Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa
Thanh Hóa - vùng đất địa linh nhân kiệt, có vị trí chiến lược về nhiều mặt, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển luôn nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường (tháng 12-1961). Ảnh: tư liệu
Trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa là một tỉnh tự do có vị thế chiến lược cực kỳ xung yếu. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, Thanh Hóa luôn giữ vai trò là căn cứ chiến đấu, là hậu phương chiến lược của các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại. Nhân dân Thanh Hóa có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm kiên cường bất khuất, có khả năng và kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ căn cứ và hậu phương kháng chiến. Đảng bộ Thanh Hóa ra đời sớm, có trình độ và kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo cách mạng và đã từng xây dựng Chiến khu du kích Ngọc Trạo - một trong hai chiến khu cách mạng đầu tiên của cả nước.
Sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), dù bận nhiều công việc lãnh đạo toàn quân, toàn dân kháng chiến chống Pháp, nhưng ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên Người về Thanh Hóa. Nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Người nhấn mạnh: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa đóng góp ngày càng nhiều cho kháng chiến. Năm 1949, diện tích trồng lúa tăng thêm 10.000 mẫu, ngô tăng 3.949 mẫu, cây bông sợi tăng 6.149 mẫu, khoai lang tăng 9.426 mẫu. Sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, cổ vũ quân dân trong tỉnh hăng hái đẩy mạnh kháng chiến - kiến quốc. Nhân dân có điều kiện đóng góp cho kháng chiến. Riêng đợt mua lúa khao quân năm 1949, Nhân dân trong tỉnh bán 7.936 tấn thóc và đóng góp hàng ngàn tấn để cung cấp cho bộ đội địa phương. Với thành tích này, tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “Thư” khen ngợi Nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là khen xã Tân Tiến (Hà Trung), Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) và Đông Anh (Đông Sơn) vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giúp đỡ bộ đội, dân quân.
Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần thứ hai. Người khen ngợi: “Trong kháng chiến, đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm. Ví dụ: dân công đã ra sức rất nhiều trong một chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương: “Thanh Hóa đã xây dựng được nhà máy điện, nhà máy phốt phát, nhà máy giấy, đài truyền thanh, nông trường Yên Mỹ; các nghề thủ công nghiệp như làm gạch, làm chum, dệt vải được phục hồi, phát triển. Thanh Hóa đã sửa chữa đập Bái Thượng, nâng cấp đê sông Mã, sông Chu; phong trào chống úng, chống hạn phát triển mạnh. Nông nghiệp mấy năm liền thu hoạch cũng khá, công tác bình dân học vụ cũng tốt, điển hình là xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc), thị xã Thanh Hóa. Bác mong Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu”. Những điều khen ngợi và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương hướng phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa.
Trong lần thứ ba về thăm Thanh Hóa (17 đến 19-7-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI. Bác nhấn mạnh vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua yêu nước, căn dặn các đại biểu dự đại hội: “Một là, các cô, các chú phải bàn thiết thực để thi đua thế nào cho nhanh, nhiều, tốt, rẻ, chống được lãng phí, thi đua giữa nhà máy này với nhà máy khác để hoàn thành sớm kế hoạch 3 năm và có thời gian chuẩn bị kế hoạch 5 năm. Hai là, nhà máy phải giúp đỡ HTX cải tiến nông cụ và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa. Phải giúp đỡ có kế hoạch, từ đầu đến cuối, giúp cho có thủy có chung”.
