăm dò Indikator Politik Indonesia, nhận định: “Ông ấy muốn để lại một thành tựu tốt hơn trước thời điểm năm 2024, để có thể kết thúc tốt đẹp ở cuối nhiệm kỳ Tổng thống. Đồng thời, ông ấy cũng luôn lo lắng chương trình nghị sự của mình vào 2 năm tới có thể bị gián đoạn bởi lạm phát”.
Bên cạnh đó, ông Muhtadi cũng chỉ ra rằng Tổng thống Widodo có thể sẽ mất đi uy tín không chỉ ở trong nước mà còn ở quốc tế, nếu lãnh đạo các quốc gia phương Tây tiếp tục kêu gọi tẩy chay và khiến Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11 này tại Bali thất bại. Do đó, nhà lãnh đạo Indonesia đã đích thân gặp mặt để gửi lời mời tới Tổng thống Zelensky sau cuộc điện đàm vào tháng 4.
Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky dường như không mấy ấn tượng với chuyến thăm của ông Widodo khi ông không hề đề cập đến điều này trên tài khoản Twitter của mình. Trong khi đó, ông vẫn liên tục đăng các bài viết bày tỏ sự đánh giá cao đối với lãnh đạo các nước phương Tây, những người đã cam kết hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.
Về phần mình, ông Widodo cho biết Tổng thống Zelensky đã hỏi mua vũ khí từ Indonesia sau cuộc điện đàm vào tháng 4. Tuy nhiên, ông Widodo đã nói với lãnh đạo Ukraine rằng Hiến pháp Indonesia cấm cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia khác. Thay vào đó, ông tuyên bố sẽ viện trợ y tế và cam kết giúp Ukraine xây dựng lại các bệnh viện bị thiệt hại do xung đột.
Về phía Nga, theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Putin đã bày tỏ thái độ tích cực với cuộc hội đàm lần này. Ông gọi Indonesia là một “quốc gia thân thiện” mà Nga sẵn sàng ưu tiên vận chuyển phân bón. Tổng thống Putin thậm chí còn đề nghị đầu tư vào đường sắt Nga tại Nusantara.
Ông Wasisto Jati, chuyên gia truyền thông chính trị của Cơ quan nghiên cứu và đổi mới quốc gia Indonesia, cho rằng việc nhiều người Indonesia công khai ủng hộ Nga có thể là lý do Tổng thống Widodo đã ghé thăm cả Moscow chứ không chỉ Kiev.
Họ đổ lỗi cho ông Zelensky và so sánh sự ủng hộ trung thành của các nước phương Tây dành cho Ukraine với thái độ thờ ơ của các nước này về xung đột Israel-Palestine. (Indonesia là quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới và từ lâu đã kêu gọi nền độc lập cho Palestine).
Tuy nhiên, ông Widodo dường như muốn cân bằng lại điều đó bằng cách đến thăm Kiev trước cùng với phu nhân Irina.
Được biết, bà Irina là đệ nhất phu nhân nước ngoài đầu tiên đến thăm Ukraine trong xung đột. Hình ảnh của bà xuất hiện hầu hết trong các bức ảnh được Tổng thống đăng tải trong chuyến đi, bao gồm bức ảnh bà ôm một người dân Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột khi đến Kiev.
Ông Jati cho biết có thể Tổng thống Widodo đang hy vọng gửi gắm “một thông điệp nhân đạo mạnh mẽ” đến công chúng khi đi cùng phu nhân. Ông cho rằng: “Những cử chỉ của bà Irina có thể phá vỡ các rào cản ngoại giao nếu thông điệp được truyền thông mạnh mẽ”.