Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (8): Trẩy hội Đền Sóc - về với cội nguồn
Là nơi thờ đức Thánh Gióng, một trong 'Tứ bất tử' của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Khu di tích lịch sử Đền Sóc nằm trên núi Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có lịch sử hình thành và phát triển trải qua hàng trăm năm với kiến trúc và cảnh quan đặc sắc. Nơi đây đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015.
Đền thiêng trên núi
Theo truyền thuyết, thời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi dẹp tan giặc Ân, đánh đuổi quân xâm lược tới chân núi Vệ Linh cũng là lúc đuổi sạch bóng quân thù khỏi bờ cõi nước Nam, Thánh Gióng cởi chiến bào khoác lên cây trầm hương, bỏ giáp sắt lưng chừng núi, bay về trời.
Tưởng nhớ công ơn cao cả của Phù Đổng Thiên Vương, nhân dân đã lập ngôi miếu thờ ngay tại cây trầm hương. Khi giặc Tống sang xâm lược nước ta, Lê Hoàn lập đàn cầu nguyện cho mình đánh thắng giặc Tống cũng như Phù Đổng Thiên Vương đánh thắng giặc Ân. Thắng giặc Tống, biết lời cầu nguyện của mình đã được linh ứng, vua Lê Đại Hành quay lại sai người dỡ bỏ ngôi miếu xây một ngôi đền.
Trước đó, ngôi miếu không có tượng, chỉ thờ một cây trầm hương. Lê Hoàn sai người lấy gỗ cây trầm hương ấy tạc tượng Phù Đổng Thiên Vương và sắc phong ngài là Thiên Vương.
Trải qua mưa nắng và những lần trùng tu tôn tạo, đến nay, quần thể di tích đền Sóc được giữ gìn và bảo quản tương đối nguyên vẹn giữa một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi và những khóm tre ngà vàng óng. Mái đền tôn nghiêm, cổ kính ẩn mình dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Quần thể này gồm đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời và lăng bia đá ghi lại lịch sử và hội đền Sóc, tạo thành một tổng thể hài hòa, sống động.
Tất cả những công trình này được xây dựng và trùng tu từ giai đoạn tiền Lê, nhiều lần tôn tạo, tu bổ qua các triều đại phong kiến khác góp phần làm cho khu di tích ngày càng to đẹp.
Nằm trong quần thể di tích này còn có chùa Non (Sóc Thiên Vương Thiền Tự), nơi thờ Phật tổ mà vị sư trụ trì đầu tiên là Ngô Chấn Lưu được vua Đinh Tiên Hoàng phong là Khuông Việt Quốc Sư vào năm 971. Chùa Non gần đây được tu bổ tôn tạo lại sau một thời gian dài xuống cấp do thời gian và chiến tranh. Trong chùa còn có một kiệt tác là pho tượng Phật tổ bằng đồng nặng tới 30 tấn.
Lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Nói đến đền Sóc không thể không nhắc tới lễ hội Gióng. Cùng với hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, lễ hội tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010.
Theo truyền thống, nhân dân 8 thôn thuộc 6 xã quanh khu vực đền Sóc (Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú) làm lễ rước hương hoa, oản phẩm, trầu cau, voi chiến, giò hoa tre, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc… thể hiện tình cảm biết ơn trân trọng với Thánh Gióng và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, tinh thần thượng võ của dân tộc.
Điều đặc biệt nhất ở lễ hội Gióng là lễ dâng giò hoa tre. Đó là những thanh tre cật vót mỏng, đầu tuốt bông nhuộm phẩm màu, tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre được người Phù Linh dâng lễ ở đền Thượng, rước xuống đền Hạ rồi mới phát cho bà con và du khách làm lộc may mắn đầu xuân. Ngoài các đoàn rước dâng lễ phẩm, lễ vật, tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa thể thao đa dạng phục vụ khách hành hương và nhân dân địa phương như các trò chơi thi đu, đập niêu đất, bắt vịt, cờ bỏi; hát quan họ, ca múa tổng hợp; giải bóng chuyền hơi, biểu diễn võ cổ truyền dân tộc…
Vài năm về trước, cứ mỗi lần vào mùa hội, Lễ hội Gióng luôn trở thành “điểm nóng” khi phong tục cướp giò hoa tre - một phong tục đẹp bị biến tướng. Việc tranh cướp vật phẩm vô tình trở thành nơi “thư hùng” cho đám thanh niên vốn quyết ăn thua đủ. Những màn loạn đả trong lễ hội trở nên cực kỳ phản cảm. Năm 2018, lần đầu tiên, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp cùng với UBND huyện Sóc Sơn và đại diện người dân địa phương đã có nhiều lần ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc và thống nhất đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế những phản cảm và biến tướng nói trên.
Cũng từ những thay đổi nhỏ này, bắt đầu từ năm 2018 trở đi, lễ hội diễn ra bình an hơn, vừa đảm bảo được phần lễ theo truyền thống, vừa phát lộc rộng rãi cho người đi hội cùng hoan hỉ, cảnh tranh cướp lộc rồi vác gậy phang nhau tóe máu đã chấm dứt. Đến mùa hội 2019, việc phát giò hoa tre và trầu cau cho nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm cũng được Ban tổ chức lễ hội kiểm soát rất chặt chẽ. Theo đó, sau lễ cung tiến, giò hoa tre và trầu cau được di chuyển vào hậu cung, một số lượng vừa đủ được dâng lễ ở đền Hạ, đền Mẫu. Nhờ đó, tình trạng lộn xộn khi phát lộc giò hoa tre đã không xảy ra tại mùa lễ hội gần đây.
Dư luận đánh giá, việc thay đổi này bảo đảm không làm mất đi những nghi lễ truyền thống của lễ hội, thay vào đó, còn góp phần tạo nên hình ảnh văn minh, yên bình cho lễ hội được chờ đợi bậc nhất trong năm của Hà Nội.
Ngoài điểm nhấn tâm linh là cụm di tích đền Gióng và chùa Non, trong quần thể di tích này còn có tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh Đá Chồng. Tượng đài được khánh thành năm 2010. Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, cao 11m; độ vươn ra 16m, nặng 85 tấn. Mẫu tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân sáng tác, mô phỏng hình ảnh Ðức Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam, tay mang bụi tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng được đặt tại nơi tương truyền rằng sau khi dẹp xong giặc Ân, cậu bé làng Phù Ðổng đã cởi áo giáp, vẫy chào quê hương bay về trời.