Sứ mệnh mới của Thành phố Hồ Chí Minh

Sứ mệnh mới cho TP HCM mở rộng không chỉ là siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và toàn vùng

Trong không khí cả nước phấn khởi hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc gặp gỡ các lão thành cách mạng, người có công phía Nam được tổ chức là để lắng nghe ý kiến, tri ân sự đóng góp to lớn của những người tâm huyết vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời báo cáo về tình hình đất nước đang được nhân dân cả nước rất quan tâm.

Ước nguyện của Bác đã được thực hiện

Lịch sử cách mạng Việt Nam khắc ghi vai trò đặc biệt anh dũng, trung kiên của các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và dân quân tự vệ, những người tham gia cách mạng trong vùng kháng chiến - những người đã từng chiến đấu trên mọi chiến trường, ở mọi mặt trận - từ tuyến đầu rực lửa đến hậu phương vững chắc, từ chiến trường ác liệt Trường Sơn, Tây Nguyên, Nam Bộ đến các chiến khu, bưng biền, trong vùng địch hậu, thậm chí trong cả lao tù.

Những người lính Cụ Hồ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, nguy hiểm để viết nên những trang sử vàng về cuộc trường kỳ kháng chiến, tạo nên "dáng đứng Việt Nam" trong dòng chảy của thời đại. Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, bằng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm và ý chí kiên trung, họ đã vượt lên mọi mất mát, hy sinh để góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong cuộc trường chinh gian lao mà anh dũng ấy, một lần nữa khẳng định vai trò lịch sử của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam. Đó là lực lượng chính trị - quân sự nòng cốt của phong trào cách mạng ở miền Nam, là một phần "cơ thể sống" của phong trào toàn dân kháng chiến, của dân tộc Việt, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lãnh đạo, tổ chức và trực tiếp đấu tranh chống lại chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong giờ phút thiêng liêng tràn đầy ký ức này, chúng ta nhớ về những tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Bác từng nói "miền Nam trong trái tim tôi. Ngày nào tôi cũng nghĩ tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Tôi thương miền Nam lắm, tôi nhớ miền Nam lắm" và "Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà... Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta". Tất cả chúng ta ngồi đây hôm nay xin báo cáo với Bác rằng mong muốn, ước nguyện của Bác về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được các thế hệ cháu con thực hiện. Tất cả các đại biểu khách mời đều là những người trực tiếp thực hiện ý nguyện của Bác.

Tổng Bí thư Tô Lâm trò chuyện, thăm hỏi các đại biểu tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu tại TP HCM ngày 21-4Ảnh: LÊ VĨNH

Tổng Bí thư Tô Lâm trò chuyện, thăm hỏi các đại biểu tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu tại TP HCM ngày 21-4Ảnh: LÊ VĨNH

3 nhiệm vụ quốc kế - dân sinh

Về những chủ trương liên quan đến "quốc kế - dân sinh", Ban Chấp hành Trung ương xác định những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt.

Thứ nhất, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh - trật tự trong nước và khu vực. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, chúng ta thấy rất rõ giá trị của độc lập, tự do, cho nên duy trì môi trường hòa bình, an ninh là rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước; Đoàn kết thống nhất mọi tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh để chiến thắng; Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh, gọn, mạnh, kiến tạo, phục vụ nhân dân; Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không để bị động bất ngờ trong bất cứ tình huống nào; Có một đường lối đối ngoại phù hợp, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc, duy trì được hòa bình ngay trong nội bộ, giữ vững sự ổn định đất nước, bảo đảm đẩy lùi những xung đột, nguy cơ chiến tranh, để nhân dân được sống trong hòa bình, ổn định.

Thứ hai, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 2 mục tiêu 100 năm, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Như vậy, phải có tốc độ phát triển nhanh thì mới đạt được các mục tiêu này.

Thứ ba, nâng cao đời sống của nhân dân; đây cũng là mục tiêu của xã hội XHCN, là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Trong năm 2025, có 3 việc quan trọng. Thứ nhất, phải chuẩn bị thật tốt đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng, theo kế hoạch diễn ra vào quý I/2026. Thứ hai, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa qua đã bàn rất kỹ về chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm xây dựng Nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. Thứ ba, năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng về chiến lược như hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết về kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế đất nước.

