Sứ mệnh vận chuyển vaccine Covid-19 của các hãng hàng không
Ngành hàng không là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19. Giờ, các hãng hàng không đóng vai trò chủ lực trong việc phân phối vaccine.
Trong các kho lạnh ở sân bay Frankfurt (Đức), các máy bay của hãng Deutsche Lufthansa AG đang chuẩn bị để vận chuyển hàng triệu liều vaccine Covid-19. Lufthansa, một trong những hãng vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, đã bắt đầu lên kế hoạch từ tháng 4 với hy vọng về vaccine do hãng dược phẩm Pfizer Inc., Moderna Inc. và AstraZeneca Plc phát triển.
Lực lượng "đặc nhiệm", bao gồm 20 thành viên, đang tìm cách xếp khối hàng lên 15 chuyên cơ Boeing Co. 777 và MD-11. "Câu hỏi đặt ra là mở rộng quy mô như thế nào", ông Thorsten Braun tại Lufthansa nói với Bloomberg.
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu hàng không toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, các hãng hàng không toàn cầu sẽ đóng vai trò chủ lực trong cuộc chiến chống đại dịch với "sứ mệnh" vận chuyển hàng tỷ liều vaccine đến khắp nơi trên thế giới.
Vận chuyển khắp thế giới
Đó sẽ là một nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là khi các hãng hàng không phải cắt giảm nhân lực, số chuyến bay và máy bay để vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu vì dịch Covid-19. Theo ước tính, lưu lượng vận tải hàng không sụt giảm 61% trong năm nay.
"Đây sẽ là nhiệm vụ hậu cần lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay", ông Alexandre de Juniac, Giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), bình luận. "Thế giới đang trông cậy vào chúng ta", ông nhấn mạnh. IATA ước tính cần đến 2 năm để cung cấp khoảng 14 tỷ liều vaccine cho tất cả trẻ em, phụ nữ và đàn ông trên Trái Đất.
Bà Katherine O’Brien, Trưởng bộ phận tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới, ví nhiệm vụ phân phối vaccine sau quá trình phát triển kéo dài hàng tháng trời như việc "chinh phục đỉnh Everest khi đã đến trại căn cứ".
"Phân phối vaccine mới là leo lên đỉnh cao thực sự", bà khẳng định.
Vấn đề đầu tiên là sức chứa hàng. Có khoảng 2.000 máy bay chuyên dụng đang được sử dụng, vận chuyển khoảng 50% hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không. Phần còn lại nằm trong số 22.000 máy bay chở khách thông thường.
Pfizer có kế hoạch phân phối 1,3 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, Moderna sản xuất khoảng 500 triệu liều. AstraZeneca có thể sản xuất 2 tỷ liều, 50% trong số đó hướng đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
"Những gì chúng tôi phải làm là nhanh chóng giúp thế giới vực dậy. Một phần trong số đó là đảm bảo rằng vaccine được đến tay người cần nó. Vì vậy, chúng tôi cho phép các máy bay trở lại", ông Dennis Lister, Phó chủ tịch phụ trách hàng hóa của Emirates, hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới, khẳng định.
Theo bà Glyn Hughes, Trưởng bộ phận hàng hóa toàn cầu của IATA, chính phủ nên mở cửa để các máy bay chở khách hoạt động trở lại, giúp ích cho quá trình phân phối vaccine.
Sau đó, loại vaccine của Pfizer-BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C. Lựa chọn dễ nhất là sử dụng tủ đông siêu lạnh hoặc cất giữ trong tủ đông thông thường tối đa 5 ngày. Hầu hết máy bay không có khả năng giữ lạnh các mặt hàng như vậy. Họ phải dựa vào những thùng chứa chuyên dụng của Pfizer.
Theo nguồn tin của Bloomberg, United Airlines Holdings đã sẵn sàng phân phối vaccine của Pfizer nếu vaccine được cơ quan quản lý phê duyệt. Delta Air Lines Inc. và American Airlines Group Inc. cũng chuẩn bị xử lý các lô hàng của Pfizer. Thậm chí, American còn có container được kiểm soát nhiệt độ và các lô hàng đóng gói sẵn với túi lạnh hoặc đá khô.
Lưu trữ và phân phối
Bất chấp những trở ngại, một mạng lưới toàn cầu đã được thiết lập tốt để phân phối dược phẩm sẽ thúc đẩy quá trình phân phối vaccine. Các thành phố từ Miami, Dallas và London, đến Liege ở Bỉ, Dubai, Mumbai, Singapore và Incheon tại Seoul đều có những kho chứa siêu lạnh.
United Parcel Service Inc. đã xây dựng các cơ sở ở Louisville, Kentucky và Hà Lan với tổng số 600 tủ đông siêu lạnh, mỗi tủ có thể chứa 48.000 lọ vaccine ở nhiệt độ thấp tới âm 80 độ C.
FedEx Corp. cũng bổ sung tủ đông và xe tải lạnh vào mạng lưới dây chuyền vốn đã rộng khắp. Trên thực tế, các công ty giao hàng có kinh nghiệm vận chuyển vaccine cúm và mẫu y tế ở nhiệt độ thấp. Đầu năm nay, cả UPS và FedEx đều đã vận chuyển hàng tấn vật tư y tế đến Mỹ trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Từ đó đến nay, cả hai đã phối hợp với các nhà sản xuất vaccine và quan chức chính phủ để chuẩn bị cho việc triển khai vaccine.
Một thách thức lớn trong việc phân phối vaccine toàn cầu nằm ở các quốc gia mới nổi. Tháng 11, Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) đã thảo luận với khoảng 40 hãng vận tải để lên kế hoạch vận chuyển đến 92 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Tháng trước, PT Garuda Indonesia đã được chứng nhận vận chuyển vaccine đến quốc gia có ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với hơn 520.000 trường hợp nhiễm Covid-19. Indonesia cũng phải đối mặt với thách thức hậu cần với dân số khoảng 273 triệu người trải rộng trên quần đảo lớn nhất thế giới.
Việc giao hàng sẽ không chỉ dành cho các hãng hàng không. Xe ôtô, xe buýt, xe tải, thậm chí xe máy, xe đạp và lừa, cũng có thể được sử dụng để phân phối vaccine đến những vùng nông thôn.
Ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Serum Institute of India Ltd., nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cảnh báo rằng các loại vaccine đông lạnh này thường không ổn định.
IATA cũng cảnh báo về khả năng làm giả hoặc thậm chí cố gắng làm gián đoạn việc phân phối. Tuy nhiên, ông De Juniac, giám đốc IATA, khẳng định rằng ngành công nghiệp đã sẵn sàng. “Chúng ta sẽ không thất vọng”, ông khẳng định.