Sự quyết định của công nghệ cao đối với việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại 3 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Cần Thơ

TS. TRẦN VĂN THIỆN - ThS. PHẠM KIÊN (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Bài viết làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) trong quá trình phát triển kinh tế cũng như việc ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm giải quyết các vấn đề, như: Đô thị hóa tăng kèm theo đó và các vấn đề của đô thị như môi trường, giao thông, y tế, an toàn và nhà ở trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó chỉ ra những cơ hội cũng như giải pháp phát triển bền vững hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế, đồng thời làm rõ vai trò định hướng của Nhà nước trong qui hoạch, đầu tư, có chính sách khuyến khích đa dạng các nguồn vốn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và người dân tham gia xây dựng ĐTTM phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Từ khóa: Đô thị thông minh, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông.

1. Đặt vấn đề

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh từ 629 đô thị năm 1999 đến nay đã có trên 830 đô thị, đi kèm với đó là hàng loạt những thách thức đòi hỏi cần có giải pháp giải quyết hiệu quả các nội dung trọng tâm, như: Đô thị hóa tăng kèm theo đó và các vấn đề như: môi trường, giao thông, y tế, an toàn và nhà ở. Để giải quyết vấn đề này hiệu quả trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 thì phát triển ĐTTM được quan tâm hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, sự phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, rất cần sự hiện diện của các ứng dụng công nghệ cao để gia tăng tốc độ và đảm bảo tính hiệu quả mong muốn. Trong đó, việc xây dựng, phát triển ĐTTM với nền tảng là kết cấu hạ tầng kết hợp với ứng dụng công nghệ thông minh là một trong những chính sách hàng đầu. Điều này tạo ra một bức tranh sinh động về một đô thị hiện đại với các tiện ích tốt cho cuộc sống và các hoạt động kinh tế, thu hút sự đầu tư.

Tại Việt Nam, một số đô thị đã có chương trình xây dựng phát triển ĐTTM với các hành động hết sức mạnh mẽ. Điều này một mặt tạo đà thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác tạo cho người dân không gian sống và hoạt động có chất lượng. Các quyết sách này đã được thực thi tại các địa phương, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Huế, Bình Dương nhằm tạo ra các ĐTTM với vai trò dẫn đầu và kết nối. Nội dung của các chính sách luôn gắn liền với việc ứng dụng công nghệ thông minh cho các hoạt động của đô thị với ý nghĩa tiến nhanh, tiến vững chắc thành quốc gia phát triển có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc ứng dụng công nghệ như thế nào vào tiến trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị sao cho phù hợp và hiệu quả. Chính vì thế, cần phải xây dựng mô hình có tính tương tác mạnh giữa hệ thống công nghệ được áp dụng và hệ thống hạ tầng đô thị nhằm giúp nhà quản lý và hoạch định chính sách có những quyết định đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

2. Giải pháp công nghệ áp dụng cho đô thị thông minh một số địa phương của Việt Nam

Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đề ra: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Xây dựng ĐTTM vừa là đòn bẩy về kinh tế, vừa là xu thế tất yếu của thời đại.

Xây dựng ĐTTM là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề dân số, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập cũng đặt ra yêu cầu cho các đô thị. Đô thị phải nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh để thu hút các nguồn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang việc ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (điện toán đám mây, big data,…) để thay đổi từ mô hình quản trị theo chiều dọc sang mô hình quản trị hiện đại có sự kết nối cao giữa các lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực quản lý đô thị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Sự đột phá về quản lý theo hướng ĐTTM chính là sự kết nối giữa tất cả các lĩnh vực với nhau dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông. Trong bài báo này nhóm tác giả xem xét 3 thành phố điển hình khu vực Nam Bộ đã và đang xây dựng ĐTTM là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và Bình Dương để có cái nhìn thấu đáo cũng như rút kinh nghiệm cho các địa phương khác xây dựng và phát triển ĐTTM đạt hiệu quả cao.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 23/11/2017, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó xác định tầm nhìn là “thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”. Việc xây dựng ĐTTM của thành phố Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở vận dụng tối ưu các nguồn lực của thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: nguồn nhân lực, tài nguyên, công nghệ, vị trí trung tâm, đồng thời đảm bảo việc phát triển bền vững. ĐTTM ở thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc đảm bảo người dân sẽ có chất lượng cuộc sống tốt, được phục vụ tốt hơn và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng, thành phố Hồ Chí Minh còn phải đảm bảo tính lan tỏa, tương tác cao và là hạt nhân cho vùng Đông Nam bộ. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên nguồn lực xây dựng các cơ sở dữ liệu nền địa hình và bản đồ địa chính, người dân và doanh nghiệp làm nền tảng triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng nền tảng dữ liệu mở, làm cơ sở phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố Hồ Chí Minh, từ đó chia sẻ tài nguyên dữ liệu với người dân, góp phần nâng cao chất lượng sống, khuyến khích người dân tích cực tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền.

