'Sư phụ' của lưu học sinh Lào trên đất Quảng Ngãi
Kể từ tiết dạy tiếng Việt đầu tiên cho lưu học sinh Lào cách đây 16 năm, cô Kiều vẫn giữ tình cảm yêu thương với những học trò nước láng giềng.
Người trong gia đình
Vào trung tuần tháng Ba, chúng tôi ghé Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Dãy nhà C vang tiếng đọc bài đồng thanh, nhưng nghe kỹ có vài từ phát âm lo lớ. Đây là lớp dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào của cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Kiều.
Dù mới theo học được 2 tuần, nhưng Mingmalay Day (21 tuổi), đến từ tỉnh Sekong đã cơ bản giao tiếp được bằng tiếng Việt. Mingmalay Day chia sẻ: Bản thân và gia đình nhận thấy điều kiện học tập ở Việt Nam rất tốt nên đã quyết định theo học ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi).
“Trước khi sang học tập tại Việt Nam, em chỉ có 3 tuần để làm quen cấp tốc tiếng Việt nên còn nhiều từ vựng lạ lẫm. Nhưng nhờ cách dạy dễ hiểu và sự chu đáo, tận tâm của cô Kiều em dần hoàn thiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt”, Day nói.
Hiện, Day được các bạn xem như “ngôi sao sáng” bởi em có thể nghe hiểu và nói tiếng Việt tốt nhất trong tổng số 16 lưu học sinh Lào theo học đợt này. Mặt khác, chuyến du học xa nhà càng đặc biệt hơn với Day, khi em gái ruột Mingmalay Lamphueng cũng theo học cùng ngành tại trường. Dù chưa thể nghe, nói tốt như anh trai nhưng Lamphueng vẫn thuộc nhóm tiếp thu tốt trong lớp.
Theo cô Kiều, các bạn lưu học sinh Lào học khá nhanh, dù tiếng Việt đối với người nước ngoài không dễ. “Để du học sinh có thể nhanh chóng thông thạo tiếng Việt, giáo viên phải cho các em tập nói thật nhiều, nghe những đoạn hội thoại ngắn, giao tiếp trực tiếp, tự giới thiệu về bản thân, gia đình, quê hương bằng tiếng Việt… Sau đó, giáo viên sửa trực tiếp cho từng em ngay tại lớp”, cô Kiều chia sẻ.
Với cô Kiều, điều hạnh phúc nhất là thấy học trò thành thạo tiếng Việt bởi đây được xem như hành trang vững chắc giúp các em tiếp tục theo học chuyên ngành đã chọn tại các trường đại học, cao đẳng. “Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã khó, dạy lưu học sinh Lào càng khó hơn bởi sự khác biệt từ cách phát âm, ngữ pháp đến ngữ hệ. Giáo viên phải linh hoạt sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy giúp học sinh có thể tiếp thu hiệu quả nhất…”, cô Kiều tâm sự.
Không chỉ chu toàn trên lớp mà những giáo viên như cô Kiều còn phải trở thành bạn, người thân của lưu học sinh để hướng dẫn hiệu quả từ việc đăng ký học phần, lựa chọn môn học… đến trao đổi, nắm bắt khó khăn các em gặp phải trong quá trình sinh hoạt; giúp đỡ thăm hỏi tận tình khi các em ốm đau.
“Nhớ nhà, nhớ người thân là điều đa số các bạn lưu học sinh gặp phải ở thời gian đầu du học. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 hoành hành nhiều em không về được nhà, chúng tôi phải luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ và nhắc nhở giữ gìn sức khỏe”, cô Kiều tâm sự.
Vun đắp tình hữu nghị
Xác định công việc của mình không chỉ giảng dạy trên lớp, mà còn là niềm vinh dự khi thực hiện nhiệm vụ chính trị, cô Kiều luôn tự dặn lòng phải xây dựng hình ảnh đẹp về trường, con người Quảng Ngãi và xa hơn là người Việt Nam trong mắt học sinh Lào.
“Động lực để gắn bó với nghề, thêm yêu lưu học sinh Lào chính là những lần nhận được lời chúc của học sinh vào dịp lễ tết. Cũng nhiều lưu học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường đã đưa gia đình trở lại Việt Nam chơi, thăm cô giáo và gọi 2 tiếng “sư phụ” khiến tôi rất vui và tự hào…”, cô Kiều nói.
Theo TS Bùi Văn Thanh, Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Sư phạm Xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), cùng với đào tạo các chuyên ngành đại học thì nhà trường được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trước khi theo ngành học chính tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Đối với nhà trường đây là nhiệm vụ chính trị vinh dự, góp phần gìn giữ, vun đắp mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hai nước Việt Nam – Lào. Vì thế, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để khích lệ tinh thần, giúp các lưu học sinh Lào ngày càng tiến bộ trong học tập.
Hàng năm, Quảng Ngãi đào tạo từ 15 - 20 chỉ tiêu ĐH, CĐ cho các tỉnh Nam Lào. Trong giai đoạn 2016 - 2023, Quảng Ngãi tiếp nhận đào tạo diện học bổng cho 142 lưu học sinh Lào đến từ các tỉnh Champasak, Sekong, Attapeu. Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đào tạo hơn 376 lưu học sinh Lào theo diện tự túc.
Theo TS Nguyễn Đức Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, từ năm 2008 đến nay, trường dạy tiếng Việt cho hơn 516 lưu học sinh Lào. Từ năm 2016 đến nay, sau khi tỉnh Quảng Ngãi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với một số tỉnh Nam Lào, trường đã tiếp nhận đào tạo 310 lưu học sinh Lào học tiếng Việt, trong đó có hơn 120 em được đào tạo chuyên sâu.
Vào tháng 4 hằng năm, Trường Đại học Phạm Văn Đồng và sinh viên Lào cùng tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay. Đây là cái Tết ấm áp nghĩa tình, giúp sinh viên Lào vơi đi nỗi nhớ nhà. Thầy và trò Việt – Lào lại tay trong tay hòa cùng điệu múa, thực hiện các nghi thức trong ngày Tết cổ truyền dân tộc Lào.
Gắn bó với sự nghiệp giáo dục 25 năm và bắt đầu dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng từ năm 2007, cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Kiều được xem như người dạy tiếng Việt vỡ lòng cho những lưu học sinh Lào tại Quảng Ngãi.