Sứ mệnh của người thầy thời số hóa
Thực hiện chương trình mới không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định. Nhưng với vai trò cốt lõi trong sự thành công của đổi mới chương trình, các nhà giáo đã nỗ lực để bắt nhịp.
Nỗ lực bắt nhịp đổi mới
Theo cô Đỗ Ánh Tuyết, giáo viên tiểu học tại Quận 5 (TPHCM), thời gian đầu triển khai dạy học theo chương trình mới cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Ví dụ trong môn Tiếng Việt, có nhiều bài chứa 3 âm cần giảng dạy trong 1 tiết, khiến giáo viên khó sắp xếp được thời gian khi giảng dạy. Từ tuần 5 trở đi, số lượng chữ trong câu ứng dụng khá dài làm cho học sinh khó khăn trong việc ghi nhớ đọc lại. Một số từ còn mang tính trừu tượng cao, khiến giáo viên khó diễn giải.
“Điều này đòi hỏi giáo viên phải chủ động, nỗ lực tìm hiểu, tham khảo các đồng nghiệp và đổi mới trong dạy học, đánh giá học sinh. Nếu… chỉ “đứng yên” sẽ thụt lùi và khó đáp ứng đổi mới”, cô Ánh Tuyết nói.
Tuy nhiên, tổ chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường đã sâu sát và cùng “gỡ khó”. Bản thân giáo viên cũng phải tìm hiểu thêm các tài liệu, tham gia hội nhóm dạy học lớp 1 để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học cũng được tận dụng tối đa giúp học sinh tiếp thu bài, đăng nhập vào trang web của bộ sách để tải hình ảnh về sử dụng. Với những từ ngữ khó diễn tả, có thể dùng vật thật, hình ảnh để minh họa cho trẻ. Ví dụ như như cây mía, quả sung, rau cải… hoàn toàn có thể đưa vào lớp học để dạy học sinh, giúp các em dễ hiểu. Tiết học về đồ dùng trong nhà, có thể mang tới các vật dụng gọn nhẹ, quen thuộc để hướng dẫn các em gọi tên, cách sử dụng… Đặc biệt, phải linh hoạt, không rập khuôn, gò bó mà mỗi tiết dạy đều có thể có nhiều hoạt động khác nhau.
Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh (TPHCM) cho hay: Để bắt kịp xu thế đổi mới luôn thôi thúc giáo viên chủ động trong tự học, tìm kiếm tài liệu, nâng cao chuyên môn. Theo thầy Sơn, nhiều năm trước, bản thân thầy cũng chưa có kỹ năng về ứng dụng CNTT, làm clip, mã hóa bài dạy để thành mã code, dạy học trực tuyến…
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của chương trình, nhu cầu của HS, thầy đã chủ động tìm tòi, đăng kí qua các lớp ngắn hạn trực tuyến, trực tiếp để học. Thậm chí còn theo học văn bằng 2 sư phạm Tin học. Sau này, thầy là một trong những giáo viên tiểu học đi đầu trong ứng dụng CNTT và là “cha đẻ” của phần mềm dạy học Lịch sử lớp 4 trực tuyến.
“Sự nhiệt huyết với nghề là động lực để tôi vượt qua những rào cản của bản thân, tích cực đổi mới ứng dụng CNTT trong dạy học. Việc đổi mới trong dạy học giúp tiết học thoải mái, hiệu quả hơn, thầy trò cũng cảm thấy hạnh phúc… Đó là sứ mệnh mà cũng là vai trò của người thầy - nhà giáo dục. Tôi cứ nghĩ, mình là một người thầy, nếu không tiên phong, vậy ai sẽ là người “gánh vác” giúp”, thầy Sơn nói.
Thầy Sơn cũng cho rằng, trước những đổi mới của nền giáo dục để tiệm cận với thế giới, nếu giáo viên không thay đổi, những câu như “đổi mới sáng tạo dạy học, tích cực ứng dụng CNTT, giáo viên thời đại 4.0… ” sẽ trở nên sáo rỗng, chỉ mang tính hô hào. “Chương trình dù có hay, có tốt đến bao nhiêu, nhưng nhà giáo “đứng im” chắc chắn sẽ rất khó thành công”.
Tình yêu là động lực
ThS Cao Cang (Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục miền Nam) cho rằng: Sư phạm - “nghề của mọi nghề”, được xã hội tôn vinh, quan tâm, hơn nữa “sản phẩm” của họ vô cùng đặc biệt là học trò, là con người… Chính vì vậy, tự bản thân mỗi nhà giáo, khi đã lựa chọn nghề “gõ đầu trẻ”, với tình yêu nghề luôn nỗ lực để vượt qua những khó khăn, tự biến khó khăn, rào cản thành động lực của đổi mới, để khẳng định vị thế của mình.
Tuy nhiên, theo ThS Cao Cang, để đồng hành cùng với GV, phát huy được động lực tự bên trong của họ rất cần sự quan tâm, sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự chia sẻ của phụ huynh, toàn xã hội. Đó là đầu tư về cơ sở vật chất, chăm lo, hỗ trợ, động viên về mặt tinh thần, vật chất và quan tâm trong mọi chính sách để nhà giáo có thể dành trọn đam mê với nghề…
Đồng quan điểm này, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Với mỗi nhà giáo, khi đã lựa chọn theo nghề, họ đều có những đam mê, nhiệt huyết và hiểu được nghề “gõ đầu trẻ” sẽ như thế nào, cần gì và làm gì. Chình vì vậy, dù ở trong hoàn cảnh nào họ cũng đều tâm huyết, tận tụy với học trò và sẵn sàng tâm thế để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Người ta gọi là “trong cái khó, ló cái khôn”, chính những khó khăn ấy trở thành động lực để họ khẳng định mình.
Theo nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, thập niên 80 thế kỷ trước, khi ông còn tham gia giảng dạy, sau đó làm công tác quản lý ở huyện Hóc Môn, việc dạy, học ở ngoại thành còn nhiều khó khăn, nhưng thầy trò vẫn hồ hởi, thi đua dạy - học tốt. Nói như thế để thấy rằng, khi đã lựa chọn nghề giáo, dấn thân vào nghiệp “trồng người”, kỹ năng sư phạm, tình yêu nghề sẽ là động lực để họ vượt qua. Song song với nỗ lực của GV, để tạo động lực cho thầy cô trong công cuộc đổi mới cần phải có cơ chế đặc biệt cho nhà giáo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, sự đồng hành của các nhà quản lý, của phụ huynh và xã hội.
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, để đổi mới không tránh khỏi những khó khăn. Tuy nhiên, khi xác định được khó khăn do đâu, qua thời gian, đội ngũ GV giảng lớp 1 đã bắt kịp được đổi mới. Các thầy cô đã tự tin, linh hoạt và chủ động trong việc thay đổi phương pháp dạy học để hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực của HS. Có được sự bắt nhịp nhanh chóng này cũng phải kể đến việc ngành GD-ĐT đã cầu thị, lắng nghe và có những điều chỉnh kịp thời để tạo thuận lợi nhất cho GV thực hiện.
Động lực để họ vượt qua những rào cản, chủ động đổi mới, sáng tạo chính là sự trân quý, tình yêu, đam mê với nghề, trách nhiệm với học trò, nền GD nước nhà, xã hội. - ThS Cao Cang
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/su-menh-cua-nguoi-thay-thoi-so-hoa-cQPFnkaMg.html