Sự ra đời, tồn tại của hình tượng tiên nữ
'Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống - Hình tượng tiên nữ' tập trung nghiên cứu hình tượng tiên nữ trong mỹ thuật cổ.
Đầu năm 2023, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ra mắt cuốn sách Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống - Hình tượng tiên nữ của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May. Đây là một trong những đầu sách chất lượng cao của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sách tập trung khảo cứu về hình tượng tiên nữ trong mỹ thuật cổ Việt Nam từ thời tiền sử đến thời hiện đại. Tiên nữ là một hình tượng thường xuất hiện trong các truyền thuyết, truyện cổ tích, văn học, nghệ thuật và những công trình văn hóa của người Việt nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào lý giải đầy đủ và khái quát.
Với sự đam mê nhiệt huyết và cẩn trọng, nhóm tác giả đã dày công sưu tầm và khảo sát, thu thập tư liệu trực tiếp ở các công trình văn hóa (chùa, tháp, đền, miếu, đình làng...).
Kết hợp với những lý thuyết và phương pháp mới nhất như: Lý thuyết sáng tạo truyền thống của Eric Hobsbawn hay Dân tộc biểu tượng luận của Anthony D. Smith, người viết đã trình bày một cách hệ thống về hình tượng tiên nữ trong văn hóa và mỹ thuật Đông - Tây như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp - La Mã, một số nước châu Âu... rồi liên hệ, so sánh đối chiếu với hình tượng tiên nữ Việt.
Nhóm tác giả cũng giải thích khá thuyết phục về sự ra đời, tồn tại của hình tượng tiên nữ, qua đó làm sáng lên những đặc điểm và hệ giá trị của hệ đồ án tiên nữ đối với văn hóa Việt Nam. Điểm nổi bật của cuốn sách toát lên hình tượng tiên nữ đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Cuốn sách được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao khi đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam nói chung và ngành nghiên cứu mỹ thuật cổ nói riêng.
Mẫu Đơn/Báo Đà Nẵng
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-nghien-cuu-post1442333.html