Do vậy, mục tiêu lớn nhất, trọng tâm nhất, cấp thiết nhất lúc này là phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân. Đảng có trách nhiệm thỏa mãn nhu cầu ngày một cao hơn về đời sống tinh thần và vật chất cho mọi người dân. Đó là ước nguyện của Bác Hồ, đó là mục tiêu đi tới của xã hội XHCN. Những quyết định miễn học phí cho học sinh từ mẫu giáo tới hết phổ thông trung học; tăng cường hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu để mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm; xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025; thực hiện các chính sách xã hội thể hiện tính ưu việt của CNXH đối với người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng, nhân dân ở những vùng kháng chiến trong chiến tranh, vùng bị chiến tranh tàn phá... đều là "những việc cần làm ngay" mà Trung ương, Chính phủ đã đề ra.

TP HCM mới là động lực lan tỏa

Về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và đi đến thống nhất cao về thực hiện chủ trương này. Nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ và coi đây thực sự là một cuộc cách mạng.

Sau sắp xếp, sáp nhập các tỉnh Nam Bộ (từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đắk Nông) từ 22 tỉnh, thành phố còn 9 tỉnh, thành phố, điều này tạo nên không gian phát triển đa dạng, cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, đặc biệt đã tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt liên thông núi rừng - đồng bằng - biển đảo nhằm bổ sung, tương tác, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Đồng thời tạo nền tảng hình thành trung tâm kinh tế lớn trong tương lai gần tương tự như Singapore, Thượng Hải, Dubai, London, New York... Việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển. Không chỉ đơn giản là "hai cộng hai bằng bốn" mà phải là "hai cộng hai lớn hơn bốn". Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng; Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long trở thành 2 tỉnh mới có thế "kiềng ba chân" vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng và giàu có. Sức mạnh mới chắc chắn nhân lên nhiều lần. Nhân dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang mới sẽ trở thành người dân có biển, có núi rừng. Tây Ninh có cửa sông lớn nối ra biển lớn. "Người vùng cao" Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và "người đồng bằng" Đồng Tháp, Đồng Nai, Vĩnh Long trở thành "người dân có biển".

TP HCM mở rộng sẽ không chỉ bao gồm TP HCM hiện nay cùng Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, mà còn gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... để "tái thiết kế chiến lược phát triển vùng", nhằm phát huy tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tạo nên một tổng thể mới vượt trội hơn tổng các phần cộng lại. TP HCM mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nhưng đồng thời, chính sự tham gia, hợp tác, bổ sung nguồn lực từ các tỉnh, thành phía Nam sẽ là nguồn lực thiết yếu, làm mạnh mẽ hơn sức bật và tầm vóc của TP HCM mở rộng. Sứ mệnh mới cho TP HCM mở rộng không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng - trong đó các tỉnh phía Nam không chỉ "đồng hành", mà còn chủ động đóng vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian kinh tế, văn hóa, xã hội chung. TP HCM mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển; vùng sẽ thăng hoa khi có TP HCM dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ, cùng nhau tiến về phía trước.

Trong quá trình sáp nhập tỉnh, cần bảo đảm phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao từ tất cả các địa phương liên quan, việc bố trí cán bộ phải chọn được người có năng lực tốt, bảo đảm cân đối, hài hòa và đoàn kết, khai thác tối đa tài năng, kinh nghiệm quản lý từ nhiều địa phương. Đồng bộ hóa quy hoạch không gian phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng liên thông, hiện đại và tích hợp... không chỉ trong phạm vi trong đơn vị hành chính mới mà còn kết nối hiệu quả với các tỉnh trong vùng, hình thành mạng lưới hạ tầng đồng bộ của cả vùng. Thống nhất hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính: Xây dựng bộ quy chuẩn chung cho đơn vị hành chính mới trên cơ sở hài hòa, kế thừa và nâng cấp từ thực tiễn của từng địa phương. Quản lý đất đai và tài sản công một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp...