Xây dựng Trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, dựa trên những yếu tố phát triển bền vững, để dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cung cầu lao động, xây dựng bộ chỉ số niềm tin kinh doanh, tiêu dùng, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thành lập Trung tâm an toàn thông tin thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng, đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công mạng, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin cũng như an toàn cho các hệ thống thông tin và hệ thống tự động hóa, hệ thống giám sát, điều khiển các cơ sở hạ tầng, dữ liệu trọng yếu của thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM của thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm là nơi tổng hợp, khai thác tất cả các nguồn thông tin dữ liệu với các công cụ hỗ trợ ra quyết định tối ưu, qua đó giúp lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh điều hành, xử lý các tình huống, quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Trung tâm điều hành ĐTTM tại thành phố Hồ Chí Minh còn đảm bảo chức năng kết nối với các trung tâm điều hành sở - ngành, trung tâm điều hành quận - huyện và các trung tâm chuyên ngành.

Đối với Bình Dương

Bình Dương - một đô trẻ với nguồn lực không được như thành phố Hồ Chí Minh nên phương án xây dựng ĐTTM theo hướng một hệ sinh thái năng động, sáng tạo và kết nối phù hợp hơn. Bằng cách này mọi thành tố liên tục được cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng, đồng thời xem ĐTTM còn là giải pháp ưu việt nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho người dân.

UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án ĐTTM Bình Dương nhằm hiện thực hóa 5 chương trình đột phá của Tỉnh ủy Bình Dương trong giai đoạn 2016-2020: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển đô thị văn minh giàu đẹp, phát triển dịch vụ hàm lượng tri thức cao tác động đến công nghiệp theo hướng công nghệ cao, huy động các nguồn lực để phát triển, nâng tầm quốc tế thương hiệu Bình Dương. ĐTTM Bình Dương hướng đến quy tụ nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, hướng đến những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó con người và tri thức là trọng tâm.

Mô hình “ba nhà” áp dụng tại Bình Dương là mô hình thúc đẩy sự hợp tác giữa chính quyền, các doanh nghiệp, các viện, trường học trong tỉnh và liên kết linh động với các vùng khác. Trong mối quan hệ hợp tác này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung; doanh nghiệp, các viện và trường học nhận trách nhiệm theo lĩnh vực của mình. Mô hình này tạo ra đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn chung dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp, thúc đẩy phát triển ĐTTM tại Bình Dương.

Để xây dựng ĐTTM, Bình Dương đã tập trung nguồn lực để phát triển, như xây dựng trung tâm Dữ liệu đạt chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch của chính quyền. Ngoài ra, Becamex IDC triển khai hướng tới 4 lĩnh vực: con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng. Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐTTM cũng đang được Becamex IDC triển khai với nhiều hoạt động cụ thể. Theo đó, các đơn vị thành viên của Becamex IDC và Trường Đại học quốc tế Miền Đông (EIU) đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

Trong chiến lược xây dựng ĐTTM, Bình Dương quy hoạch khu vực gọi là Vùng thông minh Bình Dương bao gồm một phần phía Nam của tỉnh, được chọn lựa dựa trên các tiêu chí là nơi hiện nay đang tập hợp những đô thị, khu vực nghiên cứu giáo dục và công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Tháng 10/2018, vùng thông minh Bình Dương là địa phương đầu tiên ở Việt Nam đạt được Smart 21. Việc nâng tầm thu hút đầu tư cũng được Bình Dương chú trọng.

Đối với Cần Thơ

Không như thành phố Hồ Chí Minh với nguồn lực dồi dào và Bình Dương là địa phương có lượng đầu tư nước ngoài lớn, Cần Thơ là trung tâm của vùng nông nghiệp lớn nhất nước nên đề án xây dựng ĐTTM của địa phương này có khác biệt khá rõ so với hai địa phương trên. Đề án xây dựng ĐTTM của Cần Thơ được thiết kế dựa nên ưu điểm nổi bật của địa phương trong những lĩnh vực: chính quyền số, quy hoạch ĐTTM, giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và an ninh, an toàn trong ĐTTM. Với tầm nhìn “Phát triển thành phố Cần Thơ trên nền tảng người dân làm trung tâm đô thị. Nâng cao chất lượng cuộc sống, quản trị đô thị hiện đại. Phát triển đô thị thịnh vượng, bền vững”.

ĐTTM của Cần Thơ được phát triển theo các giai đoạn sau:

Giai đoạn 2018-2020, thiết lập nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung cho ĐTTM. Theo đó, hình thành Trung tâm Điều hành ĐTTM để tích hợp các dữ liệu hiện có.

Giai đoạn 2021-2023, triển khai đồng bộ các giải pháp trên khung nền tảng dùng chung, mở rộng, cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Theo đó, triển khai các dự án theo lộ trình ưu tiên; chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai dữ liệu mở trên các lĩnh vực để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ thông minh cho Thành phố.

