Sứ mệnh của những người thầy thuốc ở Hà Tĩnh
Dù công việc còn nhiều áp lực nhưng khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, những người thầy thuốc ở Hà Tĩnh đều thấy rõ sứ mệnh của mình. Với họ, sức khỏe, sự thấu hiểu và tình cảm của người bệnh chính là động lực để tiếp tục trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục cống hiến.
Thầy thuốc Ưu tú, bác sỹ CKII Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh: Hoạt động thiện nguyện lan tỏa yêu thương tới người bệnh.
Bên cạnh làm tốt công tác khám chữa bệnh, những năm qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh luôn quan tâm đến hoạt động từ thiện, nhân ái, hướng tới những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2019, chúng tôi thành lập “Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo”, thông qua các kênh truyền thông, kết nối các doanh nghiệp, nhà tài trợ… ủng hộ về vật chất, tinh thần để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Bệnh viện cũng làm cầu nối để cộng đồng xã hội, những nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động như trao quà, phát đồ ăn, nước uống miễn phí.
Đoàn Thanh niên của bệnh viện còn phối hợp với Đoàn trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức chương trình “Tiếng hát người bệnh”… Các hoạt động thiện nguyện đã góp phần động viên tinh thần, vật chất để giúp người bệnh có thêm động lực chiến thắng bệnh tật, lạc quan trong quá trình điều trị.
Bản thân các y, bác sỹ trong các khoa khi chứng kiến hoàn cảnh éo le của bệnh nhân cũng đã chủ động giúp đỡ hoặc tìm nguồn hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn. Chúng tôi tự hào là điểm tựa hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các bệnh nhân nghèo, góp phần làm hình ảnh của đội ngũ y, bác sỹ đẹp hơn trong lòng Nhân dân.
Bác sỹ Lê Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh: Không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng y tế vì sức khỏe Nhân dân.
Việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) được xem là nhiệm vụ sống còn đối với sự phát triển của bệnh viện. Vì thế, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn nỗ lực để nâng cao năng lực KCB cho Nhân dân. Chúng tôi chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo chuyên sâu theo các nhóm chuyên môn cụ thể để nâng cao năng lực của đội ngũ y tế tại bệnh viện. Mới đây nhất, chúng tôi đã làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, chuyển giao, hướng dẫn các kỹ thuật về lĩnh vực can thiệp tim mạch, lấy huyết khối não, nâng cao năng lực trong chẩn đoán hình ảnh...
Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao chất lượng KCB. Đồng thời, đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật và chuyên môn cao, tăng cường đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, giàu y đức… nhằm làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Điều dưỡng Hà Thị Giang, Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi (Trung tâm Y tế Thạch Hà): Xem bệnh nhân như người thân.
Nghề điều dưỡng được xem như làm dâu trăm họ. Để có thể gắn bó với nghề, chúng tôi phải làm việc bằng sự yêu thương, chăm sóc, xem người bệnh như người thân trong gia đình. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi, bệnh nhân thường gặp phải các bệnh cấp tính cần nhiều can thiệp về y học và sự chăm sóc toàn diện từ điều trị đến vệ sinh cá nhân. Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng, kiên trì hướng đến mục tiêu giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Nghề y luôn phải đối diện với áp lực vì liên quan đến tính mạng con người. Dù căng thẳng và nhiều khi mệt mỏi nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn luôn hết lòng chăm sóc người bệnh. Đó là khi phải bỏ dở bát cơm để cấp cứu cho bệnh nhân hay nhiều ca trực trắng đêm để theo dõi tình hình người bệnh. Thế nhưng, khi sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt hơn, nhìn thấy nụ cười của họ, tôi hết sức vui mừng và càng yêu nghề, gắn bó với nghề. Vượt qua những áp lực công việc, tôi luôn đặt bản thân vào vị trí người bệnh để yêu thương, sẻ chia cùng họ.
Bác sỹ Nguyễn Đình Diệu - Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh): Mong bệnh nhân và người nhà thấu hiểu, cảm thông, hợp tác.
Việc chăm sóc sức khỏe cho con người luôn được chúng tôi quan tâm và đặt lên hàng đầu nhưng con đường ấy vẫn lắm gian nan, thử thách khi dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh khỏi những “mũi gai vô hình”.
Nhiều năm theo đuổi nghề y, tôi đã chứng kiến nhiều y, bác sỹ bị người nhà nạn nhân bạo hành. Dẫu biết rằng, khi người thân gặp nạn, ai cũng có tâm lý lo lắng, chẳng còn sự bình tĩnh để suy nghĩ thấu đáo. Nhưng với tư cách là một bác sỹ, tôi mong muốn người nhà bệnh nhân thấu hiểu, cảm thông và hợp tác trong suốt quá trình cấp cứu, chăm sóc và điều trị.
Những người thầy thuốc như chúng tôi rất cần sự đồng hành, sẻ chia của người bệnh, người nhà của họ và Nhân dân. Mong rằng, mỗi cá nhân, cộng đồng khi đến bệnh viện đều có những hành xử chuẩn mực và đồng cảm với khó khăn, áp lực của những người làm nghề y. Khi nhận được sự sẻ chia hay động viên của mọi người sẽ giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, cùng bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật. Tôi mong rằng, vấn nạn bạo hành y, bác sỹ sẽ không còn tiếp diễn mà thay vào đó là tình yêu thương, sẻ chia sẻ được lan tỏa.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/y-te/su-menh-cua-nhung-nguoi-thay-thuoc-o-ha-tinh/244898.htm