Sự phục hồi không chắc chắn của kinh tế Mỹ
Project Syndicate nhận định, giống như hầu hết các nước trên thế giới, Mỹ đang cố gắng vượt qua cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và sự suy thoái sâu do hậu quả của việc đóng cửa nền kinh tế.
Tính theo tỷ lệ hàng năm, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong quý I và quý II/2020 và có thể sẽ giảm tới 40% - mức suy giảm mạnh nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái - trong thời gian tới.
Nền kinh tế Mỹ đón nhận thông tin tích cực lẫn không mấy tốt lành khi trong tháng 6, nước này đã ghi nhận thêm 4,8 triệu việc làm, trong bối cảnh các doanh nghiệp trên toàn quốc rục rịch mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại Mỹ lại tiếp tục nới rộng khi kim ngạch xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/7 cũng cho thấy cũng trong tháng này, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm hơn 2% xuống còn 11,1%. Báo cáo nhận định sự cải thiện trên thị trường lao động phản ánh hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi sau thời gian bị đình trệ do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Một báo cáo khác của Bộ trên cho thấy trong tuần qua đã có thêm 1,43 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, giảm nhẹ so với tuần trước đó. Trong 4 tuần qua, trung bình mỗi tuần lại có 1,5 triệu người bị mất việc.
Khoảng 70% những người bị sa thải nói rằng họ hy vọng sẽ lại có việc làm, nhưng không phải tất cả đều như vậy, bởi vì rất nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, di dời hoặc tái tổ chức.
Dữ liệu tần số cao từ các thẻ tín dụng và theo dõi lưu động vốn đối với tháng 5 và tháng 6/2020 cho thấy đã có sự phục hồi tương đối mạnh từ mức thấp của tháng 4/2020, với hoạt động trong một vài lĩnh vực đã tiệm cận hoặc thậm chí vượt quá các mức của năm trước.
Tuy nhiên, sự phục hồi ở từng lĩnh vực và từng khu vực cũng khác nhau. Mặc dù các hãng công nghệ lớn, các nhà cung cấp đồ dùng gia đình và bán lẻ đồ uống có cồn đã phát triển mạnh, nhưng ngành du lịch và giải trí đã sụp đổ và sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Các nhà hàng với dịch vụ lái xe đã hoạt động tốt hơn nhiều so với những nhà hàng chỉ phục vụ trong nhà. Hầu hết các nhà dự báo đều cho rằng sự phục hồi theo hình chữ V ban đầu sẽ chậm lại trong vòng vài quý tới, và thay vào đó có thể sẽ theo mô hình biểu tượng của hãng Nike. Tuy nhiên, dự báo có thể không chắc chắn so với bình thường.
Trước hết, việc đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu để đối phó với dịch bệnh đã dẫn tới một cú sốc về cầu.
Cho đến nay, hàng ngàn tỷ USD được cung cấp dưới dạng các khoản tài trợ và cho vay đối với doanh nghiệp, chi trả tiền mặt cho các hộ gia đình và bảo hiểm thất nghiệp với các khoản thanh toán lợi tức chia thêm của liên bang (cho phép 2/3 số lao động đủ điều kiện được nhận các lợi ích vượt quá thu nhập bị mất của họ) đã tạo bước đệm để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cam kết duy trì tỷ lệ lãi suất mục tiêu cho đến khi nền kinh tế quay trở lại mức toàn dụng và sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi các chương trình mua tài sản.
Trong khi đó, gói cứu trợ tài chính thứ tư dự kiến đưa ra vào tháng tới sẽ tập trung vào việc tái mở cửa nền kinh tế, bao gồm cả việc hạn chế các trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp và tiếp tục chi trả tiền thưởng để khuyến khích các công nhân quay trở lại làm việc.
Nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh như thế nào từ các cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế cộng đồng sẽ phụ thuộc vào việc các nước khác đối phó với hai cuộc khủng hoảng này ra sao và ngược lại.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 93% số quốc gia sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
Mặc dù số đợt tăng gần đây của các ca lây nhiễm COVID-19 mới ở Mỹ dường như có thể được kiểm soát khi xét tới điều kiện có thể cung cấp đầy đủ giường bệnh và trang thiết bị, một tình trạng tồi tệ có thể sẽ tạo ra các đợt đóng cửa mới hoặc dừng việc tái mở cửa nền kinh tế.
Điều này sẽ làm chậm quá trình phục hồi, dẫn đến sự tuyệt vọng về kinh tế và các vấn đề về sức khỏe và xã hội đối với nhiều người Mỹ. Hơn nữa, các cuộc khủng hoảng kép của Mỹ đã bộc lộ những vấn đề dài hạn hơn, bắt đầu từ việc Mỹ không dự trữ đầy đủ các vật tư y tế.
