Sự nguy hiểm của lực lượng máy bay không người lái trên hạm của Iran
Đơn vị máy bay không người lái mới được thành lập của Iran có khả năng triển khai cùng lúc hàng chục UAV trên biển từ các tàu mặt nước hoặc tàu ngầm.
Theo các chuyên gia quân sự của The Drive, Iran một lần nữa khiến cả thế giới kinh ngạc trước những thành tựu về công nghệ chế tạo máy bay không người lái (UAV) của nước này khi cho ra mắt một phân đội UAV có thể được triển khai từ nhiều loại tàu chiến khác nhau.
Đội “Tàu sân bay” dành cho UAV
Ngày 15/7, hải quân Iran đã lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng phân đội máy bay không người lái được biên chế trên một số nhóm tàu chiến, theo như cách họ gọi đội “tàu sân bay” dành cho UAV. Từ một số hình ảnh được truyền thông Iran đăng tải cho thấy phân đội UAV này có khả năng triển khai từ các tàu chiến mặt nước và cả tàu ngầm.
Các chuyên gia của The Drive đánh giá động thái này của Iran một lần nữa thể hiện những nỗ lực của nước này trong việc mở rộng lực lượng UAV vũ trang không chỉ ở các đơn vị lục quân, không quân mà cả hải quân.
Video: Hải quân Iran giới thiệu phân đội UAV trên hạm giữa vùng biển Ấn Độ Dương
Ở một chiều hướng khác, Iran cho ra mắt phân đội UAV trên hạm đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du đầu tiên đến Trung Đông, chỉ vài ngày sau khi Washington phát đi thông báo Tehran có thể sẽ chuyển máy bay không người lái cho Nga nhằm giúp Moskva giành được lợi thế ở chiến trường Ukraine.
Cũng theo truyền thông Iran, lễ ra mắt phân đội UAV trên hạm được tổ chức tại vùng biển quốc tế thuộc Ấn Độ Dương với sự tham dự của Tư lệnh Lục quân Iran, Thiếu tướng Abdolrahim Mousavi. Tại sự kiện này, nhóm UAV của hải quân Iran còn thể hiện khả năng hoạt động trên biển từ các tàu đổ bộ Lavan, tàu hậu cần Delvar và tàu ngầm diesel điện Tareq (lớp Kilo).
Theo Reuters thông tin về quy mô phân đội UAV trên không được hải quân Iran tiết lộ nhưng các tàu đổ bộ hoặc hậu cần của nước này có thể mang theo ít nhất 50 máy bay không người lái các loại.
Một cơ quan truyền thông nhà nước khác của Iran là PressTV đưa tin cho biết, hoạt động chính của đội “tàu sân bay” UAV sẽ là vận hành và triển khai nhiều loại máy bay không người lái khác nhau từ UAV vũ trang cho đến UAV “cảm tử”. Trong đó hầu hết các loại máy bay sẽ được trang bị cho nhóm tàu chiến đều là UAV “cảm tử”.
Từ phóng sự của PressTV, các chuyên gia The Drive cũng chỉ ra một số mẫu UAV từng được Iran giới thiệu trước đây như Pelican, Homa, Arash, Chamroosh, Jubin, Ababil-4 và Bavar-5.
Đòn tấn công nguy hiểm
Theo biên tập Kian Sharifi của tờ BBC viết trên mạng xã hội Twitter về sự kiện trên, một trong những điểm đáng lưu ý về phân đội UAV trên hạm vừa được Iran giới thiệu đó chính là việc chúng có thể được triển khai từ tàu ngầm. Hình ảnh từ buổi lễ cho thấy Homa – một mẫu UAV trinh sát được phóng đi từ tàu ngầm Tareq.
Ông Sharifi nhận định mặc dù việc triển khai UAV từ tàu ngầm đang dần trở nên phổ biến trong hải quân nhiều nước nhưng nó cũng có những hạn chế riêng, điển hình như việc tàu ngầm buộc phải nổi lên nếu muốn triển khai phương tiện. Tuy nhiên sự kết hợp này vẫn mang đến một số lợi thế nhất định trong tác chiến trên biển.
Ngoài Homa, một mẫu UAV khác của Iran cũng được giới chuyên gia chú ý là Pelican-2 – dòng UAV cất cánh thẳng đứng dành cho hải quân, có khả năng cơ động hơn so với các mẫu UAV truyền thống.
Pelican-2 được chế tạo để phục vụ các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát, với 4 động cơ cánh quạt nó cất cánh thẳng đứng mà không cần tới đường băng hoặc bệ phóng, sau đó nó có thể bay như một mẫu UAV thông thường. Thiết kế này đang dần trở nên phổ biển trong hải quân nhiều nước bởi chúng có thể được triển khai trên nhiều loại tàu chiến khác nhau.
Dù vậy chỉ mỗi UAV trinh sát thì chưa thể giúp hải quân Iran tạo nên khả năng răn đe trên biển, lực lượng này cần đến các UAV vũ trang hoặc “cảm tử” như Arash, Jubin, Ababil-4 và Bavar-5. Trong số này Arash là mẫu UAV “cảm tử”, còn Jubin, Ababil-4 và Bavar-5 là các máy bay tấn công người lái có khả năng mang theo tên lửa dẫn đường.
Để hỗ trợ cho phân đội UAV trên hạm, hải quân Iran nhiều khả năng sẽ sử dụng các tàu hậu cần hoặc tàu đổ bộ cỡ lớn được hoán cải từ các tàu chở hàng, lực lượng này sẽ giúp Tehran nâng cao đáng kể khả tác chiến phi đối xứng trên biển thay vì hoặc động ven bờ như trước đây.
Ở một khía cạnh khác, các mẫu UAV kể trên có thể sẽ được Iran chuyển giao cho các đồng minh khác của họ ở Trung Đông bởi chúng có thể được triển khai từ bất cứ tàu chở hàng cỡ lớn nào. Từ đó Iran hoàn toàn có thể sử dụng UAV để khống chế vùng biển hoặc thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu mà họ xem là mối đe dọa an ninh.
Rõ ràng một viễn cảnh như vậy sẽ tạo mối đe dọa không hề nhỏ đối với quốc gia có quan hệ không mấy tốt đẹp với Iran như Mỹ và Israel hoặc các quốc gia Ả Rập đồng minh của Washington, bởi lực lượng ủy nhiệm hoặc tổ chức Hồi giáo bán vũ trang thân Iran đang hoạt động mạnh ở nhiều điểm nóng như Syria, Lebanon, Palestine.
Trước đó, Mỹ và Israel đã cáo buộc Iran sử dụng UAV và tên lửa để tấn công lực lượng Mỹ và các tàu liên kết với Israel ở vùng Vịnh.
Vào tháng 10/2021, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào chương trình phát triển UAV của Iran, cáo buộc Tehran cung cấp công nghệ cho các đồng minh trong khu vực, như phong trào Hezbollah của Lebanon và phong trào Hamas ở Dải Gaza.
Cùng với việc thành lập phân đội UAV trên hạm, Iran cho thấy chương trình phát triển UAV của nước này đã có những bước tiến nổi bật, còn việc các hệ thống vũ khí này được sử dụng và hiệu quả của chúng đến đâu thì cần phải có thêm thời gian để trả lời.