Sự phân hóa giữa các ngân hàng trung ương toàn cầu
Trong tuần này, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ đồng loạt nhóm họp để đưa ra quyết định lãi suất cuối cùng trong năm 2024.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ ngân hàng đầu tiên “cán đích” (ngày 18/12), tiếp theo là các ngân hàng trung ương của Nhật Bản, khu vực Bắc Âu và Anh trong ngày hôm sau. Những nền kinh tế này chiếm đến 50% số nền kinh tế có 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất thế giới. Do đó, các quyết định dự kiến được đưa ra sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Ít nhất 22 ngân hàng trung ương, chiếm 2/5 nền kinh tế toàn cầu, sẽ đưa ra quyết định về lãi suất trong tuần. Kết quả được cho là sẽ phản ánh sự phân hóa trong xu hướng nới lỏng, khi giới hoạch định chính sách cân nhắc về các rủi ro khác nhau cho năm tới.
Fed dự kiến giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, nhưng triển vọng năm 2025 và nguy cơ lạm phát từ các chính sách thuế nhập khẩu của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến các quan chức cẩn trọng hơn trong kế hoạch nới lỏng tiếp theo.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh vừa lo ngại về một cú sốc tăng trưởng từ các chính sách thương mại của ông Trump vừa thận trọng trước áp lực giá cả kéo dài.
Theo số liệu Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 13/12, nền kinh tế Anh bất ngờ giảm thêm 0,1% trong tháng 10/2024, sau mức giảm 0,1% vào tháng 9/2024. Số liệu công bố cho thấy một khởi đầu yếu cho quý IV khi tăng trưởng kinh tế đứng ở mức 0,1% trong quý III, so với mức 0,5% trong quý II.
Các số liệu công bố phản ánh những thách thức kinh tế đối với chính phủ Công đảng, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Anh hồi tháng Bảy với cam kết trong cương lĩnh tranh cử "đảm bảo tăng trưởng bền vững cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)".
Tại Nhật Bản, Ngân hàng trung ương nước này (BoJ) - sau khi chấm dứt chính sách lãi suất âm trong năm nay - có khả năng sẽ chờ đến năm 2025 để tăng lãi suất trở lại.
Thống đốc BoJ Kazuo Ueda dường như đang cân nhắc các lựa chọn cho đến phút cuối cùng trước khi đưa ra quyết định vào ngày 19/12. Ông sẽ xem xét kỹ lưỡng các số liệu như khảo sát Tankan của BoJ và theo dõi quyết định lãi suất của Fed vài giờ trước khi BoJ ra quyết định.
Sau khi nắm quyền vào tháng 4/2023, ông Ueda đã đưa năm 2024 thành một năm mang tính bước ngoặt bằng cách chấm dứt chương trình nới lỏng tiền tệ khổng lồ của BoJ vào tháng Ba với lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm. Lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ đưa lãi suất chính sách của BoJ từ 0,25% lên 0,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Mặc dù mức này vẫn rất thấp so với lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, nhưng động thái này vẫn thể hiện một sự thay đổi đáng kể, sau khi BoJ đã duy trì lãi suất ở mức -0,1% trong nhiều năm.
Ở khu vực Bắc Âu, sự khác biệt càng rõ rệt. Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lần thứ năm, trong khi Ngân hàng trung ương Na Uy có khả năng chờ đến năm sau để giảm lãi suất lần đầu tiên trong chu kỳ này.
Giám đốc mảng nghiên cứu kinh tế Mỹ thuộc Cơ quan phân tích và nghiên cứu kinh tế của Bloomberg là Bloomberg Economics cho rằng: “Ông Trump đã cam kết sẽ thực hiện hàng loạt chính sách có thể tác động đến lạm phát và hoạt động kinh tế. Điều này khiến nhiệm vụ của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trở nên phức tạp hơn. Do tác động của chính sách tiền tệ thường có độ trễ, các nhà hoạch định chính sách phải thiết lập chính sách tại mỗi cuộc họp dựa trên dự đoán tốt nhất về điều kiện kinh tế trong một hoặc hai năm tới. Trong cuộc họp sắp tới về việc thiết lập lãi suất liên bang, họ sẽ cân nhắc khả năng thực thi các đề xuất của ông Trump và đánh giá những rủi ro liên quan”.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/su-phan-hoa-giua-cac-ngan-hang-trung-uong-toan-cau/356881.html