Ví dụ, tiểu bang California chưa bao giờ duy trì các vật tư mà Thống đốc bang khi đó là Arnold Schwarzenegger đã xây dựng để chống lại dịch bệnh SARS giai đoạn 2002-2003 và đã phải sửa chữa hàng trăm máy thở bị hỏng.
Trong khi đó, các hệ thống máy tính cổ lỗ để xử lý các đơn thất nghiệp và phân phối các lợi ích của chính quyền các tiểu bang đã bị treo vào lúc đỉnh điểm của thời kỳ dịch bệnh.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã cho thấy quá nhiều cá nhân và doanh nghiệp thiếu biên độ tài chính để có thể chống chịu với vài tháng mất thu nhập hay doanh thu. Đại dịch cũng làm nổi bật và khiến cho tình trạng chênh lệch chủng tộc về y tế, thu nhập và sự dễ tổn thương trước các cú số về y tế và kinh tế thêm tồi tệ.
Những cuộc khủng hoảng này đòi hỏi phản ứng can thiệp mạnh mẽ, nhanh chóng chưa từng có song phản ứng của chính phủ được ban hành trong các tình huống cấp thiết lại cần phải kiểm soát chi phí tốt hơn và khôi phục các ưu đãi cá nhân về lâu dài, bởi vì lịch sử cho thấy một khi đã được đưa ra, các chương trình công và sự can thiệp của chính phủ hiếm khi chấm dứt.
Sự phục hồi y tế và kinh tế cũng phụ thuộc rất nhiều vào các hành động của doanh nghiệp, công dân, trường học, bao gồm cả việc họ có tuân thủ các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị như giãn cách xã hội, thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang hay không.
Vẫn còn phải xem liệu các doanh nghiệp có thể tồn tại với các hạn chế đối với khách hàng và người lao động không và liệu việc thúc đẩy chuyển đổi số có phải là một điểm cộng? Tất nhiên, vẫn còn mối đe dọa khác là làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai khiến cho các bệnh viện quá tải và gây ra nỗi lo sợ cho người lao động, sinh viên và các khách hàng.
Một điểm sáng là tốc độ đổi mới thích ứng nhanh chóng. Hầu hết các trường học ở Mỹ đã nhanh chóng tiếp tục giảng dạy trực tuyến sau khi đóng cửa, trong khi điều trị từ xa bùng nổ, được hỗ trợ bằng cách nới lỏng những hạn chế chi trả của chính phủ và các quy tắc cấm tham vấn y tế giữa các bang với nhau.
Các nhà nghiên cứu y tế đã nhanh chóng tái tập trung vào việc xét nghiệm COVID-19, các phương pháp trị liệu và vắc-xin. Các thử nghiệm trên người đã bắt đầu đối với một số loại vắc-xin có triển vọng và các thử nghiệm mới có thể sẽ được triển khai trước mùa Đông.
Lần đầu tiên, năng lực sản xuất vắc-xin sẽ được tăng cường đồng thời với việc xét nghiệm, do đó bất kỳ một loại vắc-xin nào an toàn và hiệu quả được phát hiện sẽ được đưa vào sử dụng nhanh chóng hơn nhiều.
Trong bối cảnh đó, các vấn đề dài hạn hơn đã được bộc lộ bởi đại dịch bệnh và suy thoái kinh tế sẽ không biến mất khi những cuộc khủng hoảng này chấm dứt.
Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có các chính sách tăng cường để mở rộng sự lựa chọn trường học, đem lại việc làm và vốn tư nhân cho các khu vực bị ảnh hưởng và đảm bảo đào tạo nghề tốt hơn cũng như thực hiện một cách tiếp cận mới đối với các chương trình chống đói nghèo đang được thử nghiệm một cách chồng chéo.
Những người nhận phúc lợi ở Mỹ đối mặt với các mức thuế suất biên rất cao đối với các khoản trợ cấp mà họ sẽ mất nếu họ làm việc, với rất nhiều người lao động sẽ kiếm được ít tiền hơn nếu họ đi làm so với việc ở nhà và hưởng trợ cấp từ một số chương trình phúc lợi khác nhau.
Rất khó để có thể dự đoán với bất kỳ sự chắc chắn nào về tốc độ và sức mạnh của sự phục hồi kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều rõ ràng là chúng ta phải tăng cường khuyến khích làm việc trong các thời kỳ bình thường khi việc làm dồi dào, đồng thời tăng cường mạng lưới an toàn cho những thời điểm không có việc làm và những người không thể làm việc./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/su-phuc-hoi-khong-chac-chan-cua-kinh-te-my/161585.html