Sứ mệnh thăm dò mặt trăng của Ấn Độ phá sản trong 15 phút định mệnh
Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết Ấn Độ đã mất liên lạc với con tàu dự kiến đổ bộ mặt trăng hôm 7-9 trong kế hoạch đầy tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên thăm dò cực Nam mặt trăng.
Theo hãng tin Reuters, ISRO đã mất liên lạc với con tàu thăm dò thuộc sứ mệnh mặt trăng Chandrayaan-2 khi nó chuẩn bị đáp xuống mặt trăng. Chủ tịch ISRO K Sivan cho biết dữ liệu đang được phân tích sau khi con tàu mất liên lạc với trạm kiểm soát mặt đất.
Ấn Độ kỳ vọng trở thành quốc gia đầu tiên có tàu thăm dò đáp xuống được vùng cực Nam, nơi ISRO cho rằng chưa được khám phá. Tuy nhiên, việc mất liên lạc với tàu vũ trụ cho thấy nỗ lực lần này của New Delhi chưa mang lại kết quả.
Một quan chức ISRO cho biết: "Tàu Vikram được quan sát ở độ cao cách bề mặt mặt trăng khoảng 2,1 km thì thông tin liên lạc từ con tàu đến trạm kiểm soát mặt đất đã bị mất". Tàu đổ bộ được đặt tên là Vikram theo tên cha đẻ của chương trình vũ trụ Ấn Độ Vikram Sarabhai.
Chương trình phát sóng trực tiếp từ ISRO, tương tự NASA, cho thấy các nhà khoa hoặc trở nên căng thẳng và không khí im lặng bao trùm trạm kiểm soát khi họ đang cố tìm kiếm tín hiệu của con tàu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có mặt tại Trung tâm vũ trụ Bangalore để theo dõi sự kiện đổ bộ mặt trăng của con tàu Vikram. Sau thông báo của ông Sivan, ông Modi chia sẻ với các nhà khoa học rằng: "Những gì mọi người làm được không phải là một thành tựu nhỏ".
Ông Sivan trước đó đã mô tả khoảnh khắc cuối cùng của nhiệm vụ đổ bộ là "15 phút khủng khiếp" do tính phức tạp liên quan đến trọng lực mặt trăng, địa hình và bụi. Hiện chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc đã đáp tàu thăm dò trên mặt trăng. Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hoàn thành sứ mệnh hạ cánh xuống vùng tối của mặt trăng đầu năm nay.