Sứ mệnh 'đuổi theo sao Chổi'
Các kỹ sư người Anh cho biết sẽ chế tạo tàu vũ trụ mới với nhiệm vụ chờ sao Chổi đi qua. Sau đó, con tàu sẽ đuổi theo và lập bản đồ bề mặt theo không gian ba chiều.
Được mệnh danh là “kẻ đuổi theo sao Chổi”, sứ mệnh sẽ ghi lại chi tiết về đường nét của sao Chổi. Đồng thời, tàu vũ trụ cũng nghiên cứu thành phần của bụi và khí được giải phóng khi sao Chổi lao qua các tầng trời.
Nhiệm vụ mới có sự phối hợp giữa ba tàu vũ trụ. Tàu mẹ do Thales Alenia Space chế tạo tại Anh, sẽ chứa hai tàu thăm dò robot nhỏ hơn từ Nhật Bản có thể được phóng đến gần sao Chổi mục tiêu. Các đầu dò này sau đó sẽ chiếu hình ảnh và dữ liệu trở lại tàu mẹ.
Sao Chổi là những mảnh vụn vũ trụ còn sót lại từ khi Hệ Mặt trời ra đời cách đây khoảng 4,6 tỷ năm. Nhiều sao Chổi được phát hiện khi chúng xếp thành vệt quanh Mặt trời. Với máy dò tìm sao Chổi, các nhà thiên văn học hy vọng sẽ bắt kịp một sao Chổi trước khi nó hoạt động mạnh mẽ. Nhờ đó, cho phép hai tàu thăm dò robot - mỗi chiếc chỉ dài 30cm - lập bản đồ và phân tích hạt nhân sao Chổi nguyên sơ.
Andrew Stanniland - Giám đốc điều hành của Thales Alenia Space, cho biết: “Hầu hết, các sao Chổi mà chúng ta nhìn thấy đều đã đi qua Hệ Mặt trời nhiều lần. Điều đó có nghĩa là chúng bị thay đổi bởi Mặt trời. Nhiệm vụ này cho phép chúng ta có một tàu vũ trụ trên quỹ đạo để bắt được một vật thể nguyên sơ. Nó sẽ cung cấp cho chúng ta về lịch sử của Hệ Mặt trời mà chưa từng có trước đây”.
Dự kiến được phóng vào năm 2028, tàu vũ trụ có tên gọi chính thức là Comet Interceptor, sẽ đi đến vùng đất không có trọng lực của con người ở phía đối diện Trái đất với Mặt trời. Bằng cách xuất hiện tại khu vực nơi lực hấp dẫn có xu hướng làm cho mọi thứ ở trạng thái ổn định, sứ mệnh có thể chờ đợi sao Chổi nguyên sơ, trong khi đốt cháy một lượng nhiên liệu tối thiểu.
Sứ mệnh có thể phải đợi trên quỹ đạo nhiều năm trước khi các nhà thiên văn học phát hiện ra mục tiêu thích hợp cho tàu vũ trụ khảo sát. Nếu không phải là một sao Chổi từ đám mây Oort, tàu vũ trụ có thể đuổi theo một vật thể giữa các vì sao như Oumuamua. Thiên thể thon dài này ghé thăm Hệ Mặt trời năm 2017. Tuy nhiên, các nhà thiên văn khi đó không có tàu vũ trụ nào đủ khả năng bám theo nó để nghiên cứu.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/su-menh-duoi-theo-sao-choi-VZ2wJy1Mg.html