Sự nghiệp chính trị của ông Medvedev chấm dứt sau đêm 15-1?

Nhiều người cho rằng Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev về cơ bản đã chấm dứt sự nghiệp chính trị sau khi từ chức cùng toàn bộ chính phủ, song số ít nhà quan sát nhận định Medvedev sẽ vẫn sát cánh bên Tổng thống Putin.

Ngày 15-1 được xem là ngày biến động của chính trường Nga với một loạt sự kiện quan trọng, bắt đầu bằng bài Thông điệp Liên bang đầy bất ngờ của Tổng thống Vladimir Putin, nơi ông kêu gọi sửa hiến pháp theo hướng siết chặt quyền lực của Tổng thống, kêu gọi Quốc hội đóng vai trò lớn hơn trong thành lập chính phủ và cải tổ Hội đồng An ninh.

Thủ tướng Nga Medvedev ngồi cạnh Tổng thống Putin trong Điện Kremlin. Ảnh: TASS

Thủ tướng Nga Medvedev ngồi cạnh Tổng thống Putin trong Điện Kremlin. Ảnh: TASS

Kế tiếp đó, Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố quyết định từ chức cùng toàn thể nội các chính phủ Nga. Động thái được chính ông Medvedev mô tả là nhằm giúp Tổng thống Putin thực hiện những thay đổi để điều chỉnh hiến pháp.

Ngay trong đêm, ông Putin chấp thuận quyết định từ chức, đồng thời đề cử người đứng đầu cơ quan thuế Mikhail Mishustin làm Thủ tướng thay ông Medvedev.

Bà Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty tư vấn chính trị R. Politik nhìn nhận động thái của Tổng thống Nga là một "sự chuyển tiếp chính trị trước thời hạn", cho rằng ông Putin đã mất lòng tin vào Thủ tướng Medvedev, người không còn nhận sự ủng hộ cao từ cả giới tinh hoa lẫn người dân.

"Putin tìm kiếm một người có thể giúp thực hiện cải cách hiến pháp của mình và thông qua đó, ông sẽ gây ảnh hưởng với người kế nhiệm tương lai. Có vẻ như Medvedev không phải là người đó", nhà bình luận này nói, nhắc đến khả năng tương lai chính trị của ông Medvedev về cơ bản đã chấm dứt ngay trong đêm 15-1. Quan điểm của bà Tatiana Stanovaya sau đó được nhiều người ủng hộ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ cựu ở Nga khẳng định con đường chính trị của Medvedev chưa thể chấm dứt sau đêm 15-1. Dù chấp nhận từ chức và nói rằng chính phủ của ông Medvedev không phải nhiệm vụ nào cũng hoàn tất, song Tổng thống Putin đã nhấn mạnh, "mọi việc chẳng bao giờ có thể hoàn thành hoàn hảo hết cả".

Medvedev từ lâu được nhìn nhận là đồng minh thân cận của Tổng thống Putin. Thế giới chắc chắn chưa quên cách ông Putin và ông Medvedev luân phiên nắm giữ vai trò Tổng thống - Thủ tướng vào những năm 2000 và 2010.

Chính vì vậy, vai trò mới của Medvedev, trong một khía cạnh nào đó, có thể là cơ sở để dự đoán về dự định tương lai của ông Putin. Ngay khi chấp nhận đơn từ chức của nội các, Putin đã bổ nhiệm Medvedev vào chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, cơ quan mà ông Putin làm Chủ tịch. Thủ tướng Medvedev đã đồng ý.

Theo thông tin do Điện Kremlin đăng tải, Hội đồng An ninh của Nga là cơ quan "soạn thảo các đề xuất chính sách về bảo vệ lợi ích sống còn của cá nhân, xã hội và nhà nước trước các mối đe dọa bên trong hoặc bên ngoài".

Từ thời điểm được thành lập vào năm 1992, cơ quan này luôn duy trì cơ cấu với người đứng đầu là Tổng thống Nga và các thành viên là Chủ tịch hai viện Quốc hội Nga, các quan chức cấp cao nhất khác và một số thống đốc vùng do Tổng thống lựa chọn.

Trước ngày 15-1, Hội đồng An ninh của Nga không có chỗ của Thủ tướng, song Tổng thống Putin nay quyết định tạo ra một vị trí mới dành riêng cho ông Medvedev. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Putin và Medvedev sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau tại cơ quan này.

Đài RT của Nga bình luận, với việc sửa hiến pháp theo hướng phân tán quyền lực của Tổng thống - vị trí mà ông sẽ không tiếp tục nắm giữ sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024, cùng đề nghị cải tổ Hội đồng An ninh, Putin rõ ràng muốn thay đổi cán cân quyền lực của nước Nga trong tương lai, nơi mà những thành viên của Hội đồng An ninh sẽ hiện diện ở phía sau cùng như "một chính khách thâm niên".

"Vai trò tương lai của Hội đồng Nhà nước hiện chưa được xác định, song nó có thể trở thành một cơ quan trọng tài cuối cùng, nghĩa là khi nảy sinh bất đồng, tranh cãi, Hội đồng An ninh sẽ có tiếng nói cuối cùng", Valeriy Akimenko, nhà nghiên cứu lâu năm về Nga hiện công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột, nói với CNN.

Trong khi đó, tờ Kommersant thì đưa ra một kịch bản khác: Khi hiến pháp được sửa đổi xong, Hạ viện Nga, vốn do đảng Nước Nga Thống nhất kiểm soát, sẽ lựa chọn ra Thủ tướng. Khi đó, ông Medvedev, Chủ tịch đảng này, có thể "đường đường chính chính" trở lại vị trí người đứng đầu chính phủ bằng lá phiếu, thay vì được lựa chọn bởi Tổng thống như hiện tại.

Cần lưu ý rằng, dù Putin đã lựa chọn ông Mikhail Mishustin cho chức Thủ tướng Nga, song nhiều người nhận định ông Mishustin là một nhà kỹ trị, tức ông được lựa chọn vì khả năng chuyên môn thay vì tính toán chính trị. Khi nhiệm kỳ này kết thúc, ông Mishustin có thể trở thành nguyên thủ nước Nga, hoặc tiếp tục làm Thủ tướng, song cũng có thể trở về điểm khởi đầu.

Thiện Nhân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/su-nghiep-chinh-tri-cua-ong-medvedev-cham-dut-sau-dem-15-1-578501/