Sự nguy hiểm của việc mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung (hay còn gọi là chửa ngoài dạ con) được xem là một biến chứng thai kì rất nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp y tế kịp thời sẽ dẫn tới nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người mẹ, đặc biệt là những hậu quả do biến chứng thai ngoài tử cung bị vỡ gây ra.

 Siêu âm sớm giúp phát hiện tình trạng mang thai ngoài tử cung

Siêu âm sớm giúp phát hiện tình trạng mang thai ngoài tử cung

Việc mang thai ngoài tử cung (TNTC) được xem là một biến chứng thai kì rất nguy hiểm có thể xảy ra ở bất cứ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh đẻ. TNTC là hiện tượng thai nghén bất thường do thai không nằm trong buồng tử cung mà nằm ở những nơi khác bên ngoài tử cung, có thể là ở vòi trứng, buồng trứng, trong ổ bụng, trong ống cổ tử cung và đặc biệt là tại vết mổ cũ lấy thai. Trong đó thường gặp nhất là ở vòi trứng, chiếm tỉ lệ 95- 98%. TNTC là 1 bệnh lí sản phụ khoa cấp tính, nếu không được kịp thời phát hiện và can thiệp sẽ dẫn đến hậu quả túi thai có thể vỡ bất cứ lúc nào. Khi có biến chứng vỡ gây xuất huyết, người bệnh sẽ đau dữ dội, da xanh xao và cảm giác mệt lả người do máu sẽ ngày càng chảy nhiều trong ổ bụng, không thể tự cầm, dẫn đến choáng, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ. Trường hợp được can thiệp sớm, những người mang thai ngoài tử cung vẫn sẽ có nguy cơ bị mang thai ngoài tử cung lại hoặc có thể bị vô sinh.

Cách đây 3 năm, chị Trần Thị H., ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, ra máu nhiều, người bủn rủn muốn xỉu. Sau khi được thăm khám và tiến hành siêu âm, xét nghiệm máu, chị H. và người nhà mới biết bị mang thai ngoài tử cung biến chứng vỡ. Ngay lập tức, chị H. được các bác sĩ chỉ định phải mổ ngay để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng. Ca mổ được thực hiện thành công, song đã 3 năm trôi qua, chị H. vẫn chưa thể mang thai trở lại, niềm ao ước muốn được có thêm con của chị H. và gia đình đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Theo bác sĩ Trương Thanh Mẫn, Phó trưởng Khoa Sản Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải (BVĐKKV) thì có những trường hợp TNTC không xác định được nguyên nhân, có người trước đó đã sinh con bình thường như chị H. nhưng lần mang thai sau, thai lại nằm lạc chỗ, cũng có người mang TNTC ngay lần đầu nhưng lần tiếp theo lại được mẹ tròn con vuông ... Tuy nhiên, một số nguyên nhân khiến việc có TNTC thường xuất phát từ vấn đề sức khỏe của người mẹ, thường do viêm nhiễm đường sinh dục; dị tật ống dẫn trứng; vòi trứng bị co thắt và có những nhu động bất thường; ống dẫn trứng bị chèn ép từ ngoài hoặc có khối u trong lòng ống dẫn trứng khiến trứng sau khi đã được thụ tinh không thể di chuyển trong ống dẫn trứng vào buồng tử cung để làm tổ. Trên thực tế, bất kì phụ nữ nào trong độ tuổi sinh đẻ đều có nguy cơ TNTC, song những đối tượng sau thường có nguy cơ bị TNTC cao nhất, gồm: Phụ nữ trên 35 tuổi; từng phẫu thuật vùng chậu, bụng hoặc phá thai nhiều lần; từng bị bệnh viêm khung chậu; từng bị lạc nội mạc tử cung; ống dẫn trứng có cấu trúc bất thường; từng sử dụng phương pháp hỗ trợ mang thai như thụ tinh nhân tạo; phụ nữ hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc lá lâu ngày; có tiền sử thai ngoài tử cung; bị các bệnh lây lan qua đường tình dục như giang mai, lậu; có thai mặc dù đang sử dụng các biện pháp tránh thai trong tử cung...

Khác với mang thai thông thường, việc mang thai ngoài tử cung thường khó phát hiện hơn. Có 3 dấu hiệu để nhận biết sớm việc có thai ngoài tử cung, bao gồm rối loạn kinh nguyệt, đau bụng, ra huyết âm đạo. Do đó, khi một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có bất kì dấu hiệu bất thường nào hoặc có 1 trong 3 dấu hiệu trên, việc cần làm ngay là đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán xác định, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra cho sức khỏe và tính mạng của chị em, nhất là tình trạng biến chứng TNTC vỡ gây xuất huyết ồ ạt. TNTC là một trong những biến chứng nguy hiểm của thai kì, để phòng ngừa hiện tượng này, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động sử dụng các biện pháp phòng tránh thai và hạn chế việc nạo phá thai; thực hiện giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt tốt để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Khi có viêm nhiễm sinh dục, chị em nên đi khám để được điều trị đầy đủ. Khám phụ khoa định kì và khám phụ khoa ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm sinh dục để được điều trị thích hợp, tránh di chứng viêm dính tắc vòi trứng, gây nguy cơ mang thai ngoài tử cung cũng như ảnh hưởng xấu đến các vấn đề sức khỏe sinh sản trong tương lai của chị em phụ nữ. Khi nghi ngờ mang thai, chị em nên đi khám thai sớm, siêu âm trong khoảng 2- 3 tuần sau khi trễ kinh để biết được tình trạng sức khỏe thai kì. Đặc biệt, khi thấy các triệu chứng đau bụng dữ dội, ra huyết âm đạo, trễ kinh và đột ngột ngất xỉu nên nghĩ ngay đến việc TNTC và phải ngay lập tức đưa thai phụ đến các cơ sở y tế, nhất là với những chị em từng có tiền sử bị TNTC hoặc có tình trạng viêm nhiễm sinh dục trước đó.

Việc phát hiện sớm tình trạng TNTC khi chưa vỡ sẽ giúp chị em giảm được các nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, tăng khả năng giữ lại được vòi trứng nhằm bảo toàn chức năng sinh sản bình thường cho sản phụ về sau, bác sĩ Trương Thanh Mẫn khuyến cáo.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142100