Giai đoạn 2024-2025, đổi mới, sáng tạo cung cấp các dịch vụ đô thị sẽ xuất phát chủ yếu từ khối tư nhân; chính quyền đóng vai trò thu thập, cập nhật và chia sẻ dữ liệu mở, phân tích dự báo để ban hành chính sách và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đồng thời, tiếp tục cải tiến cập nhật công nghệ định hướng và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn kế tiếp.

3. Kết luận - Kiến nghị 3.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự phát triển ĐTTM ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ có trọng tâm là phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển đô thị văn minh giàu đẹp, phát triển dịch vụ hàm lượng tri thức cao tác động đến công nghiệp theo hướng công nghệ cao, huy động các nguồn lực để phát triển, nâng tầm quốc tế thương hiệu là lộ trình ĐTTM của Bình Dương và thành phố Cần Thơ phát triển ĐTTM trên nền tảng người dân làm trung tâm đô thị. Nâng cao chất lượng cuộc sống, quản trị đô thị hiện đại. Phát triển đô thị thịnh vượng, bền vững. Sự đa dạng này làm cho các lộ trình phát triển ĐTTM của họ khác nhau. So sánh sự phát triển ĐTTM ở 3 địa phương trên cho thấy chúng cũng có những điểm chung. Trong tất cả các trường hợp, phát triển ĐTTM cần phải ứng phó với những thách thức lớn về môi trường và nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai. Ngoài ra, cần có định hướng từ chính sách và tầm nhìn của lãnh đạo. Tiếp theo, để hỗ trợ phát triển năng lực cần có sự đầu tư cả trong và ngoài nước, các hoạt động đầu tư sẽ được thực hiện để nuôi dưỡng môi trường đổi mới và người dân có thể hưởng lợi từ việc phát triển ĐTTM. Song song đó, các sáng kiến được thực hiện để phát triển các nền tảng được đưa vào các chính sách địa phương. Cuối cùng, chính quyền địa phương nỗ lực phát triển các dự án có tính định hướng cho phép họ xây dựng thương hiệu để thu hút đầu tư và mở rộng lộ trình phát triển ĐTTM.

3.2. Kiến nghị

Theo các tác giả, xây dựng ĐTTM là một là một quá trình tất yếu của Việt Nam, vì vậy khi xây dựng và phát triển ĐTTM cần phải có những kế hoạch, chiến lược phù hợp chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Trước tiên là chú trọng nâng cao nhận thức của chính quyền, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội về sự cần thiết và lợi ích của việc xây dựng ĐTTM. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền về ĐTTM để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Thứ hai, phối hợp với các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội ban hành luật và văn bản pháp luật quy định chi tiết các nội dung của ĐTTM. Về lâu dài, cần thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật cũng như các chính sách liên quan đến “xây dựng ĐTTM” để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, có chính sách bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm ở vị trí công nghệ thông tin; Chú trọng xây dựng và quản lý quy hoạch nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện xây dựng ĐTTM.

Thứ tư, có chính sách khuyến khích các liên doanh, liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư công nghệ mới giúp các địa phương xây dựng ĐTTM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Marianna Cavada, Miles R. Tight and Christopher D.F. Rogers. (2019). A smart city case study of Singapore - Is Singapore truly smart? Smart City Emergence, 295-314. DOI: https://doi.org/10.1016/B978-0-12-816169-2.00014-6.
Saleh Abdullahi and Biswajeet Pradhan. (2017). Sustainable Urban Development - Spatial Modeling and Assessment of Urban Form Analysis of Urban Growth: From Sprawl to Compact Using Geospatial Data. Springer International Publishing AG 2017.
Khuong Vu, Kris Hartley. (2018). Promoting smart cities in developing countries: Policy insights from Vietnam. Telecommunications Policy, 42(10), 845-859. https://doi.org/10.1016/j.telpol.2017.10.005.
Các bài báo kinh tế - xã hội năm 2019-2020 trên Internet về kinh tế số.

THE IMPORTANT ROLE OF HIGH TECHNOLOGY IN THE DEVELOPMENT

OF SMART CITIES IN HO CHI MINH CITY, BINH DUONG

AND CAN THO

Ph.D. TRAN VAN THIEN1

Master. PHAM KIEN2

1 2 Van Lang University

ABSTRACT:

This article clarifies the important role of developing smart cities in economic development as well as the role of using and developing high-technology to solve urbanization problems in Vietnam. This article also points out opportunities and solutions for developing sustainably essential infrastructure for the economy. In addition, the article proposes the orientation role of the State in planning and investment activities, making and adopting policies to encourage diversified investment soures, and creating conditions for all economic sectors to participate in building smart cities.

Keywords: Smart city, high technology, infrastructure, information and communications technology.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/su-quyet-dinh-cua-cong-nghe-cao-doi-voi-viec-xay-dung-va-phat-trien-do-thi-thong-minh-tai-3-dia-phuong-thanh-pho-ho-chi-minh-binh-duong-va-can-tho-78464.htm