Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920. Ảnh: TƯ LIỆU

Năm 1908, lúc 18 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh học ở Trường quốc học Huế. Sau khi tham gia phong trào chống thuế vào tháng 4/1908, Người quyết chí xuất dương tìm đường cứu nước. Sau này, Người nhớ lại: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” (1).

Cách đây 110 năm, vào ngày 5/6/1911, tại bến cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên con tàu Pháp mang tên L’Admiral Latouche Trévill làm phụ bếp để bắt đầu lý tưởng vĩ đại của Người. Lúc đó Người mới 20 tuổi. Trên cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến các nước tư bản tiên tiến nhất lúc bấy giờ là Pháp, Mỹ, Anh… Người nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa là: “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(2), “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”(3) và“trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản”(4).

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người.

Năm 1919, lúc 29 tuổi, tại thủ đô Paris của nước Pháp, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quý tin tưởng và trở thành linh hồn của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện của Người, viên mật thám Pháp Paul Arnoux phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh vàđầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”(5).

Tháng 12/1920, khi mới 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản (Đảng Cộng sản Pháp). Trả lời câu hỏi vì sao lại tán thành Quốc tế Cộng sản, Người đã nói rõ: “Tôi hiểu rõ một điều Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế III nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do vàđộc lập của họ”(6). Sau đó, Người đã tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (1921) và đến năm 1922 Người trở thành chủ lực trong việc xuất bản tờ báo Người cùng khổ làm cơ quan ngôn luận hội này.

Cuối năm 1923, lúc 33 tuổi, Người theo học Trường đại học Phương Đông tại Liên Xô. Vào tháng 6/1924, lúc 34 tuổi, tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Người đã nhấn mạnh: “Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước”(7) và“trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản làchủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(8). Sau đó, Người được bầu làm Ủy viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản.

Tiếp đó, Quốc tế Cộng sản đã cử Người tới Quảng Châu (Trung Quốc) công tác nhằm xúc tiến mọi điều kiện để xây dựng một tổ chức cộng sản ở Đông Dương và giúp đỡ các đại biểu cách mạng ở các nước Đông Nam Á. Năm 1925, khi mới 35 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập Hội những người bị áp bức và đứng ra thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam.

Năm 37 tuổi, Người hoàn thành tác phẩm “Đường Kách mệnh” làm tài liệu giảng dạy cho những hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong tác phẩm này, Người chỉ rõ: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa vàtư bản trong thế giới”(9). Người cũng khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư vàLênin”(10).

Tháng 2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc này Người 40 tuổi. Một năm sau, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản (1931) đã kết nạp Đảng ta làm thành viên chính thức.

Ngày 28/1/1941, lúc đã 51 tuổi, sau nhiều năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Trong năm này, Người đã sáng lập nên Mặt trận Việt Minh. Tiếp đó, ở tuổi 54, Người đã sáng lập nên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ở tuổi 55, Người đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ở tuổi 70, Người viết bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Báo Nhân Dân, số 2226, ngày 22/4/1960). Người nhớ lại: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(11).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứnhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/1969 có đoạn: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, vàchính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Phát biểu tại Hà Nội vào ngày 12/9/1973 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhấn mạnh: “Do hiểu rõ tầm quan trọng lịch sử vô cùng lớn lao và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười vinh quang, do tiếp thu tư tưởng sáng ngời của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ trong Chủ nghĩa Mác - Lênin bài học và con đường để tìm ra giải pháp cho tất cả các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức và bóc lột. Đồng chí Hồ Chí Minh đã kếp hợp một cách thiên tài cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh vì quyền lợi của quần chúng bị bọn phong kiến và giai cấp bóc lột áp bức… Chúng tôi nghĩ rằng tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới sẽ tìm thấy trong cuộc đời đồng chí Hồ Chí Minh, trong tư tưởng chính trị của Người, trong quan điểm chiến thuật và chiến lược trong sáng của Người, một nguồn tri thức vô cùng phong phú để giải quyết những vấn đề của bản thân mình”(12).

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người. Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, tiến sĩ M.Ahmed đã khẳng định: “Người sẽ được ghi nhớkhông phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(13).

-----------------------------

(1) Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Trẻ - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 14.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, HàNội. 2000, tập 1, tr. 268.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270.

(4) Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 33.

(5) Hồng Hà, “Thời thanh niên của Bác Hồ”, Nxb. Thanh niên, HàNội, 1976, tr. 81

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 219.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 280.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, HàNội, 2011, tr. 304.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, HàNội, 2009, tr. 228

(12) Nhiều tác giả, “Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên”, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 66-69

(13) UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/256430/su-nghiep-cach-mang-vi-dai-cua-bac-ho.html