Trang mạng đặt phòng Booking.com nhận phán quyết bất lợi tại tòa án EU
Theo Tòa án EU, Booking.com áp yêu cầu các khách sạn không được đăng mức giá thấp hơn trên trang web của khách sạn hoặc trên các trang web đối thủ là không cần thiết và có thể làm giảm sự cạnh tranh.
Ngày 19/9, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) cho rằng việc trang mạng đặt phòng Booking.com áp yêu cầu các khách sạn không được đăng mức giá thấp hơn trên trang web của khách sạn hoặc trên các trang web đối thủ là không cần thiết và có thể làm giảm sự cạnh tranh.
Phán quyết liên quan thông lệ được sử dụng khá phổ biến trong ngành cung cấp dịch vụ lưu trú được biết đến với tên gọi "các điều khoản ngang bằng," thường xuất hiện trong các hợp đồng hợp tác giữa các trang web đặt phòng trực tuyến và khách sạn.
Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh và sự giám sát từ các cơ quan quản lý trên khắp Liên minh châu Âu (EU) đã khiếu nại về cách Booking.com áp dụng thông lệ này với lo ngại có thể tác động xấu đối tới người tiêu dùng.
Cơ quan giám sát chống độc quyền của Đức đã cấm đưa các điều khoản này vào hợp đồng giữa các trang web và khách hàng cho dù là áp dụng cho trang web của khách sạn hay các trang web đặt dịch vụ lưu trú của đối thủ cạnh tranh trong khi các cơ quan quản lý của EU nói chung chỉ cho phép áp dụng những hạn chế như vậy đối với trang web của chính khách sạn.
Theo quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, có hiệu lực từ năm 2023, các nền tảng trực tuyến lớn, có cả Booking.com, không được phép sử dụng các điều khoản ngang bằng trong mảng bán lẻ dù ở phạm vi rộng hay hẹp hoặc các biện pháp thương mại tương đương.
Trong phán quyết mới nhất, CJEU, có trụ sở tại Luxembourg, khẳng định không có căn cứ nào cho thấy biện pháp này là công bằng. Nội dung phán quyết có đoạn nêu rõ hiện chưa xác định một cách khách quan rằng các điều khoản ngang bằng giá, dù rộng hay hẹp, là cần thiết và hợp lý trong các trường hợp nêu trên.
Theo CJEU, các hạn chế nêu trên có thể làm giảm sự cạnh tranh giữa các nền tảng đặt phòng khách sạn khác nhau, đánh bật các nền tảng nhỏ và những người mới tham gia thị trường.
Tuy nhiên, tòa cũng cho rằng những hạn chế kể trên không phải là hành vi phản cạnh tranh, căn cứ theo luật chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU)./.