Sau sáp nhập, yêu cầu hình thành một không gian phát triển liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa các khu vực mới và cũ, thiết lập các cơ chế phối hợp vùng để bảo đảm sự phát triển bền vững, ổn định và lâu dài cho toàn khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Điều chỉnh và tối ưu hóa ngân sách, nguồn lực đầu tư; phân bổ hợp lý, hiệu quả cho phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, dịch vụ công chất lượng cao. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng dịch vụ công giữa các khu vực, giữa các đơn vị sáp nhập. Củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh trật tự, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội trong mọi tình huống...

(*) Trích phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt các lão thành cách mạng, người có công nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 21-4. Tít bài và các tít phụ do Báo Người Lao Động đặt.

Mời xem toàn văn bài phát biểu: https://nld.com.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-buoi-gap-mat-can-bo-lao-thanh-cach-mang-nguoi-co-cong-phia-nam-196250421153112118.htm

Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng

Sáng 21-4, tại TP HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chủ trì buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu. Buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Tại buổi gặp mặt, đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ bà rất hạnh phúc, tự hào và vinh dự được sống tại thành phố mang tên Bác. Bà cảm nhận qua 50 năm, TP HCM đã chuyển mình mạnh mẽ, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước và dân tộc. Anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết bày tỏ: "Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn luôn nhớ mãi những thời khắc hào hùng của dân tộc. Những ký ức ấy càng khiến tôi thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do".

Ông Trần Nhật Nghĩa (cựu tù chính trị Côn Đảo) kể trong suốt 18 năm dài (1957-1975), nhiều người con ưu tú của Bình Thuận bị đày ải, cực hình nơi Côn Đảo. Có người đã vĩnh viễn nằm lại Nghĩa trang Hàng Dương, số đông được trao trả hoặc địch trả tự do. Theo ông, từ sau ngày 30-4-1975 lịch sử, cựu tù chính trị liên tục phấn đấu vươn lên, học tập, rèn luyện. "Điều khắc cốt ghi tâm trong mỗi chúng tôi là bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, khốc liệt cách mấy, chỉ cần dân còn tin yêu, mến phục thì mình còn. Sống, chiến đấu vì dân thì cái chết cũng trở thành "bất tử". Dân còn thì ta còn. Dân tộc này có đi lên hay không cũng nhờ lòng dân" - ông Trần Nhật Nghĩa trải lòng.

Chiều cùng ngày, cũng tại TP HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, điệp báo, biệt động Sài Gòn, du kích, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tại đây, bà Nguyễn Thị Bích Nga (cựu nữ biệt động Sài Gòn) thổ lộ: Cảm xúc của những ngày chiến đấu đầy gian khổ như ùa về, xen lẫn là niềm tự hào và bi tráng.

Với bà Bích Nga, những đau thương, mất mát không thể diễn tả hết bằng lời. Đó không chỉ là những vết thương trên thân thể, mà còn là những ám ảnh khôn nguôi về sự tra tấn tàn nhẫn, dã man của kẻ thù mỗi khi chúng bắt được những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Dẫu máu đổ, đầu rơi, ý chí chiến đấu của các chiến sĩ biệt động chưa bao giờ lung lay. Họ luôn sống và chiến đấu với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

L.Vĩnh

Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng, Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng Bảo tàng Quân sự Việt Nam để lưu giữ lâu dài hàng trăm ngàn hiện vật, tư liệu, tài liệu liên quan đến lịch sử ra đời, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến nay đã có gần 2,5 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 12.000 lượt khách quốc tế, với mức trung bình trên 20.000 lượt khách/ngày. Bộ Chính trị cũng đã quyết định xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến khánh thành dịp Đảng ta tròn 100 tuổi (3-2-2030). Đây sẽ là một địa chỉ đỏ - nơi lưu giữ các hiện vật lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/su-menh-moi-cua-thanh-pho-ho-chi-minh-196250421215618054.htm