'Sứ mệnh' nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của thế giới Arab

Nhà máy điện hạt nhân Barakah tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được coi là biểu tượng cho nỗ lực của nước này trong việc làm chủ công nghệ hiện đại, hiện thực hóa mục tiêu phát triển lĩnh vực điện năng sạch và bền vững.

Giảm phụ thuộc vào “vàng đen”

Đầu tháng 4 này, chính quyền Abu Dhabi đã thông báo, lò phản ứng số 1 của nhà máy Barakah, nhà máy đầu tiên kiểu này trong các nước Arab, bắt đầu phát điện thương mại. Trên trang Twitter cá nhân, Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum cho biết, những megawatt (MW) điện đầu tiên từ nhà máy Barakah đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Về phần mình, Thái tử nước này Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã ca ngợi thành quả trên là dấu mốc lịch sử đối với UAE. “Đây là bước tiến quan trọng giúp tăng đáng kể tính bền vững trong lĩnh vực điện năng của đất nước”, Thái tử UAE nhấn mạnh.

Nằm bên bờ vịnh Ba Tư, dự án nhà máy Barakah gồm 4 lò phản ứng với tổng công suất 5.600MW là kết quả của 12 năm hợp tác bởi liên doanh giữa Tập đoàn Năng lượng hạt nhân UAE (ENEC) và Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO), với tổng mức đầu tư lên tới 24,4 tỷ USD. Việc xây dựng lò phản ứng số 2 gần đây cũng được hoàn tất, trong khi hai lò phản ứng còn lại đang được khẩn trương thi công. Trước đó, sau khi nhận được giấy phép vận hành và hoàn thành việc nạp nhiên liệu, UAE đã khởi động thành công lò phản ứng đầu tiên của nhà máy Barakah vào tháng 8-2020. Dự kiến, tất cả các lò phản ứng đồng loạt đi vào hoạt động từ năm 2023 sẽ đáp ứng 25% nhu cầu điện của UAE.

Toàn cảnh bên ngoài lò phản ứng số 1 của Nhà máy điện hạt nhân Barakah. Ảnh: WNISR

Toàn cảnh bên ngoài lò phản ứng số 1 của Nhà máy điện hạt nhân Barakah. Ảnh: WNISR

Là nước có trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhiều thập kỷ qua, UAE đã ghi nhận đà tăng trưởng kinh tế cao nhờ vào “vàng đen” với mức đóng góp khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuy nhiên, quá trình đó đồng thời kéo theo nhu cầu năng lượng cũng gia tăng rất lớn. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, UAE phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. Phải đến vài năm trở lại đây, vương quốc giàu dầu mỏ mới bắt đầu chi hàng chục tỷ USD cho mục tiêu sản xuất đủ năng lượng sạch, bao gồm điện tái tạo và hạt nhân, nhằm phục vụ 50% nhu cầu nội địa đến năm 2050. Vì thế, nhà máy Barakah là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân vì hòa bình, hướng tới sản xuất điện sạch, an toàn, tin cậy cho UAE.

Ngoài ra, nhà máy Barakah còn đóng góp đáng khích lệ vào nỗ lực của chính quyền Abu Dhabi nhằm tiến tới cắt giảm phát thải khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất điện. Theo ENEC, khi vận hành hết công suất, nhà máy Barakah sẽ ngăn chặn việc thải ra hơn 21 triệu tấn khí CO2 hằng năm, tương đương với việc loại bỏ khoảng 3,2 triệu ô tô khỏi các con đường của quốc gia vùng Vịnh này mỗi năm.

Và hơn thế nữa

Nhà máy Barakah hoạt động đã chính thức đưa UAE bước chân vào “câu lạc bộ” 31 nước khai thác nhà máy điện hạt nhân, đồng thời là quốc gia mới nhất vận hành lò phản ứng hạt nhân trong vòng 3 thập kỷ qua kể từ khi Trung Quốc đưa vào sử dụng nhà máy điện hạt nhân năm 1990.

Bên cạnh những giá trị có thể nhìn thấy trước mắt như trên, việc hoàn thành và vận hành thành công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên còn mang lại ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với UAE. Trên Tạp chí The Bulletin of the Atomic Scientists, ông Jim Krane, chuyên gia về các vấn đề năng lượng tại Viện Nghiên cứu Baker thuộc Đại học Rice (Mỹ) nhận định, nhà máy Barakah đã giúp UAE trở thành quốc gia có năng lực hạt nhân thứ ba ở Trung Đông, sau Israel và Iran, trong bối cảnh khu vực này có nhiều tranh cãi về chương trình phát triển hạt nhân. Dù vậy, vị chuyên gia này khẳng định rằng UAE chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình, thông qua cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Công ước về an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Một thỏa thuận hợp tác giữa UAE và Mỹ ký năm 2009 cũng cấm quốc gia vùng Vịnh này phát triển các công nghệ làm giàu urani và tái xử lý nhiên liệu lò phản ứng. “Xét về mặt chiến lược, năng lượng hạt nhân vẫn là một con bài lớn của UAE trong việc tăng cường vị thế của nước này ở khu vực và hơn thế nữa”, ông Krane nhận định.

Chính sách đầu tư vào điện hạt nhân còn giúp chính quyền Abu Dhabi khẳng định vai trò đi đầu và khả năng xây dựng, quản lý, khai thác an toàn nhà máy điện hạt nhân trong khối các nước Liên đoàn Arab (AL). Trước đó, Saudi Arabia-quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới-từng lên kế hoạch xây dựng một nhà máy gồm 16 lò phản ứng hạt nhân nhưng tới nay vẫn chưa được thực hiện.

NGÂN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/su-menh-nha-may-dien-hat-nhan-dau-tien-cua-the-gioi-arab-656477