Sự sống tái sinh mạnh mẽ nơi biển sâu
Khắp nơi trên hành tinh, lũ thằn lằn chúa biến đổi. Con nhỏ hay con to, chúng dần dần trở thành cá sấu, thằn lằn bay và... khủng long! Trong đó có Nothosaurus.
Hãy tưởng tượng chúng ta đang trên bờ biển, cách đây khoảng 240 triệu năm. Chính vào giữa trưa, bầu trời xanh lơ, thời tiết rất đẹp, và những tia nắng chiếu xuyên xuống nước với sự trong suốt hoàn hảo. Một con sóng nhỏ từ khơi xa chạy lại và xô vào một tảng đá đã mòn vẹt vì sóng nhồi. Ta chỉ muốn xuống nước, phải không?
Nhưng đột nhiên, một khối sẫm màu lướt qua như một mũi tên ngay sát tảng đá. Chúng ta chỉ kịp thoáng nhìn thấy nó! Vẫn là nó, nó lại lượn qua ngay trước mặt chúng ta và biến mất. Chúng ta có thể chờ một chút trước khi thò chân xuống nước...
Đột nhiên, xoạt! Một loài thằn lằn khổng lồ vọt lên cách chúng ta vài bước chân. Nó trườn lên những tảng đá nhô lên mặt nước bằng cách vặn mình như những con hải cẩu. Nó có những cái chân màng ngắn và đuôi thì dẹt. Đó là một con Nothosaurus dài 3 m.
Nó quay đầu về phía chúng ta, khuôn mặt cá sấu của nó quan sát chúng ta từ trên cao cái cổ dài. Hàm nó để lộ ra những chiếc răng nhọn, thật hoàn hảo để bắt những con cá có vảy trơn trượt. Nó xác định chúng ta không phải là con mồi cũng chẳng phải là nguy cơ đối với nó, thế là nó chẳng buồn nhìn và bơ luôn. Hú hồn!
Nó nghỉ ngơi vài phút và lại trườn xuống nước để bắt đầu đi săn. Nó có sự lựa chọn: thời bấy giờ cá sinh sôi nảy nở và cho ra đời nhiều loài mới. Dọc theo các bờ biển, chúng tạo nên sự phồn vinh của những con Nothosaurus, nhưng ngoài khơi xa, chúng lại bị những kẻ săn mồi khác ngấu nghiến. Bọn này nô giỡn khắp đại dương: những con Ichtyosaur, nghĩa là “thằn lằn cá”.
Thật là con vật kỳ quặc... Ichtyosaur giống với cá heo của chúng ta và nó hít thở không khí trên mặt nước giống cá heo, nhưng nó không phải là cá heo. Vây lưng và đuôi của nó giống với vây lưng và đuôi của cá mập, nhưng lại không phải là cá mập. Người ta nói rằng Ichtyosaur là bò sát biển. Nó dạy chúng ta rằng Tự Nhiên không phải lúc nào cũng tiến lên theo cùng một hướng: đôi khi, nó đi lùi!
Tại sao Tự Nhiên lại phải kiềm chế nếu như điều đó là tốt hơn cho một số loài? Những tổ tiên xa xôi của Ichtyosaur là cá, biến đổi thành động vật bốn chân. Khi đó, chúng có bốn cái chân và đùa nghịch bên bờ nước, trong các đầm phá. Thế rồi dần dà, những động vật bốn chân này quay trở lại sống hẳn dưới biển và theo thời gian, chân của chúng một lần nữa, lại trở thành vây!
Những con Ichtyosaur nhỏ nhất chỉ bằng sải tay của bạn. Những con lớn nhất dài tới 20 m, tương đương với một con cá nhà táng! Chúng dùng cái mỏ dài bắt cá, nhưng cũng bắt rất nhiều con Belemnita, loài mực thẻ di chuyển theo đàn. Một số con Ichtyosaur có cặp mắt lớn, đôi khi to như cái đĩa! Chúng dùng mắt để định vị dưới biển sâu thăm thẳm, mặc dù rất ít ánh sáng xuống được đến tận đó. Bởi vì chúng có khả năng đi săn mà vẫn nhịn thở trong nhiều phút.
Còn những con non thì sao? Chà, Ichtyosaur không đẻ trứng, con non được sinh ra trực tiếp từ bụng mẹ, giống như ở cá heo. Ngay khi chào đời, chúng đã biết bơi, và được mẹ chăm sóc, dạy cách đi săn cho đến khi biết tự xoay xở một mình.
Nhưng vậy thì một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Ichtyosaur lại giống với cá mập hoặc cá heo, những loài rất lâu sau mới xuất hiện? Đó là ba nhóm rất khác nhau: bò sát biển, cá sụn và động vật có vú... Thế nên chúng giống nhau đơn giản bởi vì chúng đều sống dưới đại dương và đi săn theo cùng một cách. Bạn thấy đó, Tiến Hóa chiếu cố hình dáng thích nghi tốt nhất với mỗi hoàn cảnh, còn con cái nhà nào thì vẫn thuộc về gia đình nhà nấy.
Một động vật biển khác ở thời kỳ này có thể coi là hổ lốn: con Placodontia. Nó ở đằng kia, bên rìa đá, dưới vài mét nước, đang đào bới đáy cát để tìm sò. Nó ghè vỡ vỏ sò nhờ những cái răng phẳng. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất chính là cái mai mà nó mang trên lưng.
Một lần nữa người ta có thể nhầm lẫn: con vật này giống với con rùa, nó bơi như một con rùa, nhưng không phải là rùa. Tổ tiên của nó sống trên đất liền, rồi càng ngày chúng càng dành nhiều thời gian dưới nước để kiếm ăn hơn. Dần dần, chúng được những phiến xương bảo vệ. Và những phiến xương này càng rộng thì chúng càng được bảo vệ tốt hơn. Cứ như vậy, những phiến xương ấy gắn liền lại với nhau và giống chiếc mai rùa. Nhưng bản thân loài rùa thì mãi về sau mới xuất hiện.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-song-tai-sinh-manh-me-noi-bien-sau-post1341305.html