Sự nguy hiểm của vi khuẩn trong Pate Minh Chay
Các bác sĩ cho biết vi khuẩn Clostridium botulinum được tìm thấy trong Pate Minh Chay chứa độc tố gây chết người mạnh nhất hiện nay.
Bộ Y tế vừa cảnh báo một số sản phẩm Pate Minh Chay chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B có độc lực rất mạnh, khiến nhiều người nhập viện.
Trao đổi với Zing, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Clostridium botulinum là vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí). Chúng có khả năng tự tạo ra bào tử lẫn trong đất, cát.
Khi có điều kiện thuận lợi (môi trường yếm khí), các bào tử này sẽ tái hoạt động, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, botulinum là protein độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết. Vi khuẩn này có 7 chủng gây bệnh được ký hiệu từ A đến G. Trong đó, bệnh ở người thường do type A, B.
Trong y học, với liều lượng kiểm soát, độc tố botulinum type A được sử dụng để trị các chứng co cứng cơ. Trong thẩm mỹ, chất này được ứng dụng để xóa nếp nhăn trên mặt bằng tiêm botox vào các cơ.
Liều gây chết trung bình (LD50) của độc tố này ước tính 3.000 U đối với người lớn (khoảng 70 kg). Do đó, liều điều trị giãn cơ cho người bệnh trong khoảng 60-400 U.
Theo TS Lê Quốc Hùng, trung bình 12-36 giờ hoặc có thể vài ngày sau khi ăn các thực phẩm chứa bào tử, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum.
Các triệu chứng điển hình của bệnh là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân.
Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng đến khó thở, không thở được do liệt cơ hô hấp, dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
"Dù được điều trị tích cực, tình trạng liệt của bệnh nhân vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục. Do đó, ngộ độc botulinum là bệnh cảnh rất nguy hiểm", TS Hùng nhấn mạnh.
Ngoài đường ăn uống, bào từ vi khuẩn Clostridium botulinum có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng, tạo ra môi trường yếm khí, các bào tử có thể tái hoạt động và sản sinh ra chất độc botulinum. Ở trẻ nhỏ, bào tử vi khuẩn này có thể phát triển trong đường ruột và dẫn tới ngộ độc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết đa số trường hợp ngộ độc thịt từ thực phẩm đóng gói tại nhà. Bào tử vi khuẩn bền với nhiệt nhưng độc tố của nó dễ bị phân hủy. Do đó, việc nấu lại thức ăn đóng hộp ở 70 độ C trong 10-20 phút có thể ngăn ngừa nhiễm độc hiệu quả. Nếu thực phẩm đóng gói công nghiệp bị phồng, rách hay hết hạn, người dân không nên sử dụng.
Bác sĩ Hậu khuyến cáo người tiêu dùng nên giữ thức ăn ở dưới 5 độ C cho đến lúc sử dụng. Thịt nên được hút chân không hoặc đông lạnh và rã đông ngay trước khi nấu.
Ngoài ra, người dân nên rửa sạch các vết thương ngoài da sau khi bị thương, thoa dung dịch sát khuẩn và yêu cầu chăm sóc y tế trong quá trình điều trị.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-nguy-hiem-cua-vi-khuan-trong-pate-minh-chay-post1125761.html