Từ ngày 11 đến 12-12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ tư về thăm quê hương Thanh Hóa. Người đến thăm Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa, HTX Thành Công HTX nông nghiệp Yên Trường (huyện Yên Định)... Nói chuyện với cán bộ và Nhân dân Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên, thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và đoàn; đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
Ngoài bốn lần trực tiếp về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư biểu dương, khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Trong thư gửi đồng bào Thanh Hóa tháng 6-1950, Bác viết: “Tôi thay mặt bộ đội địa phương cảm ơn đồng bào và thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào”. Người khen ngợi ba xã xuất sắc nhất trong chiến đấu và sản xuất là Tân Tiến, Hoằng Lộc và Đông Anh. Tháng 11-1954, Người gửi thư, tặng quà và huy hiệu cho cán bộ, đồng bào, thanh niên, dân công ở công trường xe lửa và đập sông Chu. Năm 1961, Bác khen các cấp lãnh đạo tỉnh đã đoàn kết nhất trí, tận tụy phục vụ Nhân dân, chấp hành chỉ thị của cấp trên một cách nghiêm chỉnh. Ngày 19-5-1964, Bác gửi thư khen tuổi trẻ Thanh Hóa cùng với tuổi trẻ Nghệ An đã vượt qua gian khổ, xây dựng tuyến đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An. Năm 1967, biết tin các trung đội nữ dân quân Thanh Hóa như trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Hậu Lộc), Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Hà Tiến (Hà Trung) lập thành tích bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, Bác viết thư khen ngợi: “Cùng với thành tích to lớn chống Mỹ, cứu nước của phụ nữ cả nước ta, chiến công của các cháu làm rạng rỡ thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang. Bác vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu một Huy hiệu”.
Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tiêu biểu như, trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Yên Định trở thành mẫu hình của nghề trồng bông. Các nơi như Yên Trường, Yên Lộc có sản lượng bông cao nhất huyện. Với thành tích đó, tháng 4-1961, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và đại biểu các tỉnh, thành toàn miền Bắc về tham quan cánh đồng huyện Yên Định và tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trồng bông tại xã Yên Lộc. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu rõ phương hướng phát triển cây công nghiệp, trong đó có cây bông và cây lạc. Sau hội nghị, huyện Yên Định phát động Nhân dân tích cực mở rộng diện tích trồng bông, tập trung ở các xã ven sông Mã, từ Yên Lâm, Yên Lộc đến Định Công, Định Thành.
Từ ngày 4 đến ngày 5-4-1966, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại hội công nông binh toàn tỉnh tại xã Xuân Hòa (Thọ Xuân). Đại hội biểu dương thành tích của quân dân Thanh Hóa trên các lĩnh vực và ghi nhận thành tích xuất sắc của Đảng bộ và Nhân dân huyện Quan Hóa, huyện Tĩnh Gia, Phân xưởng điện Ấp Bắc, Tiểu khu Nam Ngạn, các xã Hoằng Long, Hoằng Lý (Hoằng Hóa), Cổ Lũng (Bá Thước), bộ đội đảo Mê anh hùng, đội cầu I, Bệnh viện Thanh Hóa, Trường cấp I xã Hải Nhân (Tĩnh Gia) cùng hàng chục đơn vị trong tỉnh. Đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ khen ngợi thành tích của Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa, đồng thời chỉ rõ những điểm cần khắc phục và những việc cần làm để đẩy mạnh phong trào thi đua giành những thành tựu mới.
Ngày 1-4-1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa. Tổng Bí thư đến thăm các công trình thủy lợi, thăm các cơ sở sản xuất và làm việc với lãnh đạo các ngành, các cấp. Tổng Bí thư chỉ rõ: Cái vốn quan trọng của Thanh Hóa là đất đai, rừng, biển, tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động dồi dào... Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa cần phát huy tiềm năng lợi thế xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, đảng bộ lãnh đạo Nhân dân ra sức thi đua sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác thủy lợi, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích canh tác.
Nhằm phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (1981-1985), ngày 2-9-1985, Tỉnh ủy, UBND, MTTQ tỉnh Thanh Hóa tổ chức kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Chủ tịch nước Trường Chinh thay mặt Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa về thành tích xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Sau phần thưởng cao quý trên, trong thời kỳ đổi mới, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã vào thăm, làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa. Có thể nói, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Thanh Hóa cũng luôn nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa luôn nêu cao truyền thống yêu nước, cách mạng, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2011-2020 đạt 10,3%, trong đó giai đoạn 2016-2020 đạt 12,5%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn.